Xúc động xem những cặp vợ chồng "công nghiệp" nuôi dưỡng tình yêu

Thứ ba, 14/05/2013, 13:55
Với công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), để được “an cư” mà “lạc nghiệp” là một chuyện không hề dễ dàng. Những người may mắn tìm được bạn đời, cuộc sống chông chênh nơi xóm trọ như nhọc nhằn hơn bởi gánh nặng cơm áo, bởi hàng loạt những nỗi lo rất đỗi đời thường; nhưng cũng hạnh phúc hơn bởi những lo toan hằng ngày có người san sẻ.

Tại nhiều KCN ở Hà Nội, các ký túc xá đã được xây dựng nhưng số căn hộ chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu của công nhân. Để “giành” được suất ở ký túc xá đối với các công nhân độc thân, 10 – 12 người sống chung một hộ đã khó, huống chi những gia đình cần có khoảng trời riêng. Vì thế, nhà trọ trong dân là “cứu tinh” cho các cặp vợ chồng cùng làm tại KCN.

Men theo con đường bê tông lổm ngổn đất đá, bụi phủ trắng cây cối hai bên đường, chúng tôi tìm đến xóm Bầu (Đông Anh) gần KCN Bắc Thăng Long – nơi tập trung khá đông công nhân ở trọ. Một trưa chủ nhật, dãy trọ công nhân nằm sâu trong xóm Bầu im ắng, thi thoảng mới có tiếng trẻ con khóc, tiếng nồi xoong chuẩn bị bữa trưa.

Bận rộn và mệt mỏi, ai cũng tranh thủ những giây phút hiếm hoi để nghỉ ngơi. Anh Mạnh (công nhân công ty KAI) được nghỉ, còn vợ anh, chị Lành đang mang bầu đến tháng thứ 8 vẫn phải tăng ca. Anh Mạnh nói: “Ở nhà buồn, đọc báo để “giết” thời gian, chứ bước chân ra cửa là y như rằng phải chi tiền. Mà tôi có dám mua báo đâu, mượn của ông chủ nhà đấy chứ! Trưa nay vợ không về,chắc tôi úp gói mì ăn cầm hơi rồi đi ngủ thôi.” 

cong nhan

Anh Mạnh nằm đọc báo “cầm hơi”.

Hàng xóm của anh, chị Thanh cũng đang ăn cơm một mình. Hai vợ chồng chị cùng làm ở công ty Canon, nhưng cặp vợ chồng son này hiếm khi được ăn cơm cùng nhau, bởi ca kíp của hai người luôn trái ngược.

Chùng giọng xuống, chị Thanh tâm sự: “Người ta bảo tôi thế là còn may, vì “vớ” được chồng, chứ trong công ty tôi, nhiều con gái quá lớ lỡ thì lắm. Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 4 tháng, nhưng thời gian ở bên nhau chắc đếm được trên đầu ngón tay. Được cái, anh ấy rất yêu vợ, những ngày nghỉ, dù bạn bè có gọi mấy thì gọi, anh không đi nhậu nhẹt mà chỉ loanh quanh ở nhà với vợ.” 

cong nhan

Chị Thanh có chồng, nhưng vẫn thường trải qua cảnh một mình một mâm cơm.

Cũng như nhà anh Mạnh hay chị Thanh, những cư dân xóm Bầu phải nhọc nhằn lắm mới sống “khỏe” được với đồng lương công nhân ba cọc ba đồng. Dù có tiếng là giá “mềm” hơn nhiều khu trọ công nhân khác, nhưng “khoảng trời riêng” của các cặp vợ chồng ở đây cũng ngốn từ 800.000 – 1 triệu đồng, chiếm khoảng 1/3 tháng lương eo hẹp của họ.

Phòng trọ ở đây hầu hết có diện tích không lớn, chừng 10 m2, nhiều dãy nhà đã phủ đầy rêu hoặc mốc meo, song nhiều gia đình vẫn tự bằng lòng vì một lẽ rất đơn giản: tiền thuê rẻ. 

Không ở chung, ở ghép dăm bảy người được như những người độc thân, các hộ gia đình phải thuê trọn một phòng ở; những chi phí khác cũng “đội” lên, đặc biệt khi họ có con. Câu chuyện hay được cư dân xóm này trao đổi nhất, dĩ nhiên, xoay quanh chuyện làm thế nào xoay sở được trong thời bão giá, mách nhau cách chi tiêu hợp lý, chỉ nhau chuyện chăm sóc con…

Lịch trình chung của những “nội tướng” ở đây thường là thức dậy lúc 5h, nấu cơm sáng cho cả gia đình, đưa con đến trường mẫu giáo rồi đạp xe đến công ty, miệt mài làm việc cả ngày, nghỉ trưa một lát rồi tối lại cơm nước và ngủ vùi cho lại sức…

Khu trọ ở xã Kiên Thành (Trâu Quỳ, Gia Lâm) cũng nằm sâu trong làng, cạnh bờ kênh gập ghềnh ngập đầy rác, dường như người ta đang nạo vét dở dang. Những dãy nhà trọ xây san sát nhau, lớp vôi vàng ệch quét vội đã bong tróc với thời gian, những mái pro xi măng hầm hập nóng vào những chiều hè ngó ra khoảng sân chung vo ve tiếng muỗi kêu cũng là tổ ấm của nhiều gia đình công nhân.

Ở khu này, điều kiện sống cũng chẳng khá khẩm hơn nhưng giá dịch vụ lại cao hơn, có lẽ vì “gần” trung tâm hơn một chút. Tiền thuê một căn phòng chừng 13 m2 ở đây là 1,3 triệu đồng/tháng, tiền điện 3.500 đồng/số, tiền nước sạch 30.000 đồng/người.

Tính ra, một gia đình nhỏ tiết kiệm lắm, cả tháng vẫn tốn hơn 1,6 triệu đồng tiền thuê nhà, chưa kể tiền ăn, tiền ga, tiền thuốc men, tiền gửi con, rồi hiếu hỷ và đủ thứ chi phí lỉnh kỉnh như mọi gia đình khác.  

Chị Liên (công nhân công ty kim khí Thăng Long, KCN Sài Đồng) than thở: “Phải gói ghém lắm mới đủ sống đấy. Đi chợ cũng phải tính nát ra mới dám mua. Có chợ cóc ngay bên ngoài kia, nhưng người ta bán đắt lắm, tôi toàn tranh thủ chạy ra chợ Sủi cách đây chừng 3 km, là chợ buôn, giá cả rất mềm.” Chị Liên và anh Huy lấy nhau đã hơn 4 năm, có hai cậu con trai. 

cong nhan

Chị Liên tranh thủ khâu quần cho chồng trong khi anh Huy chăm con.

Tháng này, bé thứ hai của anh chị đã được 5 tháng. Chị thở dài: “Thằng bé phải ăn dặm sớm, mẹ mất sữa nên còi quá! Tháng này tôi phải đi làm lại, trước mắt ngày một ca, còn đỡ, mấy tháng nữa làm hai ca, 10h đêm mới về, thằng lớn thì đi học mẫu giáo cách đây 2 km, bố mẹ đi làm cả, không biết xoay xở kiểu gì.” 

cong nhan

Bé Hưng rất hiếu động, chỉ bố mới có thể dỗ bé ngồi yên ăn cơm.

cong nhan

Anh chị phải đón bà nội ở quê lên chăm cháu. Chi phí sinh hoạt hằng ngày cũng tốn kém hơn. 6h tối, trời đã xâm xẩm đen nhưng anh chị vẫn chưa dám bật đèn, cố tận dụng chút ánh sáng cuối ngày để sơ chế thức ăn và ra sân hóng gió trời.

Vừa cho con trai lớn ăn cơm, anh Huy vừa kể: “Ở đây sợ nhất là buổi tối. Phòng nhỏ lại bí, bếp cũng ở trong nhà, có mở tung cửa sổ, quạt mấy thì quạt, cứ đến tối, mùi thức ăn, mùi ẩm mốc và hơi người lại “om” trong phòng, ngột ngạt, khó chịu lắm. Lại còn muỗi nữa, thằng bé con nhà này bị muỗi đốt chi chít.” 

cong nhan

Căn phòng chật hẹp này là tổ ấm của 5 người.

Chị Liên cũng góp chuyện: “Đấy là chúng tôi đã thử xoay giường đủ kiểu mất mấy ngày mới thu xếp được chỗ ngủ hợp lý đấy. Hai vợ chồng với hai cậu con thì chen chúc trên chiếc giường 1,5 m, chỉ lo thằng anh nằm đè lên em.

Bà nội thì ngủ ở phản, lúc đầu để cả cái cơ, nhưng chật quá không còn chỗ đi, đành gỡ nửa chiếc phản ra làm thành “bàn ăn” cho gia đình.” Hỏi về chuyện “tình cảm” vợ chồng, chị Liên chỉ cười trừ, khẽ chép miệng: “Có phải vợ chồng son nữa đâu mà…”  

cong nhan

Phòng của chị Lan, anh Ước (bên trái) là “xịn” nhất khu vì có phòng bếp riêng. Giá thuê cũng cao hơn.

cong nhan

Tiền điện đắt, ai cũng cố tận dụng ánh sáng tự nhiên.

cong nhan

Thấy trời sầm, mẹ anh Huy (trái) vội vã rút quần áo cho các con. 

Hạnh phúc vẫn nở hoa 

Chị Mơ vừa ngắm những đứa trẻ trong xóm tíu tít chơi đùa vừa đứng lên ngồi xuống ngóng chồng ở quê lên, ra chiều sốt ruột lắm. Chốc chốc chị lại tủm tỉm cười. Không giấu nổi niềm vui, chị tíu tít khoe với người lạ: “Mình chờ anh lên để báo tin hai đứa sắp có con!” Bữa tiệc chị đãi chồng ngày nhận tin vui chỉ vỏn vẹn ba bìa đậu trắng sốt cà chua, bát canh măng “không người lái” và ít dưa muối, nhưng chắc hẳn đó sẽ là "đại tiệc" với anh.

Hai vợ chồng chị Mơ đều quê ở Bắc Ninh, lên Hà Nội làm việc đã 5, 6 năm nay. Chị làm công nhân may tại một công ty trên đường Minh Khai, còn chồng làm ở gần Trâu Quỳ, đi từ từ 5h30 đến 18h30 mới về nhà, nên họ trọ ở xóm Kiên Thành này cho tiện việc anh. Ngày ngày, chị Mơ đón xe buýt đến chỗ làm. 

cong nhan

 Chị Mơ (trái) khoe kết quả khám thai…

cong nhan

…rồi nấu “tiệc” chờ chồng.

Chị trải lòng: “Hai vợ chồng cưới nhau gần 2 năm, giờ mới có em bé. Thực ra, trước mình đã có một bé rồi, nhưng hồi đó mình làm việc nhiều quá, kiệt sức, suy nhược cơ thể, thành ra bị sẩy mất. May quá, giờ lại có”. Chị bảo, lấy chồng chỉ lãi mỗi con thôi, chứ hai vợ chồng chòng chọc nhìn nhau mãi cũng chán, và dù cuộc sống có khổ nhường nào, chị cũng muốn có con.

Trong xóm trọ ấy, chị Lan, anh Ước cũng sắp đón một thành viên nữa. Chị Lan làm việc ở KCN Phú Thụy trong một công ty sản xuất nhôm, lại bị viêm xoang mãn tính nặng; còn anh làm ở X20, là nhà máy hóa chất độc hại.

Đang mang thai ở tháng thứ bảy, chị mới lên được 4kg, hôm trước đi khám bị bác sĩ mắng vì không chịu bồi dưỡng. Chị Lan lạc quan: “Chắc đứa bé sẽ khỏe thôi, bé gái đầu của chúng tôi nay đã sắp đi học lớp 1, cũng khỏe mạnh, bụ bẫm lắm!”. 

cong nhan

Đang bị ốm, anh Ước chỉ lo sẽ lây cúm cho vợ con.

Chị khoe con gái đã đi học vỡ lòng ở nhà cô giáo, đã biết viết những nét chữ đầu tiên. Anh chị cũng đầu tư cho con đi học thêm tiếng Anh, mỗi buổi học phí gần 50.000 đồng. Chị bảo, đời mình đã khổ vì không chịu học cao và không học được đến cùng, chỉ hết phổ thông nên muốn hướng cho con vào con đường học hành, dù có tốn kém mấy cũng phải gắng gượng.

cong nhan

Chị Lan luôn mong con học giỏi... 

Còn với chị Liên, con học giỏi, sau này thành ông này bà nọ thì tuyệt, nhưng quan trọng hơn và cũng giản dị hơn, “bọn trẻ con không ốm đau gì, cứ khỏe mạnh là hạnh phúc lắm rồi. Trẻ con ốm thì khổ thân chúng nó mà khổ cả mình, nghỉ làm chăm con thì càng hụt tiền, mà còn phải bồi dưỡng, chăm sóc chúng nữa.” 

cong nhan

... còn với chị Liên, hạnh phúc là thấy các con khỏe mạnh.

“Những gia đình công nhân trong khu trọ này”, anh Ước cười bảo, “chẳng khác gì ruột thịt của nhau. Cuộc sống nghèo vậy thôi nhưng tình cảm lắm. Có cái gì ngon, người ta sẵn sàng chia sẻ cho nhau. Nhà tôi và nhà cô Mơ có ti vi, tối đến là bật cho cả xóm sang xem, cũng có khi bọn trẻ con quý nhau, chơi với nhau tới đêm mới chịu về phòng là chuyện thường, không ai cảm thấy phiền lòng. Ngay như cái phản nhà anh Huy ấy, vừa là bàn ăn, vừa là chỗ ngồi chơi tụ tập của cả xóm.”

cong nhan

Những bữa cơm đạm bạc và nơi ở tồi tàn…

cong nhan

… không ngăn họ mong con mình sẽ thành đạt.

cong nhan

Bé Hưng hồn nhiên xem ti vi “ké”…

cong nhan 

… trong khi bố và bà nội ăn cơm, mẹ trông em bé.

CONG NHAN

Những công nhân này sống với nhau như một gia đình lớn: chia sẻ thức ăn…

CONG NHAN

… những đứa trẻ chơi đùa cùng nhau …

cong nhan

… và người lớn san sẻ niềm vui cuộc sống

Anh Ước bảo, có lẽ cái nghèo, cái nhọc nhằn cùng cảnh ngộ đã níu họ với nhau, để những hạnh phúc nho nhỏ ấy tiếp sức cho họ sống vui vẻ. Và những đứa trẻ, mặc cho cuộc sống của người lớn nặng trĩu lo toan, những đứa trẻ trong xóm trọ công nhân vẫn tươi tắn, hồn nhiên như ước mơ của cha mẹ chúng về cuộc sống nơi phố thị.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn