Trượt công chức, xin làm công nhân
Học ngành Chính trị học của một trường ĐH có tiếng ở Cầu Giấy, Hà Nội, nhưng nay, Bùi Thị Vân (25 tuổi) đã yên vị làm công nhân công ty C. ở Bắc Ninh. Vẫn phải xa nhà, phải tiết kiệm từng li từng tí, nhưng chí ít, Vân còn có việc làm và có thu nhập ổn định. Kể về mình, cô gái chỉ chực khóc.
“Nếu đúng chuyên ngành, thì tôi phải được làm việc tại các cơ quan Đảng ủy – khối Ban ngành. Nhưng vì gia đình cũng chỉ làm ruộng, kinh tế khó khăn, mối quan hệ thân sơ không có, nên hai lần thi công chức ở quê, dẫu có ôn luyện kỹ càng đến đâu tôi vẫn trượt. Trượt lần 1 còn hi vọng, trượt lần 2 thì chẳng dám mơ mộng nữa, vì mình còn phải sống, phải ăn, phải tiêu, phải đỡ đần bố mẹ” – Vân nghẹn ngào nói.
Bơ vơ, buồn chán mãi cũng không được, Vân theo các em trong xóm đi nộp hồ sơ vào làm công nhân ở Bắc Ninh. Biết rằng đi làm như vậy là khiến cha mẹ và bản thân thất vọng, nhưng cô cũng không nghĩ ra một con đường nào khác.
Ngay cả việc trúng tuyển được làm công nhân, với Vân cũng là “may” vì: “Nhiều người nộp hồ sơ có bằng cao đẳng, đại học là bị họ loại ra ngay. May là tôi tìm hiểu trước, bỏ bằng đại học, chỉ nộp bằng cấp 3!!!”.
Nhiều người có bằng đại học cũng đành ngậm ngùi xin làm công nhân. (Ảnh minh họa: nguồn stock) |
Làm công nhân điện tử không đòi hỏi kinh nghiệm nhưng phải chịu áp lực, thời gian cho bản thân cũng không có nhiều, Vân thú nhận, ngoài đi làm, ăn, ngủ, rồi lại đi làm, cô chẳng được đi đâu chơi xa hay có gì giải trí. Nhưng đó không phải là áp lực duy nhất của Vân.
“Sợ nhất là những lời đàm tiếu của người thân, hàng xóm kiểu “học đại học ra cũng chỉ bằng đứa học hết cấp 2. Nghe mà chạnh lòng…” – Vân tâm sự.
Chán nản, bế tắc, nhưng trong những lúc bình tâm nhất Vân vẫn tự an ủi mình: Làm việc một thời gian, dành dụm chút vốn liếng để làm công việc nào khác, hoặc chờ đợt thi công chức tiếp theo...
Dằn vặt vì thất nghiệp
Cùng cảnh ngộ “cử nhân về quê làm công nhân”, Trần Thị Thanh Hương (tốt nghiệp ngành Kế toán – ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) ngậm ngùi nói về tình cảnh của mình: “Hồi mới ra trường, đi xin việc ở đâu họ cũng đòi 1-2 năm kinh nghiệm, nên cuối cùng mình đi làm nhân viên bán hàng.
Được một năm “vất vưởng” với công việc tạm bợ này thì mình xin được vào làm kế toán cho một nhà hàng, mình đã vui và hi vọng rất nhiều. Không ngờ, làm kế toán nhưng mình phải kiêm luôn nhiều phần việc khác, vừa chạy bở hơi tai nhận yêu cầu của khách hàng, vừa phải đảm bảo tính toán thu chi của nhà hàng chính xác, trong khi mức lương cứ lẹt đẹt mãi 2,5 – 3 triệu đồng”.
Dù vậy, Hương vẫn cố gắng với hi vọng “đãi ngộ” sẽ tăng dần. Vậy mà hơn một năm nữa trôi qua, cô vẫn nhận y nguyên mức lương bèo bọt, “so ra không bằng công nhân ở quê, cũng từng ấy tiền, có khi còn hơn mà chi phí sinh hoạt thấp hơn mình ở thành phố rất nhiều”.
“Bố mẹ ở quê cũng mong đợi vào mình nhiều, nhưng đã hai năm ra trường, tiền kiếm được chẳng là bao, cuộc sống lại quá áp lực, mệt mỏi, quẩn quanh. Cuối cùng mình cũng phải chấp nhận…” – Hương tâm sự về quyết định bỏ việc ở nhà hàng, về quê nộp hồ sơ làm công nhân tại khu công nghiệp gần nhà.
Công việc tuy vất vả nhưng gần nhà nên chi phí sinh hoạt chẳng đáng là bao, cô dành dụm được trọn vẹn tiền lương cho mình và bố mẹ. Tuy vậy, lúc nào Hương cũng dằn vặt, nghĩ ngợi. Mấy tháng trời đi làm, cô sút cân trầm trọng. Muốn tăng thu nhập thì làm tăng ca đêm, vô cùng mệt mỏi.
Hương tâm sự: “Nói thật, vào đây làm mới biết, cử nhân thất nghiệp về quê làm công nhân không hiếm. Nhà máy nơi mình làm việc cũng có rất nhiều người tốt nghiệp đại học. Nghĩ mà buồn…”.
Theo Vienamnet