Chùa Một Cột: 10 năm tượng Phật khóc trong mưa

Thứ hai, 13/05/2013, 14:59
Dư luận đang quan tâm tới sự xuống cấp nghiêm trọng của chùa Một Cột và lá đơn yêu cầu trùng tu di tích mang tính “tối hậu thư” gửi cho lãnh đạo Hà Nội. Chiều 10/5, phóng viên báo Đất Việt đã được nghe trải lòng của Trụ trì cũng như tăng nhân trong chùa Một Cột – Diên Hựu.

Tiếng kêu than không bao giờ có hồi âm... 

Đại đức Thích Tâm Kiên trụ trì chùa Một Cột từ năm 1992, đến nay cũng đã hơn 20 năm. Từ năm 2002 đến nay, hơn 10 năm trời, bằng một nửa thời gian trụ trì, Đại đức đã miệt mài gửi đơn kêu cứu cho chùa Một Cột đến ban ngành các cấp.
 
Chua Mot Cot

Tượng Tổ mặc áo mưa, đội nón vì dột nát tại chùa Một Cột


Đại đức Kiên thấy chùa Một Cột đang xuống cấp từng ngày. Khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuống cấp càng trở lên trầm trọng hơn. Cứ mỗi trận mưa lớn kéo dài khoảng 3 tiếng, sân chùa lập tức ngập nước, nước tràn vào tận trong gian thờ Tổ và thờ Mẫu, ngập khoảng 20 cm. Cá biệt có những năm, nước dâng ngập đến 50 cm trong nhà thờ Tổ.
 
Đặc biệt, sau trận lụt lịch sử của Hà Nội năm 2009, chùa Một Cột thiệt hại nặng nề vì nước tràn vào cao gần 1 m, nhiều ngày sau mới rút hết nước.
 
Nguyên nhân của sự ngập úng này xuất phát từ việc nền của chùa Một Cột – Diên Hựu thấp hơn những công trình đồ sộ chung quanh khoảng 40 – 60 cm, chùa trở thành rốn chảo để chứa nước từ các nơi khác dồn lại.
 
Chua Mot Cot

Đại đức Thích Tâm Kiên - Trụ trì chùa Một Cột


Còn về vấn đề dột nát, không phải gần đây mới dột, mà hàng chục năm nay, năm nào cũng dột. Nước ngấm vào các xà nhà, cột kèo, rồi mối mọt dẫn đến nhiều cột, xà, đầu hồi mục ruỗng hết cả. Không thiếu trường hợp khách thăm quan đứng trú mưa dưới hiên chùa mà ngói mủn rơi vào người du khách.
 
Trên ngấm, dưới ngập khiến cho chùa Một Cột không biết sẽ còn có thể trụ được đến bao giờ?
 
Chưa khi nào nhà chùa ngừng việc cầu cứu các cơ quan chức năng tôn tạo, tu sửa di tích. Tuy nhiên, những lá đơn liên tiếp được chùa Một Cột gửi đến phòng Văn hóa truyền thông Quận Ba Đình bắt đầu từ năm 2002. Đến năm 2008, không nhận được sự hồi đáp từ phía Quận, trụ trì đã gửi đơn cho UBND Tp Hà Nội.
 
Chua Mot Cot

"Có những năm nước ngập cao quá mặt chiếc ghế này" - Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết

Năm 2009, nhà chùa vẫn kiên trì kêu cứu tới UBND Hà Nội và những cơ quan chức năng liên quan. 

Năm 2010, trụ trì đã mời UBND phường Đội Cấn đến xác nhận sự xuống cấp của chùa Một Cột, lập biên bản xác nhận, sau đó nhà chùa mới gửi đơn đến các cơ quan. 

Trung bình cứ 6 tháng nhà chùa lại gửi đi một lá đơn kêu cứu cho di tích đặc biệt này. Trong thời gian ấy, có một lần vào dịp 1000 năm Thăng Long, chùa được tu sửa lại hệ thống thoát nước. 

Quá bức xúc trước sự làm ngơ của các cơ quan chức năng, ngày 2/5/2013, Trụ trì một lần nữa gửi đơn đến UBND Hà Nội và các cơ quan liên quan, và gần như là một bức tối hậu thư cho các cơ quan quản lý. 

Đại đức Thích Tâm Kiên bức xúc: “Có nhiều lúc chùa gần như tuyệt vọng, mỗi lá đơn gửi đi đều nhận lại là sự chờ đợi. Việc trùng tu lại di tích không phải chỉ cứ nay sửa cái này, mai sửa cái khác là xong mà phải làm mang tính tổng thể.

Tôi không hiểu vì sao đã có thiết kế dự án do các ban ngành đưa ra, nhà chùa và Thành hội Phật giáo Hà Nội đã đồng ý, nhưng vẫn không chịu tiến hành tu sửa. Nếu với lý do nhà nước không đủ tiền, nhà chùa sẵn sàng vận động xã hội hóa 50%, thậm chí cả 100%. Tôi không thể lý giải nổi lý do của sự làm ngơ này.” 

Trả lời về lá đơn mang tính chất tối hậu thư này, Trụ trì cho biết: “Đây chỉ như một tiếng chuông thức tỉnh cho các đơn vị quản lý về thực trạng của chùa Một Cột đã nguy cấp lắm rồi, còn nhà chùa có làm thế nào cũng phải theo quy định của nhà nước, pháp luật, không thể tự ý tự tiện được”.

Tăng nhân vô cùng khốn cực...

Bà Bình – một người phụ nữ tật nguyền xin nương nhờ cửa chùa đã gần 40 năm cho biết: “Tôi xin ở đây để giúp việc cho nhà chùa, cũng là không nơi nương tựa, thấy đời sống tăng nhân ở đây khó khăn quá. Cứ trời mưa là vội vàng lo hứng nước, che dột, mưa to thì chuẩn bị tinh thần để tát nước. Thấy tượng Tổ mặc áo mưa đội nón lá mà rơi nước mắt!” 

Một tăng nhân trong chùa cho biết: “Chúng tôi sống ở đây đã quen rồi, là người tu hành thì khổ cực đều chịu đuợc, chỉ có điều để tượng Phật thì ướt mà chùa thì mục chúng tôi rất đau lòng. Hơn nữa, mỗi khi có du khách thắc mắc về vấn đề xuống cấp này, chúng tôi thật sự không biết phải trả lời thế nào cho du khách thông cảm.” 

Chua Mot Cot

Bà Bình tâm sự: "Mối khi nước ngập, tôi chỉ biết ngồi yên một chỗ, nhìn chùa dột, nước dâng mà đau lòng lắm!"

Chiều ngày 8/5, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí, phía UBND quận Ba Đình cũng đã cử một đoàn công tác đến kiểm tra sự xuống cấp của chùa Một Cột và làm biên bản xác nhận. Sau đó, giữa nhà chùa và các ban ngành liên quan có một cuộc họp khẩn cấp. 

Giải pháp trước mắt, phường Đội Cấn có trách nhiệm đảo ngói những chỗ dột nghiêm trọng. Ngày 15/5, phía Sở Văn hóa Hà Nội cùng với các ban ngành hữu trách sẽ tổ chức hội thảo để xem xét vấn đề trùng tu di tích cấp quốc gia chùa Một Cột – Diên Hựu. 

Trước thông tin này, Trụ trì Thích Tâm Kiên và tăng nhân cũng chỉ biết cầu trời khấn Phật để câu trả lời không phải là sự chờ đợi.

Theo Baodatviet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích