Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ĐBQH Đỗ Văn Đương, thường trực Ủy ban Tư pháp một tuần trước kỳ họp QH, nơi sẽ diễn ra hoạt động chưa từng có trong lịch sử QH: bỏ phiếu tín nhiệm nhân sự cấp cao.
Nếu kết quả tròn vo…
Tại phiên họp khai mạc tuần tới, lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh lãnh đạo chủ chốt. Việc làm này theo ông có ý nghĩa như thế nào?
- Lần đầu tiên chúng ta làm việc này nên có ý nghĩa hết sức hệ trọng. Trong bối cảnh đất nước đang nổi lên nhiều vấn đề bức xúc nóng bỏng như hiện nay thì kết quả bỏ phiếu ra sao có ý nghĩa rất lớn.
ĐBQH Đỗ Văn Đương: Đã là đại biểu thì phải chấm điểm cho đúng chứ không nên xuất phát từ yêu ghét cá nhân. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Giả sử việc bỏ phiếu không được thực chất, kết quả bỏ phiếu tròn vo thì hệ quả sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến niềm tin của cử tri với uy tín của QH. Khi đó, các ĐBQH sẽ nói gì trước cử tri đây? Đây là lần đầu tiên tiến hành đánh giá tín nhiệm nên nó sẽ tạo tiền đề cho những lần sau.
Ngoài ra, việc lấy phiếu ở QH còn có tác dụng nêu gương để HĐND các cấp bỏ phiếu dưới địa phương.Với tính chất hệ trọng như vậy, tôi rất kỳ vọng nó sẽ đi vào thực chất.
Ông cảm nhận thế nào về trọng trách của mình khi thay mặt cử tri bỏ phiếu tín nhiệm?
- Trọng trách của đại biểu rất nặng nề. Nhất là trong bối cảnh người dân vừa trải qua đợt sinh hoạt dân chủ góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, khi dân hỏi về đánh giá tín nhiệm, tôi cũng tâm sự thật là dân đang rất kỳ vọng. Nếu căn cứ hiện trạng quản lý, điều hành chính sách trên một số lĩnh vực như hiện nay thì có lẽ có một số trường hợp sẽ nhận được đánh giá tín nhiệm thấp.
Chấm điểm cho đúng
Vậy làm thế nào để có được một kết quả bỏ phiếu thực chất thưa ông?
- Mỗi ĐBQH phải công tâm, khách quan. Anh đã nhận gánh chức trách cử tri giao phó thì phải bỏ phiếu một cách vô tư với tư cách đại diện cho cử tri thay vì đứng ở các vai vế khác. Anh nhận sự ủy thác của cử tri thì khi bỏ phiếu phải thật khách quan, không nên chịu tác động của bất kỳ ý kiến nào hay bất kỳ vận động hành lang nào.
"Không nên chịu tác động của bất kỳ sự vận động hành lang nào". Ảnh: Minh Thăng |
Thứ hai, phải có thông tin. Ngoài thông tin chính thức là báo cáo công tác của các chức danh thì phải lấy thông tin từ phản ánh của cử tri, báo chí... Từ đó hình thành nhận xét, phân tích riêng.
Đã là đại biểu thì phải chấm điểm cho đúng chứ không nên xuất phát từ yêu ghét cá nhân, phải đánh giá những gì họ làm được và chưa làm được, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Theo tôi muốn đạt kết quả thực chất thì từng ĐBQH phải thấy được việc chấm điểm của mình phải công tâm, thực chất.
Ngoài các thông tin được cung cấp, ông có chủ động đi tìm hiểu thêm thông tin về những người mình sẽ bỏ phiếu hay không? Với những thông tin dưới dạng tin đồn, tin trên mạng hoặc thông tin trong dư luận, cá nhân ông sẽ ứng xử thế nào?
- Những thông tin đến tai mình thì có tác dụng để tham khảo nhưng rồi muốn biết thực hư thì sẽ phải có kiểm chứng, tìm hiểu sâu để tìm ra sự thật.
Như tôi nói ở trên, đó là anh không nên tiếp nhận thông tin một chiều mà phải hệ thống các thông tin, phân tích, đánh giá và xử lý bằng nhãn quan riêng để tìm ra bản chất vấn đề.
Chứ nói đúng ra, khi QH bầu hoặc phê chuẩn, các chức danh phải có chương trình hành động để có cơ sở hơn trong việc đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là thực hiện lời hứa trước QH, trước cử tri và nếu có điều kiện thì nên bố trí để chất vấn từng người. Chất vấn xong bỏ phiếu tín nhiệm, có như vậy mới khách quan, công khai, minh bạch.
Tự vấn
Ông nói đại biểu không nên chịu tác động của bất kỳ vận động hành lang nào, vậy cá nhân ông ứng xử thế nào trước chuyện vận động, chạy phiếu?
- Việc bỏ phiếu phải thực sự xuất phát từ trách nhiệm và lương tâm từng ĐBQH chứ không ai có thể nắm tay cả ngày đến tối. Cấm này cấm kia cũng không được nếu lòng anh không trong sáng. Nếu anh bỏ phiếu không chuẩn xác do bị tác động để lá phiếu sai lệch không đúng với lương tâm thì sẽ góp phần làm xấu mặt chính bản thân anh trước cử tri, anh nên tự vấn mình xem còn đúng là ĐBQH không.
Việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa như thế nào trong việc khơi dậy và khuyến khích văn hóa từ chức ở Việt Nam?
- Theo tâm lý thông thường thì để phấn đấu có chức quyền đã khó mà dũng cảm từ bỏ chức quyền đó lại còn khó hơn.
Trong sử sách, những người từ chức vì cái lợi của dân, của nước đều là những người được dân kính trọng. Khi không muốn màng chuyện chính sự thì họ sẵn sàng treo ấn từ quan. Còn những người tham quyền cố vị thì hình ảnh chỉ tồn tại một cách cưỡng bức trước nhân dân, ngay sau khi hết chức quyền thì không ai nhắc tên họ nữa.
Tôi cho rằng những người qua thăm dò nếu thấy tín nhiệm quá thấp dẫn đến khả năng bỏ phiếu tín nhiệm thì nên viết đơn xin từ chức, đó là một điều đáng trân trọng. Nếu làm được việc này sẽ tạo ra bước chuyển biến lớn, mở đường cho văn hóa từ chức.
Nhưng, cũng xin nhắc lại là để làm được việc đó không dễ, sức ép sẽ rất lớn. Vậy liệu có ai đương chức đương quyền khi tín nhiệm quá thấp mà dám làm không?
Theo VNN