Người đàn bà từng làm “khuynh đảo” thị trường OTC
Năm 2007, 2008, khi chứng khoán đang “hot từng phút”, thì ở Hà Nội, dân chơi “cổ cánh” không thể không biết đến tên Đoàn Vũ Thanh Nghĩa (SN 1969, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bởi khi người phụ nữ này đột nhiên biến mất đã tạo ra một cơn “dư chấn”cho không biết bao nhiêu người vì đã ôm hơn 40 tỷ đồng của những người nhẹ dạ, đưa tiền cho chị ta.
Vụ án của Nghĩa kéo dài 5 năm vẫn chưa có hồi kết. |
Nghĩa và năm bị hại: Nguyễn Thị Kim Oanh, Vũ Bích Nga, Nguyễn Hoài Anh, Đỗ Thị Phượng, Vũ Thị Kim Dung có mối quan hệ thân tình với nhau. Nghĩa nói rằng, mình có khả năng mua cổ phiếu ưu đãi của các doanh nghiệp đang cổ phần, được giao dịch trên thị trường tự do (OTC).
Theo Nghĩa, khi cổ phiếu OTC chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì chắc chắn sẽ có lãi từ 5 – 10%. Nhưng vì là cổ phiếu chưa niêm yết công khai nên việc mua bán cổ phiếu của công ty nào, thời gian, giá cả, số lượng bao nhiêu phải do Nghĩa mua và đứng tên.
Trước khi mua bán, Nghĩa sẽ báo cho mọi người biết thời gian và số tiền nộp, người mua không trực tiếp đứng tên mà chuyển tiền cho Nghĩa để mua cổ phiếu.
Năm người Oanh, Nga, Hoài Anh, Phượng, Dung đã nhiều lần đưa tiền cho Nghĩa bằng cách đưa trực tiếp, không có biên nhận và chuyển vào tài khoản, thời gian đầu Nghĩa trả đầy đủ lãi và gốc.
Đến cuối tháng 1/2008, không thấy Nghĩa trả tiền như cam kết, chị Oanh đã đến nhà Nghĩa để đòi tiền. Nghĩa lấy lý do chưa thu được tiền nên hẹn ngày mùng 8 Tết năm đó trả 10 tỷ đồng.
Đến hẹn trả tiền, Nghĩa bỏ trốn nên chị Oanh và những người khác làm đơn trình báo cơ quan điều tra. Nghĩa bỏ trốn, đối tác của chị ta tá hỏa khi biết sự thật rằng khi nhận tiền, Nghĩa không mua cổ phiếu như đã nói mà dùng tiền của người sau trả lãi cho người trước hoặc là chỉ thông báo lãi và gốc để làm tin.
Năm 2010, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án nhưng phải hoãn phiên tòa vì kiểm soát viên bị “tố” gợi ý chạy án. Sau đó, cơ quan chức năng xác định không có cơ sở để kết luận kiểm soát viên chạy án.
Đến ngày 1/8/2011, tại phiên tòa sơ thẩm TAND TP. Hà Nội tuyên phạt Đoàn Vũ Thanh Nghĩa mức án tù chung thân. Tại phiên phúc thẩm ngày 5/12/2012, TAND Tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu xét xử lại cấp sơ thẩm vì cáo trạng chỉ đề nghị truy tố Đoàn Vũ Thanh Nghĩa chiếm đoạt gần 43 tỷ đồng, nhưng tòa sơ thẩm TAND TP. Hà Nội kết tội chiếm đoạt hơn 46 tỷ đồng.
Tòa tối cao cho rằng không có căn cứ xác định bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có chăng chỉ phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Sau khi điều tra bổ sung, ngày 7/5, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa. Theo bản cáo trạng mới, Đoàn Vũ Thanh Nghĩa đã lừa năm bị hại đầu tư cổ phiếu ưu đãi để chiếm đoạt tiền. Nghĩa đã lừa của năm bị hại tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng. Trong số này, chị Oanh bị Nghĩa lừa nhiều nhất là 30 tỷ.
Nghĩa khai rằng, dùng tiền của bị hại để mua cổ phiếu ở một số công ty chứng khoán nhưng đã không đưa ra được bằng chứng, chứng minh. Thêm nữa, Nghĩa khai số tiền các bị hại đưa cho mình là do họ trả nợ chị ta chứ không phải tiền để giao dịch chứng khoán.
Sau 5 năm chờ đợi mòn mỏi, chiều 9/5, các bị hại trong vụ án này vẫn không nhận được câu trả lời cho hình phạt đối với Nghĩa bởi tòa lại tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Nữ giám đốc lừa hơn 40 tỷ bằng sổ đỏ giả
Đó là Nguyễn Thị Bằng An (SN 1959 ở Từ Liêm, Hà Nội), nguyên giám đốc công ty cổ phần Bằng An đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. An lập công ty cổ phần trong đó con gái và cháu ruột làm thành viên.
Năm 2004, công ty của An đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thuê hơn 22 nghìn m2 đất trong vòng 70 năm để xây dựng Trường dân lập văn hóa nghệ thuật Bằng An và Trung tâm dạy nghề Bình An.
Tới năm 2007, An vẫn chưa biết làm gì với số đất được giao nên bắt tay với Nguyễn Đình Chiến – giám đốc công ty thương mại Bắc Hà để người này kêu gọi hùn vốn làm ăn. Chiến cầm sổ đỏ An giao và đã lừa 20 tỷ đồng của Trường Đại học Nguyễn Trãi. Sau đó, Chiến bị TAND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên án tù chung thân.
Còn An, vì đưa sổ đỏ cho Chiến nên không thể làm gì hơn ngoài cách chờ đợi. Nhưng cần tiền để trở thành “đại gia”, nữ giám đốc này đã nghĩ ra chiêu làm giả sổ đỏ để bán đất lấy tiền.
An đã liên lạc với một số người quen, thuê làm sổ đỏ giả. An thuê làm tổng cộng 13 cuốn sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất với giá 15 – 30 triệu đồng/giấy.
Sau khi có 13 “bìa đỏ” giả trong tay, An đã dùng để thế chấp vay tiền, làm chuyển nhượng cho tám người với số tiền gốc là 40,01 tỷ đồng. Để tránh bị lộ chuyện “sổ đỏ giả, đất ảo”, An ký ngay hợp đồng thuê lại nhà đất đã bán để người mua không phát hiện bị lừa.
Đầu tháng cuối tháng 4/2013, Bằng An đã bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt là tù chung thân. Nhưng vì lý do sức khỏe, An đã không thể hầu tòa nên phải hoãn lại.
Vợ lừa đảo, chồng phải ra khỏi ngành công an
Đó là trường hợp của Phạm Tâm Hậu (SN 1975) ở Thanh Oai, Hà Nội. Hậu làm giám đốc công ty TNHH Thương mại Nhật Hoàng, trụ sở tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội chuyên kinh doanh trong ngành in.
Theo lời khai của Hậu, năm 2007, chị ta nhận được đơn hàng làm giả sổ đỏ của một người đàn ông quê Hải Dương. Sau khi làm giả sổ đỏ cho vị khách này, Hậu xin lại hai phôi giả để tự làm cho mình.
Hậu phải trả giá bằng án tù chung thân. |
Thấy việc làm giả này có tác dụng, Hậu tiếp tục làm giả bốn giấy đăng ý ô tô. Người phụ nữ này khai, vì công ty có một chiếc ô tô hiệu Toyota nên chị ta dùng biển số xe thật nhà mình để làm giả bốn giấy đăng kí khác, biến xe Toyota thành Mercedes. Có chồng đeo lon Trung tá trong ngành công an, Hậu cũng làm giả hai CMND của anh này với mục đích để lừa.
Một miếng đất ảo với sổ đỏ giả của Hậu sau đó đã được thế chấp cho những người nhẹ dạ để vay 2 tỷ đồng. Miếng đất ảo khác, Hậu bán cho một bị hại với số tiền 3 tỷ đồng.
Sau khi lừa bán được “đất ảo”, tháng 9/2010, Hậu hỏi vay chị Nguyễn Hồng Thanh, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội, 2 tỷ đồng, lãi xuất 2.000 đồng/1 triệu/ngày và hẹn 15 ngày sẽ thanh toán. Hậu đưa đăng ký giả xe ô tô Mercedes cho chủ nợ để làm tin. Ở giấy vay tiền này, cả Hậu và chồng đều ký. Sau đó, Hậu mới trả cho chị Thanh 480 triệu đồng.
Bị các nạn nhân tố tội lừa đảo, Hậu đã bị bắt. Chồng của Hậu khai rằng vì tin vợ nên ký vào giấy vay tiền, không biết về việc làm giả giấy tờ. Tuy không bị truy tố nhưng khi vợ bị bắt, người đàn ông này cũng phải nghỉ việc trong ngành công an.
Dùng mọi thủ đoạn gian dối để kiếm tiền, Hậu đã phải lĩnh án chung thân cho cả hai tội lừa đảo và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Những tỷ phú gian dối như Hậu, Nghĩa hay An đều phải trả giá theo phán quyết của pháp luật nhưng đây cũng là bài học cho những nhà đầu tư nhẹ dạ, mang cả “thóc giống” cho kẻ dẻo mỏ.
Theo Infonet