Từ những trò chơi "0 đồng" đến những chiếc iPhone, iPad đắt tiền
Có lẽ những ai đã từng trải qua quãng thời gian tuổi thơ trên những khoảng sân, vườn rộng rãi sẽ không thể quên được tiếng cười giòn tan của các trò chơi thời xưa. Đó là những trò chơi đa dạng, vui và rẻ đến mức hầu như không tốn đồng nào.
Trò chơi đánh quay.
Thời ấy, một trong số những trò chơi phổ biến với các cậu bé là trò đánh quay. Chơi đánh quay phải cần có hai, ba đứa chơi mới vui. Lũ trẻ vẽ cái vòng tròn trên mặt đất, xong oẳn tù tì xem đứa nào thua thì cho vụ của mình vào trong vòng. Những đứa khác lần lượt dùng quay của mình đánh con quay nằm trong cái vòng.
Chơi xong, lũ trẻ thường đem những con quay của mình ra để so sánh xem con của đứa nào bị “thẹo” nhiều nhất, rồi tranh cãi xem cái thẹo ấy là bị ai đánh, rồi lại hỉ hả khi biết cái thẹo gây ra trên "nạn nhân" là của mình.
Bên cạnh trò chơi quay, các cậu bé còn rất mê bắn bi. Chả thế mà ngày xưa, đứa nào cũng có một “bộ sưu tập” các loại bi đủ màu sắc và kích cỡ. Chỉ trong 15 phút ra chơi, các cậu học sinh cũng kịp chơi vài ván bắn bi. Vài viên bi tròn tròn mà có biết bao kiểu chơi.
Một kiểu chơi thường gặp nhất là vẽ một vòng tròn hoặc hình vuông nhỏ gọi là hòm hay lồ, cách đó 1,5-2m vẽ một vạch thẳng. Mỗi người chơi góp một số lượng bi bằng nhau và cho vào hòm. Những người chơi lần lượt bắn bi cái từ vạch thẳng về phía hòm. Những viên bi bị bắn ra khỏi hòm sẽ thuộc về người chơi.
Thời ấy, cậu nhóc nào cũng có cả một "bộ sưu tập" bi đủ màu sắc.
Trong khi đó, các bé gái ngày ấy đặc biệt “kết” hai trò là nhảy dây và chơi chuyền. Nhảy dây có 2 kiểu là nhảy dây thừng và nhảy dây chun. Nhảy dây thừng thì đơn giản nhưng nhảy dây chun thì không phải cô nhóc nào cũng chơi được. Người chơi phải nhảy từ bậc đầu gối đến khuỷu tay rồi bậc kiễng chân...
Nhảy dây thừng...
... và nhảy dây chun.
Trò chơi chuyền thì khiến nhiều cô nhóc mê tít đến nỗi mang cả đũa nhà ăn cơm ra chơi, chơi xong lại bỏ vào ống. Quả chuyền thường thì bằng quả bưởi, cam nhỏ, nhưng ko có thì lấy củ khoai tây hay gọt củ su hào, miễn tròn tròn là được. Quả chuyền tung lên hạ xuống nhịp nhàng theo tiếng bài thơ vần và tiếng cười lanh lảnh đến giờ vẫn còn in đậm trong ký ức nhiều người.
Nhiều cô nhóc mê tít trò chơi chuyền.
Những trò chơi “0 đồng” và mang tính tập thể của ngày xưa giờ chỉ còn lưu lại qua những bức ảnh và câu chuyện kể lại. Trẻ em thời nay có những thú vui hoàn toàn khác, tốn kém hơn và có xu hướng thích chơi một mình. Nhiều người lớn giờ ngậm ngùi vì nhà cửa san sát, không còn nhiều khoảng trống để nuôi lớn những tâm hồn trẻ nhỏ.
Trẻ con giờ mê điện tử....
Với các gia đình ở thành phố hiện nay thì có lẽ chi phí dành cho tuổi thơ của con là một khoản không nhỏ. Những món đồ chơi đắt tiền như xe điều khiển, máy chơi game, các đồ điện tử đều có giá hàng trăm nghìn đồng. Trẻ em chơi thường không biết giữ nên việc hư hỏng thường xuyên là một điều không tránh khỏi.
Sang hơn nữa, nhiều bậc phụ huynh còn mua cho con chơi iPhone, iPad từ lúc còn bé tí. Các bé gái thì được sắm sửa bộ sưu tập nào búp bê Barbie, bộ đồ chơi đồ hàng, thú nhồi bông sặc sỡ. Tính ra trị giá của những món đồ chơi ấy cũng phải lên đến tiền triệu.
Bấm iPad, iPhone nhoay nhoáy.
Nhiều cậu nhóc còn lao vào thú vui chơi game trực tuyến, tiền nạp thẻ, mua đồ cho các nhân vật ảo nhiều khi lên đến tiền triệu. Ngay cả ở những vùng quê nghèo, các tiệm chơi điện tử cũng mọc lên như nấm. Nhìn những cô bé, cậu bé mới học cấp 1 bấm máy tính, iPad nhoay nhoáy và nhớ lại hình ảnh chân chất ngày xưa, có thể thấy sự khác nhau rất nhiều của 2 thế hệ.
Tắm rửa
Có một điều mà không cần nói thì ai cũng biết, đó là trẻ con ngày xưa… bẩn hơn trẻ con bây giờ nhiều lắm. Mùa hè thì may ra ngày nào cũng nhảy xuống ao hồ hay tắm ngoài bờ giếng, chứ ngày đông thì cả tuần hay thậm chí cả tháng mới tắm một lần.
Với trẻ con ngày xưa, mỗi trận mưa rào đổ xuống mùa hè là một lần vui như hội. Không ai bảo ai, mỗi đứa đều nài nỉ bố mẹ cho được tắm mưa, rồi sau khi được phép thì liền ào ngay ra đường, nơi có những “chiến hữu” đang đợi sẵn.
Trẻ con xưa "vui như hội" mỗi khi có trận mưa rào.
Chúng bày đủ mọi trò chơi dưới mưa. Hết rượt đuổi nhau trong mưa, ném bùn đất vào nhau, xây lâu đài, hoặc đào những hố nhỏ rồi đào kênh dẫn cho nước chảy vào…
Những đứa bé lớn lên trong thời đại mới có lẽ chẳng có cậu nhóc nào được thử cái cảm giác ấy. Các bậc phụ huynh thời nay thì áp dụng đủ mọi phương pháp khoa học nhất, tiên tiến nhất để bảo vệ con mình khỏi những hiểm nguy tưởng như lúc nào cũng đang rình rập xung quanh.
Và việc để cho lũ trẻ chạy rong trên nền đất sình lầy, dưới cơn mưa lạnh lẽo có lẽ là không tưởng. Làm sao những ông bố, bà mẹ nuôi con theo khoa học dám để con trầm mình dưới làn nước ào ào như thác đổ, khi mà có biết bao nhiêu thứ dơ bẩn đang ẩn mình trong đó?
Trẻ con ngày nay được tắm dưới vòi hoa sen hay trong những bồn tắm trắng tinh.
Trẻ con ngày nay được tắm rửa trong căn phòng kín đáo. Mùa hè thì nước mát, mùa đông thì nước ấm. Nếu chẳng may đi đường gặp trời mưa và dính phải chút nước mưa, các ông bố bà mẹ sẽ vội vàng giục giã con đi tráng lại người bằng nước ấm cho khỏi ốm. Sống trong những ngôi nhà tiện nghi không thiếu thứ gì, trẻ em thời nay được bao bọc từng li từng tí.
Chuyện học hành
Hình ảnh các bậc phụ huynh tấp nập đèo con đến trường vào buổi sáng rồi lại đón con vào mỗi buổi chiều đã quá quen thuộc thời nay. Nhớ lại ngày xưa, cô cậu học trò nào cũng phải tự mình đi bộ đến trường. Đứa nào may lắm thì được bố mẹ hay anh chị tiện đường chở đến trường.
Trẻ em xưa trên con đường đến trường....
... Và trẻ em ngày nay.
Đến bây giờ, có lẽ những cô cậu học trò sẽ chết ngất khi nghe nói bố mẹ mình thời xưa từng phải đi bộ đến cả chục cây số để đến trường. Nhưng quãng đường tưởng xa tít tắp ấy ngày nào cũng ngập tiếng cười của những cô bé, cậu bé rủ nhau cùng đi bộ tới trường.
Trẻ con bây giờ sáng vừa mở mắt đã có sẵn bữa sáng đầy đủ đồ ăn, thức uống. Chỉ vệ sinh sạch sẽ xong là bố mẹ sẵn sàng đèo đến trường. Nhiều cô cậu nhà có điều kiện còn được đưa đón bằng xe hơi, mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu.
Sự khác biệt giữa trường học ngày ấy....
... và bây giờ.
Ngày ấy, nơi trẻ con đến học chủ yếu là những ngôi trường công lập. Trường được xây dựng đơn giản kiểu nhà cấp 4 bây giờ. Tuy phòng học ọp ẹp và cũ kỹ, song khoảng sân trường lại thường rất rộng rãi và nhiều cây cối. Thời ấy chỉ có hệ thống trường công lập chứ không có trường tư, trường quốc tế hoành tráng như bây giờ.
Ăn mặc
Những người trưởng thành bây giờ có lẽ vẫn còn nhớ như in cái thời tuổi thơ thiếu thốn ngày xưa. Khi ấy, trẻ con chỉ có 2, 3 bộ quần áo mùa hè, mùa đông có thêm chiếc áo len và áo khoác ấm.
Bộ đẹp thì để mặc đi học, ở nhà chỉ mặc bộ nào cũ kỹ, xấu xí, tích kê dày cứng cả đũng quần. Trẻ con vốn nghịch ngợm, quần áo lăn lê bò toài chẳng mấy chốc mà rách bươm. Ấy là còn chưa kể có đứa lớn nhanh, quần áo mua chẳng mấy bận mà chiếc quần chấm gót đã trở nên ngắn cũn cỡn.
Trẻ con ngày ấy chỉ được diện quần áo mới vào dịp Tết.
Có lẽ cả năm trời, thời điểm duy nhất trẻ con được mặc áo mới là khi Tết đến. Bộ quần áo mùa đông dành cho ngày Tết ấy được nâng niu lắm, mãi đến sáng mùng một mới mang ra mặc cho mới, cho đẹp. Còn ngày thường thì mặc quần áo cũ, chị để cho em hoặc bà cắt từ những chiếc áo của bố mẹ, may nhỏ lại thành ra của trẻ.
Cuộc sống thiếu thốn khiến trẻ nhỏ lúc nào cũng háo hức chờ mong đến Tết. Không chỉ được mặc quần áo mới, dịp Tết là lúc chúng được thỏa chí ăn những món ngon lành mà ngày thường chỉ dám mơ.
Trẻ con giờ được bố mẹ dẫn đi mua sắm quần áo thời trang.
Còn trẻ em bây giờ, đặc biệt là ở thành phố, thì áo bò, áo phao, quần nhung, quần yếm đủ cả, con gái thì thời trang với đủ loại váy áo, mũ, khăn… Với các bậc phụ huynh bây giờ, có lẽ việc mua cho con những bộ quần áo xinh xắn hay hàng hiệu là một điều không có gì phải nghĩ ngợi.
Xã hội ngày càng phát triển. Trẻ em giờ không thiếu đồ ăn thức uống. Trong ngăn tủ lạnh lúc nào cũng đầy ắp thực phẩm, lũ trẻ không còn phải chờ đến Tết mới được ăn thịt cá, bánh kẹo. Thậm chí, nhiều cô cậu bây giờ còn không hào hứng đến Tết vì... sợ làm bài tập về nhà. So sánh với hình ảnh thiếu thốn cách đây chừng 20, 30 năm mới thấy cuộc sống thay đổi nhanh đến nhường nào.
Theo TTVN