Tràn lan đồ chơi nhiễm chất gây ung thư

Chủ nhật, 12/05/2013, 04:25
Đồ chơi trẻ em ngoại nhập nhiễm chất phthalate độc hại có thể gây “biến dạng” giới tính, gan thận... vẫn bán tràn lan trên thị trường.

đồ chơi Trung Quốc

đồ chơi Trung Quốc

Đồ chơi thú nhún bị phát hiện chứa chất độc hại đã bị nước ngoài thu hồi, tiêu hủy nhưng tại Việt Nam hàng này vẫn lên kệ siêu thị - Ảnh: Hoàng Việt

Hàng độc hại khắp nơi

Tại quầy đồ chơi trẻ em ở một siêu thị trên địa bàn Q.Tân Bình (TP.HCM) những con thú nhún bằng chất liệu cao su từng bị cơ quan quản lý trong và ngoài nước phát hiện chứa chất độc phthalate vẫn được trưng bày công khai.

Trên sản phẩm có dán duy nhất miếng giấy nhỏ ghi giá tiền, xem kỹ mới thấy ở gần vị trí bơm hơi có in chìm chữ “Made in China” nhỏ và mờ. Thông tin về đơn vị nhập khẩu, phân phối đều không có. Điều đáng nói là sản phẩm này không hề có nhãn hàng hóa theo quy định nhưng vẫn được công khai trưng bày ở vị trí bắt mắt trong quầy hàng.

Tương tự, tại khu vực kinh doanh đồ chơi trẻ em ở lầu một siêu thị Maximark Cộng Hòa (khu vực cho tư nhân thuê kinh doanh) có gian hàng trưng bày sản phẩm thú nhún cao su Trung Quốc. Đồ chơi thú nhún cao su trưng bày tại đây cũng không có bất kỳ giấy tờ gì ngoài chữ “Made in China” in chìm, rất nhỏ phải để ý kỹ mới thấy.

"Phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể con người.

Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Một số hóa chất ảnh hưởng đến nội tiết đã được xác định, trong đó có chất hóa dẻo dibutylphtalate."

TS Hoàng thị Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Công nghệ hóa học TP.HCM, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam

Khảo sát thị trường bán lẻ hiện nay cho thấy, loại đồ chơi trẻ em độc hại được bán tràn lan, công khai.

Tại một cửa hàng đồ chơi trẻ em ngay góc đường Trường Chinh - Đồng Đen (Q.Tân Bình), những con thú nhún đủ màu xanh đỏ được trưng bày ra lề đường.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu khảo sát các “phố” kinh doanh đồ chơi trẻ em khu vực gần chợ đầu mối Bình Tây, đường Ngô Nhân Tịnh, Hải Thượng Lãn Ông... sẽ dễ dàng thấy hộ kinh doanh nào cũng trưng bày đầy rẫy thú nhún loại này.

Trước đó, cuối năm 2012 cơ quan quản lý ở Singapore đã kiểm tra, phát hiện chất phthalate độc hại trong sản phẩm đồ chơi thú nhún dành cho trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc. Singapore đã cho thu hồi loại đồ chơi có chứa chất độc hại này.

Sau đó, các cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng đã lấy một số mẫu đồ chơi trẻ em này để kiểm tra.

Theo ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam, tháng 12/2012 chi cục đã lấy mẫu thú nhún xuất xứ Trung Quốc bán trên thị trường TP.HCM để đưa đi kiểm nghiệm, ở Hà Nội cũng tiến hành tương tự.

Kết quả cho thấy, các mẫu thú nhún này trên thị trường Việt Nam đều bị nhiễm chất phthalate cao. Trong đó, một số mẫu chứa chất phthalate cao gấp 5-9 lần so với tiêu chuẩn thế giới.

Theo các nhà khoa học, nhóm phthalate gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo đó, các hợp chất phthalate có thể làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục của bé trai, về lâu dài dễ làm cho cơ quan sinh sản nam giới bị teo lại. Hoạt chất này còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cấp tính.

Theo TS Hoàng Thị Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Công nghệ hóa học TP.HCM, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam, chất hóa dẻo gốc phthalate như DOP đang dần bị loại khỏi thị trường Mỹ và châu Âu do tính độc hại của phthalate, tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với sức khỏe người dân và gây ra hàng loạt các chứng bệnh và nhiều ca ngộ độc ở trẻ em...

TS Hoàng Thị Kim Dung, nhấn mạnh: “Phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể con người. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Một số hóa chất ảnh hưởng đến nội tiết đã được xác định, trong đó có chất hóa dẻo dibutylphtalate”.

Đại diện Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cho biết: “Chất này một số quốc gia trên thế giới đã cấm”.

Do buông lỏng quản lý

Theo ông Xiêm, sau khi có kết quả kiểm nghiệm về đồ chơi thú nhún chứa chất phthalate hàm lượng cao vượt mức cho phép, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã chỉ đạo thu hồi sản phẩm này.

“Các loại thú nhún này bày bán trên thị trường mà không có nhãn mác là đã đủ để thu hồi được rồi chứ không cần biết chứa chất gì trong đó”, ông Xiêm khẳng định.

Quy định như vậy nhưng thực tế lệnh thu hồi đã được ra từ cuối năm 2012 nhưng đến nay loại đồ chơi trẻ em độc hại này vẫn còn bày bán tràn lan như ghi nhận nói trên.

Lý giải việc này, ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên BCH Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cho rằng, nguyên nhân là do sự trì trệ, tắc trách của cơ quan quản lý. Biết đó là chất độc hại nhưng cơ quan quản lý không “quất roi” thì nhà sản xuất vì lợi nhuận vẫn sử dụng chất này, chỉ có người dân, người tiêu dùng chịu thiệt, lãnh đủ!

Ông Trần Văn Xiêm, cho biết từ ngày 13/5 sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đồ chơi trẻ em trên địa bàn TP.HCM. 

Hồi tháng 2/2013, Hải quan Mỹ cùng Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng nước này tịch thu gần 30.000 đồ chơi Trung Quốc trong lô hàng nhập khẩu qua cảng San Juan. Qua giám định, lô hàng này có hàm lượng chì vượt mức an toàn theo quy định của Mỹ.

Trước đó, hồi cuối năm 2012, giới chức Mỹ cũng đã tịch thu hơn 36.000 con vịt cao su xuất xứ từ Trung Quốc do chứa hóa chất độc hại phthalate, theo báo Daily Mail. Chất này có thể gây ung thư, dị tật ở thai nhi và vô sinh ở nam.

Ngoài ra, báo The Telegraph hồi tháng 1/2013 đưa tin giới chức thương mại Anh cảnh báo búp bê “đầu trái cây” được bán ở hạt West Midlands của nước này cũng bị phát hiện chứa phthalate.

Đầu tháng 5/2013, Hoàn Cầu thời báo đưa tin giới chức thành phố Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông không ngăn chặn được tình trạng các nhà sản xuất đồ chơi địa phương dùng hóa chất độc trong sản phẩm của họ.

Cảnh báo này được đưa ra chỉ một năm sau khi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin các nhà sản xuất Sán Đầu hay dùng chất độc hại sản xuất đồ chơi, khiến dư luận nước này phẫn nộ.

Sau đó, chính quyền thành phố lên tiếng xin lỗi và cam kết sẽ cải thiện ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, sau một năm trở lại, CCTV thấy tình hình ở Sán Đầu vẫn không thay đổi.

 

Theo Thanhnien

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn