Săn đặc sản "trời cho"... chỉ đại gia dám mua

Thứ hai, 13/05/2013, 08:06
Hạt dổi thực sự trở thành đặc sản "trời cho" ở Na Hang, có giá "chát" nên chỉ đại gia mới dám mua về làm quà, chứ dân thường lấy tiền đâu... chơi sang. 

Đại gia mới dám mua dổi 

Trong một chuyến công tác tại huyện Na Hang, anh bạn người bản địa dẫn chúng tôi vào một quán nhậu chật hẹp ở trung tâm thị trấn. Nghe đâu thì đây là quán nhậu ngon nhất huyện Na Hang. Vài ba món nóng được đưa ra, tuy nhiên đĩa muối còn thiếu một thứ gì đó có vẻ rất quan trọng nên chủ quán cười gượng bảo: "Các anh thông cảm chờ 15 phút, trong nhà không còn một hạt nào nên đứa cháu đang đi vào bản săn lùng".

Tôi tỏ ra ngạc nhiên, ông chủ quán tiếp chuyện: "Dạo này hạt dổi hiếm quá, tìm không ra, trả giá cao mà người trong bản cứ lắc đầu nguầy nguậy vì không có hàng để bán. Rõ thật khổ, mong các anh thông cảm". Nói rồi, ông chủ quán ngồi bên bàn rót rượu mời bảo tạ lỗi.

hat doi

Hạt dổi được ví là "vàng đen" vì rất hiếm, 1kg hạt dổi có giá 2 triệu đồng. 

Ông tên là Nhận, nhưng dân bản địa cứ gọi ông là Vương, ghép đủ cái tên gọi là "Vương dổi", hiểu đúng nghĩa là "vua dổi". Ông bảo, cuộc đời ông năm chìm bảy nổi với hạt dổi. Trước là dân chuyên đi săn dổi trên núi, sau thấy khó quá mới chuyển qua nghề bếp núc. Nhưng ở Na Hang, quán nhậu nào mà không có hạt dổi làm gia vị thì đố mà có khách.

Ông Nhận sau một ly rượu mới trình bày cặn kẽ: "Hạt dổi ở đây được gọi là "vàng đen", giá bán trung bình 2 triệu đồng/kg. Tính ra, 1kg dổi được 1.000 hạt, mỗi hạt 2.000đ. Nhưng nếu như thời điểm này, thì 2,5 triệu đồng/kg cũng không có mà mua, hiếm lắm rồi".

Anh bạn bản địa tiếp lời: "Hạt dổi ở Na Hang có giá nên chỉ đại gia mới dám mua về làm quà, chứ dân thường thì lấy tiền đâu ra mà chơi sang. Hạt dổi Na Hang khác hoàn toàn với các loại hạt dổi ở Tây Bắc. Hạt nhỏ tí xíu chứ không to, nhưng mùi vị thì cực thơm và nồng. Ai đã một lần thưởng thức thì nhớ mãi".

Theo ông "Vương dổi" thì hạt dổi Na Hang được "giã nát như cám" để trộn với muối dùng để chấm thức ăn. Hạt tiêu hay ớt không thể thay thế được hạt dổi, thế nên ở Na Hang, quán nhậu nào phóng khoáng giã nhiều hạt dổi vào đĩa muối thì quán ấy mới hút được khách.    

hat doi

Ông "Vương dổi" cho biết: Vào quán mà không có hạt dổi là khách bỏ đi. 

Ngậm sâm tìm dổi

Chính vì hạt dổi có giá trị cao, được nâng ngang với "vàng đen" nên người dân cũng háo hức với nghề tìm dổi. Nói không ngoa, chứ thời kỳ hạt dổi còn dễ tìm thì đó là một trong những nghề đem lại hiệu quả kinh tế nhất cho người dân. Tất nhiên, phải là những người có duyên và có sức khoẻ.

Anh Nhữ Văn Quân ở xã Thượng Lâm từng theo nghề tìm dổi lâu năm. Anh trở thành một trong những nguồn cung cấp hạt dổi nhiều nhất huyện Na Hang. Anh Quân bảo: "Trước đây ở Thượng Lâm còn nhiều cây dổi cổ thụ thì việc tìm kiếm hạt của chúng còn dễ, chứ bây giờ đố cậu tìm ra cây dổi có hạt nữa. Nó trên núi cao ấy, leo đến nơi cũng mệt đứt ruột".

hat doi

Đi tìm hạt dổi trong rừng. 

Nói rồi, anh Quân và mấy người bạn tổ chức một chuyến lên núi tìm vận may với "vàng đen". Không đồ đạc lỉnh kỉnh, chỉ cần một bi-đông nước và một lát sâm mỏng ngậm trong miệng để lấy sức. Hành trình đi tìm hạt dổi được bắt đầu với nhiều hy vọng.

Vượt qua những con đường mòn xuyên rừng, qua một sườn núi nhấp nhô đá tảng đã nhìn thấy những cây dổi cổ thụ trên đỉnh núi. Nhưng lên được tới đó phải mất cả tiếng đồng hồ. Mồ hôi đầm áo, Quân và những người đồng hành thất vọng khi đứng dưới gốc dổi nhìn lên không phát hiện một hạt nào.

Quân xác định: "Chắc chắn đã có nhóm đi rừng phát hiện ra khu vực này có dổi và lên "vơ" hết hạt rồi. Giờ chỉ còn cách lần tìm dưới đất, may ra có hạt dổi nào rơi xuống còn sót lại". Nói rồi, Quân bò lổm ngổm, tay thoăn thoắt lật những vạt lá khô tìm cho được "vàng đen".

Một người trong nhóm tìm dổi cho biết: "Trước đây, người đi tìm dổi phải căng bạt làm lều ở dưới gốc dổi để thu hoạch cho bằng được, không để sót hạt nào. Nhưng bây giờ hiếm quá nên cũng chẳng buồn đi tìm nữa". 

hat doi

Cây dổi cổ thụ mới có thể cho hạt. 

Ở chợ toàn bán "dổi nhái"

Tò mò về loại "vàng đen" chỉ sống trên núi cao như dổi Na Hang, chúng tôi tìm đến các chợ địa phương thu mua. Anh bạn người bản địa sau khi xem thử một vòng mới thổ lộ: "Ở chợ, toàn bán hạt "dổi nhái", không nên mua".

Theo người dân địa phương, hạt dổi "xịn" chính gốc Na Hang thường rất nhỏ, thậm chí nhỏ bằng một nửa so với hạt dổi các nơi khác. Còn chợ Tam Cờ ở TP Tuyên Quang thì dổi nhiều la liệt, tuy nhiên đó toàn là "dổi nhái" chuyển từ Hoà Bình lên. Thế mà, "dổi nhái" cũng có giá hàng triệu đồng một cân chứ không rẻ chút nào.

Đem chuyện hạt dổi tham vấn ý kiến ông Nguyễn Văn Chuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang, ông Chuyền cho biết: Hạt dổi thực sự trở thành đặc sản vùng miền cùng rượu ngô Na Hang. Cây dổi phải cổ thụ thì mới có hạt nên là "của trời cho". Hiện nay, ở Na Hang chỉ còn một số nơi như xã Năng Khả, Thanh Tương và xã Thượng Lâm (mới tách về huyện Lâm Bình - PV) là còn nhiều cây dổi.

Chuyện mà nhiều người bản địa tiếc mãi là việc một số nhà dân được trời ban cho một số cây dổi trên đồi, không biết đến giá trị của hạt dổi nên chặt phăng lấy gỗ. Bây giờ, ở Na Hang giá hạt dổi đã lên tới 2 triệu đồng/kg thì quả thực đã tạo nên một "cơn sốt" làm giàu bằng hạt dổi.

Nhưng, "vàng đen" trên núi là "của trời cho" nên đâu dễ làm giàu! 

- "Có 2 loại hạt dổi: Loại hắc nhưng không thơm, loại này vô giá trị; loại hắc mà thơm thì giá rất cao. Hạt dổi dùng để tẩm ướp thịt, pha vào gia vị để tăng mùi vị cho thức ăn. Đồng thời, theo kinh nghiệm thì hạt dổi cũng kích thích tiêu hoá rất tốt. Khách đến ăn mà không có hạt dổi trong gia vị là họ bỏ về ngay, không bao giờ quay lại", ông "Vương dổi", chủ một quán nhậu cho biết.

- "Cây dổi lâu năm mới cho thu hoạch hạt. Khi còn tươi, hạt dổi có màu đỏ. Khi phơi nắng thì chúng đen sậm lại và teo đi. Cứ 3kg hạt dổi tươi phơi khô sẽ thu được 1kg dổi khô. Mùi vị của hạt dổi rất thơm, hơi hăng nồng, rất đặc trưng nên không giống với loại gia vị nào.

Hạt dổi cũng có thể ngâm rượu làm thuốc xoa bóp trị đau xương cốt. Trước khi sử dụng hạt dổi thì phải hơ trên lửa cho chín rồi đem giã".

Ông Nhữ Ngọc Dưỡng (Phó phòng Nông nghiệp huyện Na Hang)

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích