Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Minh Thăng |
Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam chọn một quan chức chính phủ từng du học ở Mỹ và là gương mặt quen thuộc với giới đầu tư phương Tây vào cơ quan ra quyết định cao nhất, trong khi Việt Nam đang tìm cách vực dậy nền kinh tế.
Còn BBC đưa tin, ngày 11/5, Bộ Chính trị có thêm hai gương mặt mới, đó là ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1953 tại tỉnh Trà Vinh, là giáo sư kinh tế, tiến sĩ. BBC viết, ông đã nhận bằng thạc sĩ về Quản lý công ở Đại học Mỹ Oregon. Trước đó, ông làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Magdeburg - Cộng hòa Dân chủ Đức (1972-1979).
Chuyên gia nghiên cứu Việt Nam, giáo sư Carlyle Thayer (người Australia) đánh giá: "Kỹ năng căn bản của ông Nhân được thể hiện khi làm việc với phương Tây. Đây là người có mạng lưới liên hệ quốc tế tuyệt vời".
Trong khi đó, nói với hãng tin Bloomberg, ông Fred Burke, Giám đốc điều hành Công ty luật Baker & McKenzie ở TP.HCM, cho hay ông đã một số lần đi cùng ông Nhân sang Mỹ. "Ông ấy thuyết trình bằng PowerPoint cho những người muốn đầu tư, và cách tiếp cận của ông thật xuất sắc. "Ông ấy thuộc thế hệ mới đã tiếp xúc nhiều với quốc tế".
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân và các nữ đại biểu QH. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bloomberg cho rằng, nhiều lãnh đạo của Việt Nam đều trưởng thành trong chiến tranh và học tập ở trong nước hoặc tại các nước thuộc khối Liên Xô và đây là lần đầu tiên có một ủy viên Bộ Chính trị tốt nghiệp từ các trường Mỹ. Ông Nhân từng là Phó chủ tịch UBND TP.HCM khi Intel quyết định rót 1 tỷ USD để xây nhà máy mới tại thành phố này.
Bloomberg và BBC cũng đồng loạt đưa tin về gương mặt tân ủy Bộ Chính trị thứ hai được bầu - bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 59 tuổi, Phó Chủ tịch Quốc hội. Bà trở thành thành viên nữ thứ hai của Bộ Chính trị, sau bà Tòng Thị Phóng, người được bầu năm 2011. Sau khi thêm hai thành viên mới, Bộ Chính trị Việt Nam hiện có 16 người.
Theo hãng tin Mỹ, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, vốn bị cản trở bởi tăng trưởng tín dụng chậm do những quan ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng và các công ty nhà nước.
Việt Nam bắt đầu chuyển sang một nền kinh tế thị trường tự do hơn vào năm 1986 và mở sàn chứng khoán năm 2000, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007. Việt Nam là một trong 12 quốc gia Thái Bình Dương đang đàm phán để tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo VNN