Thời gian qua, dư luận đã biết khá nhiều về cộng đồng người chuyển giới qua câu chuyện của Cindy Thái Tài, ca sĩ Hương Giang, ca sĩ Lâm Chí Khanh, cô giáo Quỳnh Trâm, nhà thiết kế trẻ Franky Nguyễn… Đó chỉ là số nhỏ trong khoảng 10.000 người chuyển giới ở Việt Nam. Trên thực tế, xã hội vẫn còn định kiến với người chuyển giới, nhiều người còn cho rằng, chuyển giới là một trào lưu nhất thời. Sự thực có hẳn như vậy không?
Từ phải qua: Cát Thy, Yuky, Gia Kỳ chia sẻ những khó khăn mà các chị gặp phải trong cuộc sống sau khi chuyển giới. Ảnh: Petrotimes |
Trào lưu hay ước vọng
Nguyễn Hữu Toàn (đổi tên là Jessica sau khi chuyển giới) chia sẻ: “Khi tôi quyết định chuyển giới thì cha mẹ cấm. Mẹ tôi còn nói Đẻ mày ra là con trai mà giờ mày làm con gái. Quái dị quá. Biến thái quá”. Còn cha của Jessica mời thầy pháp về làm lễ cúng, bắt chị uống bùa chú.
Quá áp lực, Jessica quyết định ra ngoài sống. May sao có người cậu ở nước ngoài biết chuyện đã gửi thông tin về người chuyển giới để gia đình đọc và hiểu hơn. “Mẹ tôi dần chấp nhận và gọi tôi về. Nhưng mỗi lần nhà có khách thì bắt tôi ở trên lầu vì gia đình thấy xấu hổ khi có một người con như vậy”.
Yuky (tên thật là Thanh Tùng) cũng cho biết, chị bị mọi người kỳ thị, nhục mạ, chửi bới. Tiến trình “được chấp nhận” từ gia đình đến xã hội rất chậm, rất dài, rất khó khăn chứ không hề đơn giản. Bởi thế, quyết định chuyển giới là chuyện phải cân nhắc rất nhiều, ảnh hưởng cả cuộc đời về sau của một người chứ không phải chỉ là theo trào lưu.
Trả giá bằng cơ hội sống
Cát Thy gây ấn tượng bởi hình ảnh một cô gái khá dịu dàng, duy chỉ giọng nói thì không ngọt ngào, thanh thoát lắm. Hiện Cát Thy kiếm sống bằng việc ca hát ở các đám ma, gánh xiếc, thu nhập có hạn nên chị không có nhiều tiền để qua Thái Lan phẫu thuật như Jessica, Cát Thy phải mua thuốc và tự chuyển giới cho chính mình. Không có sự hướng dẫn, giám sát của bác sĩ nên phải hết sức cẩn thận vì có rất nhiều rủi ro.
Cát Thy cho biết, một cặp hormone nếu mua ở Thái Lan trị giá 100.000 đồng thì về Việt Nam tăng lên 150.000-200.000 đồng. “Chỉ một trận mưa lớn là tôi thấy lạnh thấu xương, giống như bị thấp khớp vậy. Đó là tác dụng của hormone và thuốc ngừa thai quá nhiều. Nhiều khi không muốn làm nhưng vì khát khao và mơ ước trở thành con gái nên phải kiên trì, dù đau đớn đến thế nào cũng phải làm”.
Để có thân hình nữ thì phải có bộ ngực đầy đặn, không có tiền đặt túi ngực, Cát Thy mua silicon rẻ tiền. Chị cho biết: “Giá silicon 2,5-5 triệu đồng/lít để bơm vào ngực, đau đớn quằn quại đến 4-5 ngày sau mới hết. Khi tiêm silicon, nếu mũi kim lệch vào phổi hay vào tim thì chết ngay chứ không trăng trối gì được.
Hên thì sống, xui thì chết, nhưng nếu chết mà được sống trong thân phận đàn bà thì tôi cũng vui để được chết. Tôi cũng nghe nói về sau bị ung thư, còn uống thuốc ngừa thai nhiều thì bị giòn xương, khô xương. Chỉ nghe nói vậy thôi chứ tôi cũng không có điều kiện tài chính để đi khám bác sĩ”.
Aki Trần 22 tuổi, đang học năm cuối của một trường đại học dân lập ở TP HCM. Từ nhỏ Aki đã có khao khát bằng mọi giá phải là con trai.
Đến năm 2009, Aki công khai giới tính với gia đình và dự định tiến hành phẫu thuật. Chi phí phẫu thuật ngực cho người chuyển từ nữ sang nam ở Thái Lan có giá 4.000-5.000USD (khoảng 80-100 triệu đồng), còn ở Việt Nam giá dao động 30-50 triệu đồng, nhưng không đảm bảo thẩm mỹ và có nguy cơ không giữ lại những dây thần kinh cảm giác sau khi phẫu thuật.
Vượt qua định kiến
Cindy Thái Tài sau khi chuyển giới về tới Việt Nam từng bị giữ lại ở sân bay Tân Sơn Nhất vì hình dáng bên ngoài so với hình trong hộ chiếu khác nhau. Việc không thống nhất giữa hình dáng bên ngoài và ảnh trong căn cước đã gây rất nhiều khó khăn cho người chuyển giới.
Đó cũng là nỗi niềm của Jessica mỗi lần đi làm việc gì xuất trình giấy tờ thì người ta cứ nhìn chị chằm chằm. Đến giờ chị vẫn nhận được giấy gọi nghĩa vụ quân sự. Sau một thời gian gặp quá nhiều rắc rối, Jessica đã đổi được chứng minh thư có gắn ảnh con gái nhưng vẫn giữ tên cũ là Nguyễn Hữu Toàn.
Cô giáo Lê Phạm Quỳnh Trâm vốn là chàng trai mang tên Phạm Văn Hiệp. Sau khi chuyển giới, cô vẫn tiếp tục dạy học tại một trung tâm luyện thi đại học ở TP HCM.
Khẳng định được năng lực giảng dạy của mình, lớp luyện thi do cô Trâm phụ trách luôn đạt kết quả cao trong các kỳ thi đại học và được rất nhiều học sinh yêu quý. Cô Trâm cũng là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam được pháp luật công nhận và cấp giấy chứng nhận “xác định lại giới tính”.
Những người chuyển giới như Jessica, Cát Thy, Yuky… có ước mơ là một ngày không xa trong sơ yếu lý lịch sẽ có thêm một ô giới tính khác, để mọi người không nhầm lẫn hay trêu ghẹo những người chuyển giới.
Tìm kiếm tình yêu bền vững
Jessica chia sẻ: "Vì tình yêu đồng tính chưa được gia đình và xã hội chấp nhận nên nhiều cuộc tình bị gãy gánh là điều bình thường.
Nếu gia đình, xã hội chấp nhận thì nhiều cặp đã đi đến hôn nhân và sống hạnh phúc. Còn đối với người chuyển giới, cũng giống như người bình thường, là con gái thấy con trai đều thích, nhiều người nói “pê-đê mê trai” đó bình thường đối với giới nữ mà thôi, nhưng đối với người chuyển giới thì định kiến xã hội khắt khe hơn".
Anh Trần Khắc Tùng, Giám đốc Trung tâm ICS - một tổ chức về quyền lợi của người LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) - cho rằng, nước ta vẫn còn nặng quan niệm truyền thống là tình yêu, tình dục phải gắn liền với hôn nhân và sinh con… Xóa bớt định kiến xã hội ngay chính trong cộng đồng LGBT và cả người dị tính vẫn còn là một hành trình dài.
Theo Petrotimes