Theo Tổng công ty điện lực TP.HCM, dự án xây dựng tuyến cáp ngầm 22 kV vượt biển cấp điện cho xã Thạnh An có tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới.
Lãnh đạo TP.HCM và Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện nghi thức đóng điện. Ảnh: Hữu Công. |
Công trình gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu xây dựng một mạch cáp điện ngầm dưới biển dài gần 6km (từ thị trấn Cần Thạnh đến xã đảo Thạnh An) và một mạch cáp ngầm trên bờ từ trụ đấu nối hiện hữu đến trạm ngắt Cần Thạnh dài 175 m.
Giai đoạn hai, xây 2 trạm ngắt theo mô hình trạm không người trực, các thiết bị có chức năng thao tác từ xa tại bến đò Tắc Xuất (Cần Thạnh) và tại trạm phát Diesel Thạnh An. Đồng thời, xây tuyến cáp quang 24 sợi dài 9km kết nối từ trạm 110 kV Cần Giờ đến trạm ngắt 22 kV Cần Thạnh và trang bị hệ thống giám sát nhiệt độ cáp cho tuyến cáp biển lắp tại trạm 110 kV Cần Giờ.
Thi công kéo cáp ngầm từ đất liền ra xã đảo Thạnh An. Ảnh: EVN HCMC. |
"Khu vực thi công kéo cáp thuộc cửa sông Soài Rạp có nước chảy xiết, thủy triều lên xuống 4 lần trong ngày, lại có rất nhiều tàu bè qua lại nên thời gian thi công bị hạn chế", ông Phạm Quốc Bảo - Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM - cho biết.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đánh giá cao sự nỗ lực của Tổng công ty điện lực TP.HCM và nhà thầu để dự án hoàn thành đúng tiến độ. "Đây là dự án rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Thạnh An cũng như huyện Cần Giờ, giúp xã cuối cùng của thành phố có điện lưới quốc gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã đảo", ông Hà cho biết.
Đào mương, kéo cáp vào xã đảo Thạnh An. Ảnh: EVN HCMC. |
Trong khi đó, ông Trần Văn Khấu, người dân xã Thạnh An cho biết ông và người dân xã đảo rất vui mừng vì đã có điện lưới quốc gia. "Trước đây bà con luôn ước có điện xài cả ngày để trẻ em học hành, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho tất cả mọi người", ông Khấu nói.
Xã Thạnh An được bao bọc xung quanh bởi sông nước, mỗi ngày có 6 chuyến tàu ra vào kết nối với đất liền. Đây là xã nghèo của TP.HCM với khoảng 4.700 người sinh sống. Người dân trên đảo hiện dùng điện từ trạm phát diesel nhưng trạm chỉ cung cấp được 18 giờ mỗi ngày đêm, chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân xã đảo như thắp sáng, cắm cơm.
Tại ấp đảo xa Thiềng Liềng (xa đất liền nhất) người dân phải sử dụng năng lượng mặt trời công suất yếu, chỉ đủ thắp sáng. Nếu dùng bếp điện, dân phải tự chia thời gian với nhau để tránh quá tải.
Theo VnExpress