Tập trận Balikatan năm 2014. Ảnh: Inquirer
Báo giới phương Tây gọi đây là hoạt động thể hiện sự liên minh quốc phòng sâu rộng hơn giữa hai nước trong bối cảnh những hành động cải tạo phi pháp của Trung Quốc đang trở nên báo động hơn ở biển Đông.
Cuộc tập trận 10 ngày mang tên Balikatan (Vai kề vai) này vốn là hoạt động thường niên giữa hai đồng minh lâu đời, nhưng lần này quy mô sẽ được mở rộng gấp đôi. Cụ thể, Mỹ gửi 6.656 binh sĩ trong khi Philippines cử 5.023 người đến cuộc tập trận năm nay trong khi năm ngoái chỉ có 2.500 quân Mỹ và 3.000 quân Philippines có mặt.
Hiện Philippines đang tìm kiếm thêm sự trợ giúp ngoại giao cũng như quân sự từ Mỹ để tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền trước các hành động đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 16-4 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Mỹ đang muốn triển khai các thiết bị không quân và hải quân tiên tiến tới Philippines nhằm hỗ trợ cho nước đồng minh lâu năm trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất trên biển Đông. Ông Rosario cho biết thêm các thiết bị mà Mỹ sẽ triển khai tới Philippines có thể bao gồm cả một hệ thống vũ khí, sẽ do các nhân viên của Mỹ điều khiển.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 17-4 tuyên bố các tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông là mối quan tâm toàn cầu vì thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động cải tạo trái phép của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Ông Aquino nhấn mạnh: “Chúng tôi liên tục khẳng định vấn đề biển Đông không còn mang tính khu vực. Đây là vấn đề của cả thế giới vì 40% lưu lượng thương mại toàn cầu phải đi qua vùng biển này”.