Cuộc đoàn tụ sau 40 năm giữa lính Mỹ và đứa con tại Việt Nam

Thứ bảy, 18/04/2015, 13:57
Người đàn ông trung niên khóc như đứa trẻ khi lần đầu thấy gương mặt của cha, một cựu binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, sau 40 năm.

Anh Vo Huu Nhan, người con lai giữa một binh sĩ Mỹ và phụ nữ Việt Nam thời chiến tranh.

Anh Vo Huu Nhan, người con lai giữa một binh sĩ Mỹ và phụ nữ Việt Nam thời chiến tranh. Ảnh: Washington Post

Giữa năm 2013, khi anh Vo Huu Nhan đang lái xuồng chở rau quả tại một chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long thì nhận cuộc gọi bất ngờ từ Mỹ. Người ở đầu dây bên kia báo tin chấn động: Kết quả phân tích ADN khẳng định một cựu binh Mỹ chính là ba ruột của Nhan.

"Sau khi nghe tin, tôi không thể kìm nước mắt. Tôi đã thất lạc ba hơn 40 năm. Bây giờ tôi sắp gặp ông ấy", anh Nhan, 46 tuổi, kể. Từ khi lên 10, anh chỉ biết rằng ba anh là lính Mỹ và mang tên Bob qua lời kể của mẹ.

Tuổi thơ tủi hờn

Ngày 29/3/1975, khi những người lính Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn, họ bỏ lại những đứa con ruột - kết quả từ mối tình với phụ nữ Việt Nam. Sau khi hòa bình lập lại, Mỹ thực hiện nhiều chiến dịch giúp những cựu binh nước này đoàn tụ với khoảng 21.000 đứa con gốc Việt.

Tuy nhiên, Washington Post cho biết, hàng trăm đứa con lai vẫn đang sống ở Việt Nam, vì nhiều lý do khách quan, và chưa từng biết biết mặt ba ruột. 40 năm trôi qua, những đứa trẻ lớn lên và mang theo sự mặc cảm về sự khác biệt như mái tóc, màu da và vì sự ghẻ lạnh của bạn bè cùng lứa.

"Tôi nhiều lần tự hỏi vì sao các bạn cứ trêu chọc. Tôi vô cùng tức giận và nhiều lúc tôi muốn đánh chúng. Mẹ bảo rằng tôi là con lai. Gương mặt mẹ buồn lắm. Nhưng ông bà ngoại rất thương yêu tôi", anh Nhan tâm sự.

Sau khi có 5 đứa con, khát khao gặp mặt ba ruột ngày càng mãnh liệt trong lòng anh Nhan. Năm 2013, Nhan đi từ An Giang lên TP HCM để gặp một phụ nữ gốc Việt có thể giúp anh tìm lại ba.

Người phụ nữ đó là Trista Goldberg, một trẻ em Việt Nam mà Mỹ đưa khỏi quê hương vào giai đoạn cuối của chiến tranh. Cô xây dựng dự án đoàn tụ mang tên Operation Reunite để giúp những con lai và trẻ Babylift tìm lại gia đình thông qua ngân hàng ADN.

Giấy tờ và hình ảnh về ba của Nhan đã mất trong chiến tranh. Ký ức cũng phai dần theo năm tháng. Do vậy, kết quả ADN là tia hy vọng duy nhất đối với những người con lai như anh Nhan.

Bí mật của cựu binh Mỹ

Ông Bob Thedford tham gia chiến trường ở Việt Nam vào thập niên 60. Khi trở về nước, ông kết hôn cùng người phụ nữ tên Louise.

Hình ảnh thời trẻ của ông Bob Thedford.

Hình ảnh thời trẻ của Bob Thedford khi tham gia chiến trường ở Việt Nam. Ảnh:Washington Pos

Một ngày nọ, bà Louise tình cờ tìm thấy tấm hình cô gái Việt Nam trong ví của chồng. Linh tính mách bảo bà Louise rằng, có thể ông Bob có con với người phụ nữ này trong khoảng thời gian ở chiến trường.

Sau này, ông Bob thừa nhận với gia đình rằng ông gặp mẹ của Nhan trong một dịp tại căn cứ không quân ở Quy Nhơn.

Ký ức của ông về người phụ nữ Việt không còn nhiều. Cũng như phần lớn cựu binh khác, ông hiếm khi nhắc đến những ngày chiến đấu khốc liệt tại Việt Nam.

Đoàn tụ

Một ngày mùa thu năm 2013, bà Louise nhận tin báo kết quả ADN khẳng định chồng bà và anh Nhan có quan hệ ruột thịt. Những người trong gia đình Thedford vô cùng ngỡ ngàng. Amanda Hazel, em gái cùng cha khác mẹ với Nhan, thậm chí thốt lên: "Mẹ có chắc chắn đây không phải là trò lừa đảo chứ?".

Tuy nhiên, khi họ nhận những hình ảnh về anh Nhan, mọi nghi ngờ như tan biến. Anh Nhan trông rất giống với người bố đã mất của mình ông Bob.

Những cuộc liên lạc giữa hai gia đình Việt - Mỹ cách nhau nửa vòng trái đất nhanh chóng diễn ra. Anh Nhan không biết tiếng Anh nên phải nhờ một người quen chuyển ngữ nội dung thư điện tử và phiên dịch những cuộc nói chuyện.

Anh Vo Huu Nhan nói chuyện với gia đình bên Mỹ qua máy tính.

Anh Vo Huu Nhan nói chuyện với gia đình bên Mỹ qua máy tính. Ảnh: Washington Post

Trong cuộc gọi Skype đầu tiên, cả hai người đàn ông đều không ngừng khóc. "Tôi và ba rất giống nhau. Khi nhìn thấy ông, tôi linh cảm ngay lập tức rằng đây chính là ba của tôi", anh Nhan nói.

Tháng 12/2013, Nhan nộp kết quả xét nghiệm DNA cho Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM để yêu cầu xem xét đoàn tụ cho trường hợp của anh. Trong khi đó, sức khỏe của ông Bob yếu dần và phải vào bệnh viện để điều trị ung thư.

Amanda Hazel kể với anh trai rằng: "Sức khỏe của ba vẫn ổn định. Bây giờ ông có thể ngồi trên ghế. Gia đình đang chăm sóc cho ba. Em rất tiếc vì đã không tìm cách liên lạc với anh sớm hơn. Nhưng ba và mẹ luôn nhớ về anh".

Về phần người cựu binh Mỹ 67 tuổi, tìm lại con trai là niềm an ủi lớn nhất của ông. Khi đang điều trị tại bệnh viện ở bang Texas, thỉnh thoảng Bob đem hình của anh Nhan ra "khoe" với các y tá rằng: "Đây là con trai tôi ở Việt Nam".

Theo Zing

Các tin cũ hơn