Mỹ, Nhật, Hàn, Úc cùng lên tiếng về biển Đông

Thứ bảy, 18/04/2015, 13:19
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất công bố ngày 16/4 cho thấy Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng sân bay phục vụ cho mục đích quân sự tại biển Đông và có thể đang xây thêm một đường băng khác, những động thái trên gây lo ngại cho Mỹ, EU và cả khu vực châu Á, Reuteurs đưa tin.
Đường băng trên Đá Chữ Thập đã xây dựng được 1/3. Ảnh: Airbus

Theo tuần báo quốc phòng IHS Jane, hình ảnh vệ tinh hôm 23/3 của Airbus Defence and Space cho thấy một đoạn đường băng dài khoảng 53m đã được lát tại phía Đông Bắc Đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc bắt đầu cải tạo thành đảo cuối năm 2014. Ảnh chụp hồi tháng ba cũng cho thấy việc cải tạo đất trên đá Xu Bi cũng đã tạo ra một diện tích rộng, nếu nối liền có thể đủ không gian cho một đường băng dài 3.000m khác.

IHS Janes ước đoán đường băng trên Đá Chữ Thập có thể dài khoảng 3.000m. Đường băng của lực lượng không quân Trung Quốc thường có độ dài khoảng 2.700 – 4.000m. Việc lát và chuẩn bị mặt bằng tại phần khác của đường băng cũng được mở rộng. Ngoài ra, Trung Quốc còn làm khoảng 20m đường của sân đỗ dài 400m. Hình ảnh cũng cho thấy Trung Quốc tiếp tục nạo vét ở phía Tây Nam của bãi đá và đang sử dụng cần cẩu nổi để củng cố một bến cảng.

Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) đánh giá, các hình ảnh vệ tinh công bố hôm 11/4 cho thấy đường băng trên Đá Chữ Thập đã hoàn thành 1/3 với chiều dài 3.110m, đủ rộng cho máy bay vận tải quân sự hạng nặng và chiến đấu cơ hạ cánh. CSIS cho rằng việc cải tạo đảo sẽ giúp Trung Quốc tăng cường yêu sách chủ quyền tại khu vực cách đại lục tới 1.600km.

Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Á, đô đốc Samuel Locklear cho rằng, Trung Quốc có thể sắp triển khai radar và các hệ thống tên lửa trên các đảo nhân tạo đang được xây dựng gấp rút, được sử dụng để tuyên bố thiết lập một vùng nhận diện phòng không mới ở biển Đông.

Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã mô tả những động thái của Trung Quốc là “hung hăng” và cho rằng chính quyền của ông Obama cần phải có kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn tại  khu vực để tăng cường hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương đang rất lo ngại.

Ông McCain dẫn các đánh giá tình báo của Mỹ hồi tháng 2 rằng việc Bắc Kinh hiện đại hóa quân sự được lên kế hoạch nhằm ngăn chặn sức mạnh Mỹ và Washington có rất nhiều việc phải làm phía trước để giữ được ưu thế quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi tại một cuộc hôi thảo ngày 16/4 tại Washington, đại sứ Trung Quốc ở Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng việc Trung Quốc cải tạo, xây đảo ở biển Đông bao gồm các cơ sở quân sự là “tất nhiên”. Ông Thôi nói không nên ảo tưởng rằng ai đó có thể áp đặt “hiện trạng đơn phương” với Trung Quốc hoặc “liên tục vi phạm chủ quyền Trung Quốc mà không có hậu quả”.

Đại sứ Thôi còn “đá xoáy” Mỹ khi tuyên bố Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Mỹ chưa ký kết, không cho bất cứ ai được quyền “tiến hành tăng cường do thám trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác”.

Chống quân sự hóa

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá quy mô cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đang gây quan ngại lớn cho khu vực và Bắc Kinh có ý định quân sự hóa các vị trí tiền đồn trên. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở biển Đông.

“Mỹ có lợi ích  mạnh mẽ trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh ở biển Đông. Chúng tôi không tin rằng việc cải tạo đảo quy mô lớn với ý đồ quân sự hóa các căn cứ tại các khu vực đảo tranh chấp phù hợp với mong muốn hòa bình và ổn định của khu vực”, ông nói.

Vấn đề này cũng đã được thảo luận trong cuộc họp tại Washington giữa thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken với hai đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki nêu rõ Trung Quốc có trách nhiệm giải tỏa lo ngại của khu vực.

Còn thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định tại biển Đông đối với các nước phụ thuộc vào thương mại như Hàn Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong kêu gọi các bên thực hiện khuôn khổ hiện tại để bảo vệ tự do hàng hải, sự ổn định ở biển Đông.

Ông cũng kêu gọi nhanh chóng kết thúc đàm phán bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và  ASEAN. Điều đó sẽ cho phép các quốc gia như Hàn Quốc duy trì các hoạt động vận tải hàng hóa an toàn qua biển Đông.

The Straits Times ngày 17/4 đưa tin, các nhà ngoại giao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về những động thái của Trung Quốc nhằm “giành thị phần” (thực tế là độc chiếm phi pháp) biển Đông, đồng thời 3 nước thúc giục Bắc Kinh tôn trọng tự do hàng hải trên tuyến giao thông quan trọng này.

Thứ trưởng Blinken nhắc lại lập trường của Mỹ rằng các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và Hoa Đông cần được giải quyết theo quy định của pháp luật quốc tế. Các bên liên quan không nên có hành động đơn phương.

Ngày 16/4, ngoại trưởng các nước G7, gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Canada và Nhật Bản, lần đầu tiên đã ra Tuyên bố về An ninh Hàng hải. Tuyên bố nêu rõ, ngoại trưởng các nước G7 quan ngại về những hành động đơn phương, bao gồm cải tạo đất trên diện rộng, vốn làm thay đổi thực trạng ở biển Đông cũng như làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc thời gian qua.

Ngoại trưởng các nước G7 phản đối bất cứ nỗ lực khẳng định chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải thông qua các hình thức đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực, South China Morning Post đưa tin. Theo NHK,  ngày 16/4 Úc cũng đã bày tỏ quan ngại về những hoạt động bồi đắp cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc tại những đảo tranh chấp ở biển Đông, nói rằng những hành động đó làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn