Vì sao Trung Quốc tăng tốc xây chuỗi đảo nhân tạo trên Biển Đông

Thứ tư, 25/02/2015, 11:57
Nếu Trung Quốc thật sự xây được đảo nhân tạo trên Biển Đông và thiết lập những kiến trúc đa chức năng thì tuyên bố chủ quyền của họ đối với các vùng biển tranh chấp sẽ rất có sức nặng, một chuyên gia nhận định.

Hình trái là một công trình Bắc Kinh xây dựng trên bãi đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 3 năm ngoái. Trong hình phải, công trình này đã được nối với một đảo nhân tạo mới thông qua một con đường đắp cao. Ảnh: IHS Jane's

Theo các bức ảnh chụp từ vệ tinh do IHS Jane's đưa ra hồi tuần trước, người ta dễ dàng nhận thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng và mở rộng chuỗi đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông với một tốc độ nhanh chóng bằng cách tạo dựng tại đây các đường băng, doanh trại quân sự hay bến cảng tương đối đồ sộ về quy mô.

Động thái này buộc giới chuyên gia phải đặt câu hỏi quanh việc Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo này để làm gì? Và liệu các công trình đó có đủ khả năng làm thay đổi luật pháp quốc tế cũng như diện mạo địa chính trị của châu Á - Thái Bình Dương hay không?

"Nếu Trung Quốc thật sự có thể xây dựng đường băng cùng các kiến trúc khác trên những đảo nhân tạo nước này đang bồi đắp thì tuyên bố chủ quyền của họ đối với các vùng biển tranh chấp sẽ trở nên đanh thép hơn bao giờ hết", Foreign Policy dẫn lời ông James Holmes, giáo sư chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW), nhận định.

Ông M. Taylor Fravel, chuyên gia về chính sách hàng hải Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts thì đánh giá, bằng cách biến bãi đá thành căn cứ quân sự, Trung Quốc sẽ giành được nhiều lợi thế hơn trong việc điều động các đội tuần duyên hay tàu chiến tại những vùng biển cách xa bến cảng của nước này, từ đó gia tăng áp lực lên các nước láng giềng.

Trung Quốc có nguy cơ sẽ lặp lại những hành động trắng trợn vào mùa hè năm ngoái, khi nước này ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam suốt hơn hai tháng. Giả thiết này có vẻ sẽ sớm thành hiện thực với việc Bắc Kinh  vừa công bố phát hiện một mỏ khí thiên nhiên "trữ lượng lớn" trên Biển Đông.

Dựa trên các công trình mà Bắc Kinh đang ráo riết xây dựng, giới quan sát không ngần ngại cho rằng ý đồ đầu tiên của Trung Quốc đối với chuỗi đảo nhân tạo có liên quan đến mục tiêu quân sự. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez từng miêu tả mỗi đảo này là "một tàu sân bay không thể đánh chìm".

Bãi đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa là một ví dụ điển hình. Nó được thiết kế như một pháo đài nổi, vừa có bãi đáp cho máy bay trực thăng, vừa sở hữu cầu cảng cho chiến hạm neo đậu. Những công trình tương tự cũng xuất hiện tại các đảo khác.

Theo một số nhà phân tích từ IHS Jane's, đảo nhân tạo còn giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả ở trên không và trên biển. Từ những đảo này, Trung Quốc dễ dàng điều động các đội trực thăng làm nhiệm vụ giám sát, đặc biệt hữu dụng trong các chiến dịch săn ngầm.

Một báo cáo của chính phủ Mỹ cho hay đường băng mà Bắc Kinh mới xây trên bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa sẽ cho phép quân đội Trung Quốc mở rộng đáng kể tầm phóng của hệ thống tên lửa phòng không.

Mặt khác, theo ông Peter Dutton, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc USNW, tham vọng khác mà Bắc Kinh muốn đạt được sau khi hoàn thành quá trình xây dựng chuỗi đảo là thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực.

Bắc Kinh cũng có thể sử dụng các đảo nhân tạo làm chỗ dựa cho lực lượng tàu bán quân sự và dân sự. Chuỗi đảo nhân tạo chắc chắn sẽ "là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các đội tàu cá, góp phần đẩy mạnh công tác thăm dò dầu khí cũng như thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc", ông Dutton nhấn mạnh.

Theo ông Carl Thayer, giáo sư tại Học viện Quốc phòng Australia, đảo nhân tạo không những có thể là kho tiếp liệu cho chiến hạm mà còn là đồn trú hậu cần đối với tàu đánh cá hoặc tàu cảnh sát biển Trung Quốc.

Gây nhiễu loạn

Đề cập tới ý đồ của Trung Quốc khi ồ ạt đẩy nhanh tiến độ xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông, Mira Rapp Hooper, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cùng các đồng nghiệp đặt giả thuyết Bắc Kinh đang nỗ lực phủ nhận thách thức pháp lý mà Philippines nêu ra từ đầu năm 2013 nhằm chống lại tuyên bố chủ quyền của họ.

Manila đã  kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực Hague, yêu cầu phân xử liệu các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang tiến hành xây dựng là đảo hay các bãi đá.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một hòn đảo phải hình thành tự nhiên và vẫn nổi trên mặt nước khi thủy triều dâng mới đem lại nhiều ý nghĩa cho bên tuyên bố chủ quyền. Trái lại, các bãi đá, đảo đá không thể duy trì sự sống con người hay đời sống kinh tế thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Vì thế, nếu các thực thể tại Trường Sa là bãi đá thì dù Trung Quốc có giành được quyền làm chủ chúng đi chăng nữa, quyền kiểm soát cũng chỉ giới hạn trong phạm vi 12 hải lý và không có vùng đặc quyền kinh tế đi kèm.

Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện đồng thời tuyên bố không chấp nhận mọi phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, việc nước này xây dựng các đảo nhân tạo phần nào vẫn có mối liên quan đến thách thức pháp lý mà Manila đặt ra, Jay Batongbacal, giám đốc Viện Nghiên cứu các Vấn đề Hàng hải và Luật Biển Philippines, nhận xét.

Bằng cách che đậy đi nguyên trạng thật của các thực thể này, chiến lược cải tạo của Trung Quốc đang "gây nhiễu loạn" các bằng chứng mà tòa án cần để đưa ra phán quyết cuối cùng. Vấn đề sẽ trở nên "nan giải khi các thực thể bị biến đổi vĩnh viễn",  Gregory Poling từ AMTI nhấn mạnh.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn