Đầu giờ chiều 23/2 (mùng 5 Tết), nhiều tuyến đường cửa ngõ thủ đô Hà Nội như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Giải Phóng, Ngọc Hồi đã bắt đầu đông đúc bởi hàng nghìn người dân từ khắp các tỉnh đổ về.
Nhiều gia đình lựa chọn xe máy làm phương tiện đi lại, khi ra Hà Nội mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh chất đầy sau xe.
Xe khách nối đuôi nhau tại Mỹ Đình, Giáp Bát gây ùn ứ trước cổng bến xe. Đây là thời điểm bến đông nhất kể từ đầu Tết đến nay.
Ngồi trên những chiếc xe nhồi nhét, nữ hành khách này vừa bước xuống xe đã vội vã chạy ra hàng rào của bến Giáp Bát để nôn.
Đi từ Phủ Lý (Hà Nam), hai bố con anh Hoà và bé Phương Anh bắt xe từ bến nên có ghế ngồi trên xe. "Hai bố con nên cũng không nhiều đồ đạc, đỡ vất vả. Có mỗi con gà trống được các cụ ở quê cho để cúng rằm tháng Giêng", anh Hoà vui vẻ chia sẻ.
Trong cốp của hầu hết chuyến xe khách đều chất đầy đồ đạc. Đến 17h chiều, nhiều tuyến phố thủ đô trở nên đông đúc, tuy nhiên không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Tại TP.HCM, từ chiều 22 và 23/2 (nhằm ngày mùng 4 và mùng 5 Tết), đông đảo người dân bắt đầu quay trở lại chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên. Đông nhất là cửa ngõ ở xa lộ Hà Nội, bến xe miền Đông, bến xe miền Tây...
Tại bến phà Cát Lái, lượng người từ hướng Đồng Nai, Vũng Tàu cũng ùn ùn đổ về TP.HCM. Theo xí nghiệp phà Cát Lái, trong ngày mùng 4 Tết, lượng khách tăng 30% so với ngày thường, riêng ngày mùng 5 Tết lượng khách tăng khoảng 10%. Ước tính lượng khách trong những ngày gần đây tăng khoảng 65 đến 70 nghìn lượt.
Tại cửa ngõ phía Tây, chiều mùng 5 Tết, hàng chục nghìn người, chủ yếu di chuyển bằng xe máy nối nhau tiến về TP.HCM khiến quốc lộ 1 đoạn từ Bến Lức (Long An) đến Tân Kiên (Bình Chánh) đông nghịt. "May mắn là cửa ngõ thành phố giờ đã có nhiều hướng rẽ, nếu không tình trạng kẹt xe chắc chắn xảy ra", chị Tuyền, quê Bến Tre nói.