Bác sỹ TS Trần Ngọc Lương thực hiện một ca phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân bướu cổ. |
Nhiều năm cầm dao mổ cho bệnh nhân và đã có khóa học phẫu thuật nội soi tại Pháp, PGS, Tiến sĩ Trần Ngọc Lương - Phó Giám đốc phụ trách và điều hành Bệnh viện Nội tiết Trung ương chưa bao giờ nghĩ có ngày ông được bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước lấy tên mình đặt cho một phương pháp mổ “Dr. Lương technique”.
Ông Lương tâm sự: “Bệnh viện nơi tôi công tác là bệnh viện đầu ngành về các bệnh nội tiết, rối loạn chuyển hóa, trong đó có một nửa bệnh nhân có bệnh lý về tuyến giáp và rất nhiều bệnh nhân phải điều trị bằng phẫu thuật.
Nếu mổ mở theo phương pháp truyền thống thì sau mổ sẽ để lại sẹo ở cổ, khiến bệnh nhân thiếu tự tin, ngại giao tiếp sau này. Đã có nhiều bệnh nhân hỏi tại sao không mổ nội soi để không có sẹo?”.
Trước câu hỏi của bệnh nhân, ông Lương ấp ủ một mong ước làm sao để chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau phẫu thuật được tốt lên. Khi trên thế giới có kỹ thuật mổ tuyến giáp nội soi, ông Lương mới bắt đầu nghiên cứu một kỹ thuật cho riêng bệnh viện.
Áp lực lớn nhưng thời gian lâu dần, ông tự tìm ra một cách đi cho riêng mình. Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của ông Lương là kỹ thuật đơn giản, nhanh nhất, an toàn, hiệu quả nhất, rẻ nhất.
Ông Lương cho biết, đơn giản nhất vì trong khi các nước mổ bướu cổ nội soi phải tạo dụng cụ đặc biệt thì mình dùng luôn dụng cụ phẫu thuật nội soi ổ bụng thông thường để mổ. Hiệu quả vì cho đến nay có thể áp dụng được cho mọi loại bệnh của tuyến giáp cần phẫu thuật.
Sau thành công ở phương pháp mổ này, ông Lương đã đi báo cáo ở các hội nghị trong nước, quốc tế và được các bạn đồng nghiệp đánh giá cao. Đến nay, đã có khoảng 220 bác sĩ từ Úc, Bồ Đào Nha, Singapore, Philippines... đến học và bản thân ông cũng đi dạy và chuyển giao công nghệ ở 22 bệnh viện, trường đại học.
Sắp tới, ông Lương sẽ sang Singapore và Ấn Độ để chuyển giao công nghệ và giảng bài. “Khi bạn bè quốc tế sang xin học, họ cho biết chưa thấy kỹ thuật mổ nào hoàn hảo như kỹ thuật mổ của Việt Nam. Kể cả các bác sĩ ở Úc, Hàn Quốc và Singapore... cũng phải ngưỡng mộ”, ông Lương nói.
GS Nguyễn Thanh Liêm (Bên trái) |
30 năm gắn bó với Bệnh viện Nhi Trung ương, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương được ghi nhớ là hình ảnh vị bác sĩ tận tụy ngày đêm hi sinh cho công việc ngoại khoa. Nói đến ông Liêm, giới nhi khoa coi ông như người thầy mẫn cán trong công việc. Giờ ông không công tác ở Bệnh viện Nhi Trung ương nữa nhưng kỹ thuật mổ nội soi, mổ bằng rô bốt của ông vẫn được các bác sĩ ở Bệnh viện này tiếp tục thực hiện cứu chữa cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo.
Có lẽ vì thế, Bệnh viện Nhi Trung ương nơi ông công tác luôn đi đầu trong kỹ thuật phẫu thuật nội soi nhi khoa, không chỉ được bạn bè trong nước mà bạn bè quốc tế thán phục. Cho đến thời điểm này, nhiều quốc gia trong khu vực đã tìm đến giáo sư để trau dồi kỹ thuật mổ nội soi của bệnh nhi.
Các kỹ thuật mổ đều có ưu điểm hơn kỹ thuật truyền thống. Một số bạn bè ở Italia, Australia, Ấn Độ, Philippines đã gọi một cách trìu mến là phương pháp phẫu thuật “Liem technqiue”.
Được bạn bè quốc tế công nhận, nhưng vị Giáo sư này rất khiêm tốn. Ông vẫn dành thời gian nghiên cứu các công trình khoa học với tâm niệm mình sẽ phải làm cái gì hay hơn cái đã làm.
Theo Infonet