Ảnh minh họa |
Toàn văn kiện này chia ra các chương cụ thể, trong đó có cam kết của từng nước đối với từng mặt hàng. Hiện toàn bộ 11 nước còn lại trong TPP là thị trường của 65% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 75%.
Dệt may cũng được xem là mặt hàng có nhiều lợi ích khi TPP có hiệu lực, vì việc nhà nhập khẩu Mỹ được giảm/bỏ thuế nhập khẩu sẽ giúp lượng đơn hàng đặt may tại Việt Nam tăng cao. Hiện nay, nhìn chung hàng dệt may từ Việt Nam sang Mỹ có mức thuế bình quân 17,5%.
Vậy Mỹ cam kết mở cửa như thế nào đối với hàng dệt may trong TPP? Đối với hàng dệt may (trong chương 61, 62 và 63), Mỹ cam kết bỏ thuế ngay lập tức với nhiều mặt hàng dệt may từ 11 nước TPP, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng dệt may xuất sang Mỹ sẽ bỏ thuế dần theo một số lộ trình khác nhau tùy từng mặt hàng, và chỉ bỏ hoàn toàn sau 6-10 năm sau khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể như, Mỹ sẽ giảm 50% thuế của mức thuế cơ bản (base rate) khi hiệp định có hiệu lực, và giữ mức thuế đã giảm này trong 10 năm, và chỉ xóa bỏ vào năm thứ 11. Hay, Mỹ chỉ giảm 35% của mức thuế cơ bản ngay khi TPP có hiệu lực và giữ nguyên mức này trong 5 năm; đến năm thứ 6 thì giảm thêm 15%, và giữ nguyên cho đến năm thứ 10, và chỉ bỏ hoàn toàn vào năm thứ 11.
Tuy nhiên, để hưởng ưu đãi thuế này, hàng dệt may của Việt Nam cũng như các thành viên khác trong TPP phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Trong chương riêng về dệt may (chương 4), theo quy tắc yêu cầu mức tối thiểu (De minimis), những hàng hóa (thuộc hoặc không thuộc chương 61-63) không đạt quy tắc xuất xứ về chuyển đổi mã hàng hóa để được hưởng ưu đãi trong TPP vẫn được xem là hàng hóa có xuất xứ nếu phần nguyên liệu không có xuất xứ (như sợi, vải) có trọng lượng không vượt quá 10% tổng trọng lượng của sản phẩm.
Ngoài ra, những sản phẩm (thuộc hay không thuộc chương 61-63) nếu có chứa sợi đàn hồi (elastomeric yarn) sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ là sợi này được sản xuất hoàn toàn tại một/nhiều thành viên TPP. Tuy nhiên, chương này cũng có quy định về danh sách nguồn cung thiếu hụt (short-supply list) cho phép những hàng dệt may vẫn được hưởng ưu đãi thuế dù được sản xuất từ một số vải, nguyên vật liệu không có xuất xứ TPP.
Tuy nhiên, TPP cũng quy định cụ thể nguyên liệu này phải được dùng để sản xuất mặt hàng cuối là gì (phải thuộc nhóm hàng hóa cụ thể nào, quy định rõ về mã HS từ 2-6 số). Danh sách này gồm hai phần: tạm thời (áp dụng trong 5 năm sau khi TPP có hiệu lực) và vĩnh viễn.
Tổng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam 9 tháng đầu năm là 19,9 tỉ đô la Mỹ, riêng xuất khẩu dệt may là gần 17 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường các nước TPP đạt 11,1 tỉ đô la Mỹ, tức chiếm trên 65% xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Trong các nước TPP, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may nhiều nhất là đến thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc, Chi Lê. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu vẫn là thị trường Mỹ (8,3 tỉ đô la Mỹ) và Nhật Bản (trên 2 tỉ đô la Mỹ). |
Theo TB KTSG