Được mệnh danh là “thủ phủ” chè của cả nước, nhưng thời gian gần đây, ngành chè Lâm Đồng lâm cảnh khó khăn vì những bất cập từ khâu sản xuất đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trước tình hình này, đã có 9 doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè xanh và chè đen ngừng hoạt động.
Riêng đối với trà Oolong, hiện các doanh nghiệp đang hoạt động theo kiểu “cầm chừng”. Không ít nông hộ trồng chè hàng chục năm qua đã bắt đầu phá bỏ cây chè chuyển sang làm hoa màu khác. Do khó khăn chung, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá thành thu mua chè nguyên liệu xuống từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân khiến giá chè sụt giảm mạnh và gặp khó khăn trong việc xuất khẩu là do thị trường xuất khẩu chè Lâm Đồng còn hạn chế. Từ trước đến nay, sản phẩm chè đen và chè xanh của Lâm Đồng chỉ có 2 thị trường xuất khẩu chính là Afganistan và Pakistan.
Hiện, các nước này vẫn thu mua sản phẩm chè của Lâm Đồng, nhưng thanh toán chậm, rủi ro cao gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Đối với thị trường xuất khẩu chè Oolong, phía Đài Loan đang tìm nhiều cách hạn chế nhập khẩu bằng việc hạ thấp chỉ tiêu dư lượng chất Fipronil cho phép từ 0,005 ppm xuống còn 0,002 ppm.
Người dân và doanh nghiệp trồng chè điêu đứng |
Đây là nguyên nhân khiến nhiều lô hàng chè Oolong không đủ điều kiện xuất khẩu dẫn đến tồn kho, ứ đọng. Thực tế cho thấy, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trên toàn tỉnh chưa kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, đặc biệt việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có trong chè.
Bên cạnh đó, tình trạng tranh mua, tranh bán giữa doanh nghiệp và người dân đã dẫn đến giá chè bị phá và sụt giảm. Cùng với đó, công tác quản lý về chất lượng an toàn thực phẩm của các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều hạn chế.
Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, trong thời gian tới, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấm sử dụng các loại thuốc BVTV có chứa chất Fipronil để bón cho cây chè. Đồng thời, các ngành chức năng và các địa phương cần có biện pháp để tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức và sản xuất chè theo hướng an toàn để từ đó xây dựng vùng nguyên liệu chè theo hướng công nghệ cao.
Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất chè (nhất là việc thu hái) nhằm giảm chi phí công lao động; tăng cường đầu tư thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực để từng bước làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm chè.
“Riêng đối với chè Oolong, hiện thị trường tiêu thụ quá nhỏ hẹp (95% sản phẩm xuất khẩu qua Đài Loan), nên cần phải mở rộng thị trường xuất khẩu qua các nước Châu Âu - EU. Cùng với đó, cần phát triển thương hiệu chè B’Lao qua các thị trường tiềm năng như: Nhật, Mỹ, Canada, Nga, Singapore, Hà Lan và các nước Trung Đông.”, ông Phạm S cho biết thêm.
Được biết, Lâm Đồng có gần 24.000ha chè và sản lượng hằng năm khoảng 230.000 tấn, chiếm 27% diện tích và 30% sản lượng chè của cả nước. Hai chục năm qua, ngành chè mang lại nhiều lợi thế cho tỉnh cao nguyên này. Đây là lần đầu tiên ngành chè Lâm Đồng lâm vào cảnh khốn khó nghiêm trọng như hiện nay.
Theo Dân Trí