Sản xuất linh kiện xe máy của Honda Việt Nam - Ảnh minh họa |
Điểm đáng chú ý nhất là nội dung về thành lập quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ với số vốn 30.000 tỉ đồng như dự thảo trước đây đã không còn được đề cập trong nghị định, thay vào đó là nhiều chính sách ưu đãi về vốn, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển, hỗ trợ thị trường, đất đai…
Cụ thể theo nghị định này, tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; được nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Các dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ở khâu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ tối đa đến 50%.
Nhà nước cũng hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Nghị định cũng nêu rõ, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được ưu tiên tham gia vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Hiện nay trên cả nước có gần 1.400 doanh nghiệp nội địa sản xuất linh kiện, phụ tùng liên quan đến các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như linh kiện điện, điện tử, kim loại, nhựa, cao su, chưa kể riêng ngành dệt may cũng có tới trên 600 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu hỗ trợ cho ngành.
Lâu nay việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có thời gian thu hồi vốn dài, có độ rủi ro cao khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hiện năng lực của các doanh nghiệp CNHT vẫn còn rất kém, một phần cũng vì không có đủ tiềm lực tài chính.
Sự yếu kém trong năng lực cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng buộc các doanh nghiệp sản xuất chính phải tìm kiếm nguồn cung cấp từ bên ngoài, và đây chính là một phần nguyên nhân gây nhập siêu trong sản xuất công nghiệp nhiều năm qua. .
Theo TB KTSG