TP.HCM đưa ra 6 giải pháp đột phá cho công nghiệp hỗ trợ

Thứ sáu, 23/10/2015, 13:01
Bốn ngành công nghiệp trọng yếu tại TP.HCM tuy có sự tăng trưởng về lượng nhưng xét về chất, cấu trúc của ngành công nghiệp vẫn chưa bền vững và ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Để ngành công nghiệp TP.HCM phát triển theo hướng bền vững hơn, thành phố đã đề ra 6 giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho giai đoạn 2016 – 2020.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan triển lãm về những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM ngày 14-10 vừa qua

Thực tiễn quá trình phát triển qua 30 năm đổi mới và hội nhập, kinh tế thành phố đã có chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, GDP bình quân tăng 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng chung của cả nước.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thành phố tập trung phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, đó là các ngành cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa, cao su, chế biến tinh lương thực - thực phẩm. Ước trong năm 2015, bốn ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 60% so toàn ngành công nghiệp thành phố (tỷ trọng năm 2010 là 56,9%).

Về nhiệm vụ, giải pháp năng cao chất lượng tăng trưởng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dự thảo báo cáo chính trị Đảng bộ thành phố yêu cầu “tiếp tục phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu trên cơ sở xác định chiến lược phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa… xây dựng cụm liên kết sản xuất; bổ sung chính sách đủ mạnh để tạo đột phá trong phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Đây là yêu cầu hoàn toàn đúng đắn, rất thiết thực, phù hợp với hiện trạng phát triển của ngành công nghiệp thành phố và xu hướng hội nhập ngày càng sâu, rộng của nước ta hiện nay.

Những trở lực cần được hóa giải

Thời gian qua, những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được bộc lộ như trên 80% nguyên - vật liệu, phần lớn thiết bị và công nghệ phải nhập khẩu; sản xuất phục vụ sửa chữa thay thế, gia công lắp ráp là chủ yếu; các doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ quản trị sản xuất phần lớn dựa vào kinh nghiệm, năng lực phát triển và khai thác thị trường, tiếp cận cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước còn thấp; hạn chế trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nếu có, chủ yếu là tham gia ở những công đoạn với công nghệ giản đơn, giá trị gia tăng thấp.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế nói trên xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được trưng bày tại Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM ngày 14-10 vừa qua

Thời gian qua, trung ương và thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù các ngành đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, theo ý kiến nhận định của doanh nghiệp, nhìn chung hiệu ứng, tác động của các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả vì phạm vi ưu đãi quá rộng, mang tính cào bằng và được lồng ghép trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thủ tục tiếp cận rất nhiêu khê.

Chưa kể thiếu đầu mối quản lý tập trung và chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành; chưa hình thành các cụm liên kết ngành gắn với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; thiếu các chương trình hỗ trợ: đào tạo nhân lực, mặt bằng, công nghệ, thông tin và tiếp cận thị trường phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điểm đáng lưu ý nữa chính là trình độ công nghệ thấp đang là là trở lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các doanh nghiệp lắp ráp tham gia đầu tư tại Việt Nam nhưng vẫn phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện từ nước ngoài, đồng thời còn kéo theo những nhà cung ứng cho họ từ chính quốc. Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là vô cùng quan trọng, bắt buộc các doanh nghiệp tham gia phải luôn cải tiến công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường, vì thế đã đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đổi mới theo.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM đã chủ trì, phối hợp cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà khoa học tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, kết hợp khảo sát hiện trạng, lấy ý kiến của hơn 1.200 doanh nghiệp nhỏ và vừa để xây dựng đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.

Trên cơ sở đó, đã đề ra định hướng để phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian tới chú trọng ưu tiên thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ  phục vụ bốn ngành trọng yếu nêu trên và hai ngành truyền thống là dệt may và giày da.

Trong giai đoạn đầu, cần tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất - nhựa - cao su nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghiệp khác.

Trong quá trình phát triển, từng bước tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi; định hướng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được sản xuất từ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; hình thành được hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ mạnh, tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp truyền thống của thành phố; thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác sản xuất giữa các công ty FDI với doanh nghiệp nhỏ và vừa để nhanh chóng làm chủ công nghệ; phát triển được đội ngũ nhân lực quản lý, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu được các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn quốc và các quốc gia khác quan tâm, đầu tư; trong đó, TP.HCM là một trong những điểm lựa chọn đầu tiên.

Sáu giải pháp trọng tâm

Để thu hút đầu tư, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển công nghiệp hỗ trợ, thành phố đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm như sau:

Một là: kiện toàn công tác quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân quan trọng gây cản trở sự phát triển là do sự chồng chéo, phối hợp thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các ngành, các cấp. Nhận thức được vấn đề, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ để tập trung, chỉ đạo, xuyên suốt; đồng thời hình thành Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, là đầu mối tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Hai là: chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng phục vụ sản xuất để thu hút đầu tư. Qua khảo sát yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ cần thuê nhà xưởng diện tích nhỏ (200 - 300 m2), trong khi thực tế các nhà đầu tư hạ tầng tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp thường chỉ cho thuê đất với diện tích vài nghìn mét vuông trở lên.

Nắm bắt được nhu cầu này, thành phố cần có chính sách khuyến khích, mời gọi các công ty đầu hạ tầng xây dựng sẵn các nhà xưởng cao tầng có quy mô phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trước mắt, tiến hành xây dựng khoảng 100.000m2 diện tích sàn xây dựng để phục vụ nhu cầu doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, để chuẩn bị đón nhận làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác, thành phố cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, dành khoảng 500 héc ta đất trong giai đoạn 2016-2020 để thành lập các khu công nghiệp, trung tâm giao dịch chuyên về công nghiệp hỗ trợ. Hướng tới, thành phố cần rà soát việc sử dụng đất nông nghiệp tại các quận - huyện, có hiệu quả kinh tế thấp để đề xuất chuyển thành đất phục vụ sản xuất nhằm tạo quỹ đất đủ lớn để thu hút, chọn lọc các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có dự án phù hợp với định hướng phát triển của thành phố đến đầu tư.

Ba là: xác định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố. Cần thay đổi nhận thức, tư duy từ “phát triển theo chiều rộng” dàn trải như trước đây sang “phát triển theo chiều sâu”, chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ vào các lĩnh vực, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Bốn là: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm bổ sung kiến thức cho đội ngũ quản lý, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động. Thực hiện thí điểm, mời gọi các chuyên gia trong và ngoài nước để làm tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách cho thành phố, tư vấn đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích thu hút lực lượng lao động từ các du học sinh, các đối tượng hợp tác lao động ở nước ngoài trở về nước để làm việc cho thành phố.

Năm là: có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ. Thành phố đã cho rà soát, bổ sung các đối tượng, cải cách quy trình, thủ tục của chương trình kích cầu hiện hữu và xây dựng thành một chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, giao một đầu mối là Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình. Thông qua chương trình này, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ, bù lãi vay cho các dự án đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.

Sáu là: xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp hiện nay rất cần thông tin trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do đó, thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp có thông tin về nhau, thông tin về nguồn cung và nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, từ đó sẽ là cơ sở để kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với nhau và với các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn