Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông khẳng định, facebook không có lỗi trong các sự cố truyền thông |
Ba ngày qua, từ khi được công bố, trang facebook “Thông tin Chính phủ” đang “lên views” nhanh chóng với lượng người “like” đã tăng gấp 3-4 lần. Tuy nhiên, trang facebook này cũng lập tức cũng bị hàng “giả”, “nhái” lấn lướt và phải đối mặt với hiện tượng comment, bàn luận thiếu tinh thần xây dựng. Bộ trưởng bình luận gì về việc này?
Thời gian trước, Chính phủ đã đặt vấn đề, Thủ tướng cũng nhận định, mạng xã hội cũng là một phương tiện thông tin trong xã hội hiện đại, được sử dụng ngày càng rộng rãi. Đây chính là một kênh tốt để cung cấp thông tin cho người dân, để mỗi người có thể tiếp cận dễ dàng với hoạt động của Chính phủ và thể hiện, biểu đạt quan điểm đồng tình hay không đồng tình về thông tin đăng tải, phản biện lại thông tin chính sách, điều hành để qua đó Chính phủ nhận định được tình hình, tiếp thu, điều chỉnh linh hoạt. Việc trao đổi này rất dân chủ.
Đương nhiên, phương tiện đó cũng có thể bị người khác lợi dụng để cung cấp thông tin không đúng tới cộng đồng, đó là việc làm vi phạm, trái pháp luật mà một hoạt động mới (lập facebook Chính phủ) như vậy triển khai nhưng cơ quan quản lý lại chưa chế tài hết được nên không thể can thiệp, không thể xử phạt ai được. Vấn đề là phải cảnh báo và nêu cao tinh thần cảnh giác để mọi người không bị lạc hướng, không bị lung lạc với thông tin xấu, không để kẻ xấu lợi dụng chèn thông tin xấu vào khiến chính người dân bị ngộ nhận vì tưởng đó chính là những thông tin từ Chính phủ.
Trên thế giới, nhiều Chính phủ, nguyên thủ, chính khách nổi tiếng cũng đều đã chủ động khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của mạng xã hội như một công cụ truyền thông hữu hiệu . Tổng thống Nga, Mỹ có tài khoản facebook, twitter với hàng triệu người theo dõi dù họ cũng phải đối mặt với tất cả những vấn đề đặt ra của mạng xã hội. Ở Việt Nam, Như Bộ trưởng nói, chính Thủ tướng là người “thúc” triển khai thông tin trên “mặt trận” mạng xã hội mà sau thời gian không ngắn, việc thực hiện kế hoạch truyền thông trên môi trường mạng vẫn chậm và khó khăn như vậy?
Giờ ta mới chỉ đang làm thử nghiệm, từng bước một. Nhận thức thì rõ ràng là chủ động “lên face” chỉ có tốt thôi, để người dân có điều kiện liên hệ với cơ quan nhà nước, để quan hệ ngày càng gần gũi hơn. Mạng xã hội là một phươgn tiện truyền thông xã hội mà mọi người đều có cơ hội thể hiện tiếng nói của mình.
Ở nước ngoài, người dân chú ý đến những trang mạng mà lãnh đạo tham gia chứng tỏ người ta rất quan tâm đến tình hình đất nước. Dân mình thì cũng thế, mối quan tâm đến hoạt động của các lãnh đạo cấp cao rất lớn.
Chính vì thế cách đây mấy tháng Thủ tướng đã nói, Chính phủ sẽ đưa mọi thông tin về phát triển kinh tế xã hội, về chủ trương chính sách, về hoạt động chỉ đạo điều hành lên mạng để người dân cùng thấy và cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc thí điểm , thử nghiệm thì phải dần dần từng bước rồi nhân lên. Trong quá trình đó phải đánh giá để rút ra bài học kinh nghiệm xem nên hay không nên làm gì.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao đổi thêm với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội ngày 22/10.
|
Dường như sự chuẩn bị cho trang “Thông tin Chính phủ” chưa đủ chín nên sớm “liêu xiêu” vì những việc phát sinh như bị mạo danh, bị comment “ném đá”. Được biết, nhiều khả năng, trang facebook non trẻ này sẽ không duy trì được?
Thực tiễn hiện nay, đang có những thay đổi, tiến bộ xã hội mà chúng ta phải thích ứng. Điều đó cũng giống như việc ngày xưa không có truyền hình, chỉ có báo viết, rồi đến báo phát thanh…. Facebook bây giờ là một bước phát triển lớn. Chúng ta xác định facebook là công cụ, phương tiện chứ bản thân mạng xã hội này không có tội lỗi gì. Mọi người nên tận dụng công cụ phương tiện này để phục vụ lợi ích tốt đẹp của cá nhân và xã hội. Chính phủ cũng nhận thấy điều đó và xác định cần chủ động sử dụng facebook như một công cụ phương tiện để tương tác, để người dân được tiếp cận gần gũi, cởi mở hơn. Cuộc sống, yêu cầu của cuộc sống là mệnh lệnh với người làm chính sách.
Cách thông tin “xuôi” như những trang web chính thức kiểu Chinhphu.gov.vn khiến nhiều người ngại vào. Điều đó giống như việc Chính phủ ngồi trong văn phòng của Chính phủ, người đến cũng ngại và phòng rất nhỏ, người vào cũng hạn chế. Trong khi đó, qua facebook Chính phủ ngồi gần với dân hơn, người dân cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn khi “comment” trên đó.
Còn vấn đề bảo mật thông tin trên mạng hiện là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà cả với những nước phát triển trên thế giới. Đất nước sản sinh ra facebook cũng bị thách thức rất nhiều, các trang của lãnh đạo nhiều nước cũng bị tấn công. Mình không thể nói là đảm bảo thông tin đó không bị tấn công nhưng mình có thể nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ thông tin Chính phủ.
Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ, cho Thủ tướng thế nào để xây dựng được trang facebook chính thức của Chính phủ (một việc tất yếu phải làm) cho hiệu quả?
Hôm nay mới chỉ được ít ngày trang “Thông tin Chính phủ” được công bố mà đã bắt đầu xuất hiện những thông tin giả mạo, tiêu cực. Chúng tôi sẽ làm sao vừa tìm tòi, vừa tiếp tục triển khai để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hơn công cụ truyền thông này. Mục tiêu cuối cùng là Chính phủ muốn qua kênh trực tiếp giao tiếp với người dân, tạo điều kiện người dân giao tiếp trực tiếp với cơ quan điều hành. Qua kênh này, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần với dân hơn. Ngược lại, tâm tư nguyện vọng của dân cũng đến gần Chính phủ hơn.
Theo Dân Trí