Học sinh tiếp tục là "vật thí nghiệm" trong dạy học tích hợp: Bộ GD&ĐT lên tiếng

Thứ năm, 22/10/2015, 09:37
“Chúng tôi đã có cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết thực tiễn thì học sinh tham gia rất là tốt, rất là tích cực. Cuộc thi dạy học với chủ để tích hợp của giáo viên thì các địa phương đều tham gia rất tốt", ông Chuẩn phân tích.

Gần đây, dư luận và các bậc phụ huynh, học sinh cùng các giáo viên đang băn khoăn trước phương án dạy tích hợp của Bộ Giáo dục và Đạo tạo đưa ra, nhưng lại không hề có hướng dẫn tới các trường, khiến các thầy cô tự mày mò cách dạy tích hợp, học sinh lại tiếp tục là "vật thí nghiệm".

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo quý III.

Qua tìm hiểu của PV Infonet, Bộ GD&ĐT phát động dạy học theo hướng tích hợp - liên môn từ năm học 2012-2013 và chính thức đưa vào đề án đổi mới giáo dục năm 2018. Theo đó, các trường học trên cả nước sẽ triển khai mô hình dạy liên môn - tích hợp.

Có nghĩa là các môn Toán, Lý, Hóa, khoa học tích hợp làm một môn, các môn Văn, Sử, Địa, công dân sẽ được gộp vào thành một môn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra bất kỳ một hướng dẫn nào cho việc dạy học mới này. Để chuẩn bị cho phương pháp dạy này các trường đã rục rịch tìm hiểu và thử nghiệm dạy tích hợp theo cách mỗi nơi một kiểu.

Tuy nhiên, thời gian chỉ còn 3 năm để thử nghiệm và đưa vào triển khai chính thức. Trong khi chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hướng dẫn thực hiện thì các trường tự mày mò tìm hướng đi cho mình và không ai kiểm định cho những hướng đi đó. Để có một tiết học các em học sinh phải mất một tuần, một tháng để chuẩn bị, nhưng chính các thầy cô cũng không dám khẳng định mình đang dạy cho các em theo đúng hướng hay không.

Trong khi đó tại các trường Đại học, Cao đẳng về Sư phạm, nơi đào tạo ra những giáo viên tương lai chưa chuyển đổi mô hình dạy những “giáo viên tương lai” về cách thức dạy tích hợp. Chính vì vậy, đến thời điểm này, các trường đang làm theo hướng, hiểu đến đâu, làm đến đó. Một lần nữa, các học sinh lại được đem ra "thử nghiệm".

PV Infonet đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này. Trả lời câu hỏi của PV Infonet, trong buổi họp báo thường kỳ quý III, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: “Bộ đã có các văn bản hướng dẫn về việc này. Trong mỗi hướng dẫn năm học, chúng tôi đều có định hướng là với chương trình hiện hành, chúng ta xây dựng những chuyên đề liên môn tích hợp và dạy chuyên đề liên môn tích hợp đó”.

Ông Vũ Đình Chuẩn trả lời câu hỏi của PV Infonet.

“Trong công văn 5555, chúng tôi có hướng dẫn rất kỹ cách xây dựng chuyên đề, xác định chuyên đề như thế nào, thiết kế giáo trình dạy học như thế nào, tổ chức dạy như thế nào và thảo luận đưa lên trường học kết nối như thế nào, đó là những vấn đề mà chúng tôi rất tập trung.

Việc tập huấn, bên cạnh văn bản hướng dẫn cũng có tập huấn rất kỹ, nhất là tập huấn cốt cán. Đặc biệt trong thời gian vừa rồi chúng tôi có đưa lên giờ học kết nối. Qua những buổi tập huấn như vậy, sản phẩm của giáo viên đã dạy thử và hoàn thiện lại đưa lên và từng mức độ khác nhau chứng tỏ từng bước một đã có hiệu quả.

Với chương trình hiện hành thì chúng ta phải làm từng bước chứ bây giờ tất cả chương trình hiện hành chuyển sang liên môn tích hợp thì không thể. Những phần nào cần thiết thì chuyển trước và làm từng bước một. Cái này, có hai mục tiêu, một là tinh giảm kiến thức, hai là tăng cường khả năng vận dụng kiến thức liên môn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, từ đó nảy sinh ra năng lực. Cái này rất quan trọng là tập cho giáo viên và học sinh làm quen để sau này học chương trình sách giáo khoa mới được tốt”, ông Chuẩn nói.

Tuy nhiên, theo ông Chuẩn, tất cả những vấn đề liên môn tích hợp, bộ xây dựng trên chương trình sách giáo khoa cũ, tinh thần mới, kiến thức kỹ năng của học sinh đảm bảo vận dụng vào thực tiễn, sẽ sinh ra năng lực; Thời gian học sinh và giáo viên sẽ quen dần và khi triển khai sẽ rất thuận lợi. Chính vì vậy, học sinh học tích hợp trong thời gian quan không phải là “vật thử nghiệm”.

Giải thích thêm về vấn đề này, Thứ  trưởng – Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga phân tích: “Lâu nay chúng ta chưa có phân tầng xếp hạng nên các trường có mục tiêu đào tạo rất chung chung, ai cũng nói chúng tôi đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như vậy là nó không rõ ràng”.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong các trường cần có sự phân hóa, có trường chuyên về thực hành, có trường chuyên về kỹ thuật, khoa học ứng dụng… Nếu không đào tạo định hướng rõ ràng như vậy thì sắp tới đây khi hội nhập quốc tế, lực lượng lao động của chúng ta rất khó cạnh tranh trên thị trường lao động thời kỳ hội nhập.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn