Người chăn nuôi teo tóp vì giá
Chưa bao giờ xuất khẩu tôm lại thê thảm như năm nay, 9 tháng giảm tới 28,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chuyên gia kỳ cựu trong ngành thủy sản khẳng định, một trong những thủ phạm chính là giá thức ăn thủy sản ở Việt Nam quá cao, đẩy giá tôm trong nước cao hơn so với các nước đối thủ 1-2 USD/kg, khiến DN xuất khẩu không thể cạnh tranh. Mà khoảng 99% thị phần thức ăn cho tôm ở Việt Nam đang trong tay DN FDI.
Người chăn nuôi đang nuôi sống DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, song lại phải gánh chịu hậu quả do ngành thức ăn chăn nuôi gây ra. |
“Do nắm gần như toàn bộ thị phần, các DN FDI có rất nhiều “bài” để nâng giá, nhưng người dân vẫn phải mua vì không còn lựa chọn”, ông Dũng phân tích.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá ngô nhập khẩu tháng 9/2015 giảm khoảng 33% so với tháng 9/2014. Tương tự, nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác cũng giảm khoảng 30%. Trong nước, từ đầu năm nay, Bộ Tài chính đã đưa thuế VAT với thức ăn chăn nuôi về 0%. Vậy nhưng, giá thức ăn thủy sản giảm không đáng kể.
Giá thức ăn vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người nuôi tôm. Trung bình mỗi năm, thức ăn thủy sản tăng giá 5-7 lần, tập trung vào những thời điểm tôm tăng trưởng, cần nhiều thức ăn nhất. Giá tôm sụt giảm thê thảm, giá thức ăn cao, nên tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng treo ao, thậm chí là vỡ nợ diễn ra nhiều nơi.
“Thức ăn chiếm 75% giá thành nuôi tôm, nên lợi nhuận nuôi tôm rơi hết vào túi mấy DN FDI sản xuất thức ăn, còn người nuôi may lắm chỉ lấy công làm lãi”, ông Nguyễn Hữu Dũng cho hay.
Tương tự, ngành chăn nuôi cũng điêu đứng vì sự thống trị về không chỉ thức ăn, mà cả con giống, thuốc thú y… từ các DN FDI. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova, giá thành thức ăn chiếm đến 70 - 75% chi phí đầu vào và luôn cao hơn so với khu vực. Sau khi trừ hết chi phí, người nuôi chỉ còn lãi 2.000- 3.000 đồng mỗi con gà. Đó là chưa kể sức ép từ các sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại đang tràn ngập thị trường với giá rẻ.
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chăn nuôi Việt Nam đau xót nói: “Người chăn nuôi đang nuôi sống DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, song họ đang phải gánh chịu hậu quả do ngành thức ăn chăn nuôi gây ra. Chúng tôi không kỳ vọng giá thức ăn chăn nuôi giảm nhiều, mà chỉ mong giá ngang các nước trong khu vực”.
Doanh nghiệp FDI: Vớ bẫm và nghi án chuyển giá
Trong khi người chăn nuôi đổ mồ hôi, nước mắt bên chuồng trại mà vẫn thua lỗ, thì DN sản xuất thức ăn chăn nuôi lại sống khỏe, liên tục đầu tư thêm nhà máy, mở rộng quy mô. Hiện doanh thu của những “đại gia” trong ngành này ở Việt Nam như CP, Cargill đều trên dưới 1 tỷ USD.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, năm 2014, doanh thu toàn cầu của Tập đoàn CP (Thái Lan) là 34 tỷ USD, còn doanh thu của Cargill là 140 tỷ USD. Tại Việt Nam, doanh thu của Cargill năm 2014 là 900 triệu USD, còn doanh thu của CP có thể gấp đôi con số này. Hiện CP và Cargill đang nắm tới gần 30% thị phần.
Hai DN này, cùng với Grobest, Uni President (Đài Loan), Tomboy (Pháp)… đang chiếm thị phần chủ yếu ở ở thị trường thức ăn cho tôm ở Việt Nam.
Ngay cả một liên doanh thức ăn chăn nuôi của Australia là Austfeed, dù đầu tư vào lĩnh vực này chưa lâu, nhưng cũng đạt doanh thu tới 1.560 tỷ đồng trong năm 2014, với mức tăng trưởng 35%. Lãnh đạo công ty này tỏ ra vô cùng hài lòng với kết quả kinh doanh ở Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cũng thừa nhận: “Tỷ suất lợi nhuận lớn nhất bây giờ vẫn thuộc về ngành thức ăn chăn nuôi”.
Được biết, đa số các DN FDI sản xuất thức ăn công bố tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất 1 kg thức ăn chăn nuôi vào khoảng 1 – 3%, song nhiều chuyên gia chăn nuôi cho rằng, tỷ suất lợi nhuận của ngành này phải lên tới 10-15%. Ông Đoàn Xuân Trúc còn cho rằng, có những DN đạt tỷ lệ lợi nhuận tới 30%.
Bất chấp sự lên án của dư luận và người chăn nuôi, DN FDI trong ngành thức ăn chăn nuôi luôn đưa ra nhiều lý do để biện minh cho việc tăng giá, neo giá. Trong khi đó, người chăn nuôi, giới chuyên gia và cả cơ quan quản lý đặt ra nhiều nghi vấn.
Trong báo cáo đưa ra đầu năm nay, Bộ Công thương cảnh báo, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số DN FDI. Các DN này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước. “Các DN này có khả năng điều khiển thị trường, có thể gây tổng thiệt hại xã hội hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm”, Bộ Công thương cảnh báo.
Đồng tình với nhận định trên, TS. Nguyễn Văn Giáp, Gíam đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp – phát triển nông thôn miền Nam cũng cho rằng, có hiện tượng DN FDI liên kết định giá
“Các công ty thức ăn chăn nuôi FDI chiếm thị phần lớn, tỷ lệ tập trung thị trường tăng trong những năm gần đây, có hiện tượng liên kết định giá và cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng hệ thống phân phối đại lý độc quyền và chiết khấu lớn”, ông Giáp nói.
Các DN chăn nuôi, thủy sản trong nước cho rằng, suốt thời gian qua, chúng ta đã mở cửa cho DN FDI sản xuất thức ăn, nhưng các cơ quan chức năng lại lơi lỏng kiểm tra, khiến các DN này làm mưa làm gió, thao túng thị trường, trong khi cơ chế kiểm soát giá lại chưa có, dẫn đến nguy cơ chuyển giá rất lớn.
Ông Nguyễn Hữu Dũng băn khoăn đặt câu hỏi: “Phải chăng có yếu tố chuyển giá đối với DN FDI sản xuất thức ăn thủy sản?”. Băn khoăn của chuyên gia này là có cơ sở, bởi dù kê khai lãi rất thấp, thậm chí lỗ, song lại ào ào đầu tư mở rộng thêm nhà máy là điều rất đáng ngờ. Hơn thế, theo một khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, có tới 20% DN FDI thực hiện việc chuyển lợi nhuận để giảm thuế".
Trước phản ánh về việc DN FDI thao túng thị trường thức ăn thủy sản, mới đây, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các bộ Tài chính, Công an, Công thương và các cơ quan có liên quan kiểm tra, xem xét có hay không sự chuyển giá đối với các DN sản xuất thức ăn thủy sản có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để xử lý theo quy định (văn bản số 8122/VPVP-KTTH về quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản ngày 7/10 của Văn phòng Chính phủ).
Tuy vậy, theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, trước đây, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Tài chính, Công thương… cũng đã từng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra DN FDI trong ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Song kết quả, không DN nào bị kết luận liên kết định giá hay chuyển giá.
Dù nghi án chuyển giá của khối DN FDI đã được đặt ra từ nhiều năm nay và năm nào Thanh tra Bộ Tài chính cũng thực hiện thanh tra chống chuyển giá tại các DN FDI khai lỗ, nhưng chỉ dừng lại ở nghi án, hầu như chưa có sai phạm lớn nào được phơi bày.
Trong ngành thức ăn chăn nuôi, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận, hiện nước ta thiếu các công cụ giám sát giá cả, thống kê sản lượng sản xuất của các DN trong ngành khiến giá thức ăn chăn nuôi thiếu minh bạch, khó kiểm soát.
Đây là lý do các chuyên gia trong ngành yêu cầu Chính phủ cần siết chặt quản lý DN FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi, yêu cầu các DN này công khai giá thành, giá bán, giới hạn mức lợi nhuận. Hiện Thái Lan quy định tỷ lệ lợi nhuận tối đa của ngành thức ăn chăn nuôi là 5%. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có những chính sách khuyến khích ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Theo Báo Đầu Tư