Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa trình UBND thành phố về việc trao đổi một số động vật dư thừa tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Bởi theo quy hoạch động vật giai đoạn 2013-2015 do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn lập và duyệt, số lượng hổ nơi này là 14 con (gồm 10 con hổ vàng và 4 con hổ trắng). Trong khi số lượng hổ mà Thảo Cầm Viên đang có là 16 con (gồm 11 con hổ vàng và 5 con hổ trắng).
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đến thăm chú hổ trắng ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn hồi tháng 8. |
Theo báo cáo của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, với điều kiện chuồng trại hiện hữu và kinh phí tự thu chi hiện nay, đơn vị không thể nuôi dưỡng số hổ trên đảm bảo tiêu chuẩn và phúc lợi động vật.
Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND TP HCM giao Thảo Cầm Viên căn cứ vào các quy định trong nước và quốc tế về quản lý động vật để lựa chọn hình thức trao đổi. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị này đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh quy hoạch 1/500 mặt bằng Thảo Cầm Viên và khẩn trương lập quy hoạch động vật, thực vật phù hợp với yêu cầu về trưng bày, nhân giống, bảo tồn.
Trước đó, hồi tháng 8, lần đầu tiên một cặp hổ trắng được thuần dưỡng ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn sinh ra 3 hổ con khỏe mạnh. Cả ba hổ con sau gần một tháng tuổi cân nặng 3,6-4,1 kg. Hổ con có lông màu trắng kem, trên mình có vằn đen giống hổ bố mẹ.
Năm 2009, cặp hổ bố mẹ khoảng 2 tuổi có nguồn gốc từ vườn thú Elmvale (Canada) được Thảo Cầm Viên đưa về thuần dưỡng và được đặt tên thân thiện là Lem (cọp đực) và Luốc (cọp cái). Sau một thời gian phối giống, đến nay việc nhân giống loài hổ quý hiếm này mới có kết quả.
Hổ trắng (còn gọi là cọp Bengal) là loài quý hiếm, phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh và ít được nhìn thấy trong tự nhiên, đang có nguy cơ tiệt chủng cao. Hiện trên thế giới còn khoảng 3.200 hổ trắng, chủ yếu được nuôi trong các vườn thú.
Theo VNE