Một chiếc "xe cà-tàng" trên đường phố |
Trao đổi với PV chiều 19-10, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng PC67, nói khảo sát của PC67 cho thấy xe mô-tô, xe gắn máy thay đổi kết cấu là một trong những loại phương tiện gây mất trật tự an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho chủ xe và những người tham gia giao thông khác trên đường.
Xe thay đổi đặc trưng, theo giải thích của ông Phong, là xe thay đổi về kết cấu, màu sơn, gắn thêm phuộc nhún, đèo hàng phía sau, thay đổi dung tích xi-lanh và xe không có các bộ phận cơ bản (hoặc các bộ phận này hỏng) như còi, đèn pha, đèn xi-nhan, pô, biển số, kính chiếu hậu…
Hai loại đối tượng phổ biến sử dụng xe loại này là thanh thiếu niên độ lại xe để phục vụ thú chơi rồi tổ chức đua xe và những người lao động nghèo sửa lại xe để phục vụ mưu sinh như chở nước đá, chở vật liệu xây dựng, đồ uống, hàng hóa. Những xe loại thứ hai này thường được gọi là “xe cà tàng”.
Theo ông Phong, với các đối tượng thứ nhất, PC67 kiên quyết xử lý nghiêm. Còn đối tượng thứ hai là những người nghèo dùng xe chở hàng cồng kềnh gây mất an toàn giao thông thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý mềm mỏng, tế nhị hơn.
Trước khi ra quân ngày 20-10, các lực lượng cảnh sát đã khảo sát kỹ những điểm tập trung nhiều “xe cà tàng” như các chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất nước đá, các cơ sở độ xe… để thực hiện chiến dịch một cách hiệu quả. PC67 cũng chuẩn bị bến bãi để chứa những xe vi phạm, xe không giấy tờ…
Trung tá Phong cho biết trọng tâm trong đợt xử lý lần này không phải là thu giữ hay xử phạt các xe vi phạm mà nhằm tuyên truyền cho người dân, cho chủ các cơ sở kinh doanh sở hữu xe đã thay đổi đặc trưng nhận thức được những loại xe như vậy là không đảm bảo an toàn giao thông và cần phải sửa chữa lại.
Ngoài việc truy bắt các xe thay đổi đặc trưng tham gia giao thông trên đường, PC67 còn kết hợp với các đơn vị cảnh sát khu vực đến từng cơ sở kinh doanh có xe loại này, lập danh sách và buộc các chủ xe ký cam kết không để xe loại này tham gia giao thông trước khi sửa chữa, nếu không chấp hành cam kết, sẽ có hình xử lý nặng như tịch thu xe.
Trong thời gian gần đây, “xe cà tàng” do những thanh niên mới lớn chạy rất ẩu đã gây nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng. Những xe này chỉ trơ bộ sườn sắt hoen gỉ nhưng lại chở rất nặng, không dưới 300kg, khi đụng vào các phương tiện khác, xe thường gãy vụn gây thương tích cho người điều khiển xe và những người tham gia giao thông khác.
Theo quan sát của PV, riêng tại một cơ sở kinh doanh nước đá nhỏ trên đường Ni Sư Huỳnh Liên (quận Tân Bình) đã có 5 chiếc “xe cà tàng” kiểu này chạy hàng ngày. Theo chủ cơ sở, những xe này tiện lợi khi luồn lách vào các hẻm nhỏ giao hàng; xe chỉ có giá từ 1 đến 2 triệu đồng/chiếc nên khi bị công an bắt hoặc gây tai nạn thì bỏ cũng không tiếc; ngoài ra, cảnh sát giao thông thấy xe kiểu này cũng không muốn bắt giữ.
Trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) có hơn 20 cửa hàng mua bán xe cũ, độ “xe cà tàng”. Theo một chủ cửa hàng, xe có giấy đăng ký thì giá khoảng 2,5 triệu đồng còn xe không có giấy đăng ký giá khoảng 1,5 triệu đồng/chiếc.
Một chủ cửa hàng nói: “Nếu anh muốn chở nặng đến 300kg, tôi thay cho anh bộ phuộc nhún mới”. Ông chủ này chưa hề hay biết lực lượng CSGT chuẩn bị mở chiến dịch xử lý.
Trung tá Huỳnh Trung Phong tin tưởng điểm khác biệt trong đợt ra quân lần này là nhằm vào gốc rễ, tức là các chủ cơ sở kinh doanh và chủ cơ sở sửa xe, sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý “xe cà tàng”, xe thay đổi đặc trưng gây mất trật tự an toàn giao thông.
Theo TB KTSG