Nguồn nước cho TP.HCM bị đe dọa ra sao?

Thứ ba, 20/10/2015, 11:01
Nhu cầu nước ngọt ở TP.HCM và các địa phương lân cận tăng cao, song nguồn cung chủ lực là nguồn nước Hồ Dầu Tiếng lại đang suy giảm cả về lượng và chất do tác động của El Nino.
Hồ Dầu Tiếng

Hồ Dầu Tiếng đang “gánh” nhiều nhiệm vụ quan trọng mà ít ai chú ý là bên cạnh phục vụ tưới tiêu còn cung cấp nước thô, xả nước đẩy mặn khi sông Sài Gòn, sông Đồng Nai bị xâm nhập mặn lấn sâu... đảm bảo chất lượng nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy xử lý nước sạch của thành phố như nhà máy nước Tân Hiệp, nhà máy nước Kênh Đông…

Độ mặn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai hiện đang tăng cao, trong khi lượng nước từ thượng nguồn đổ về giảm sút trầm trọng đang tạo một sức ép không nhỏ lên hồ Dầu Tiếng nằm ở phía thượng nguồn TPHCM.

“Hiện nay ảnh hưởng của El Nino làm lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, khiến cho mực nước hồ Dầu Tiếng thấp hơn so với trung bình quá nhiều; mùa mưa năm nay (dự kiến) kết thúc sớm hơn các năm gần một tháng, do đó tổng lượng mưa năm nay thấp. Mưa kết thúc sớm nên theo quy luật mặn sẽ lấn sâu hơn,” ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH Một Thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM, trao đổi với TBKTSG Online sáng 19-10.

Trong khi nước mặn ở hạ nguồn tấn công vào các cửa sông thì ở thượng nguồn, thống kê của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn khu vực cho thấy mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở 21,6 mét, thấp hơn mực nước dâng bình thường gần 3 mét (mực nước dâng bình thường hồ Dầu Tiếng là ở mức 24,4 mét).

Trong khi nguồn nước thiếu hụt so với các năm trước, theo ông Đam, thì nhu cầu sử dụng nước ở hạ du lại tăng, như vùng canh tác ở Tân Biên (Tây Ninh), Đức Hòa (Long An) lại được mở rộng làm tăng nhu cầu nước tưới, chưa kể nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp đều tăng cao ở các địa phương như TP.HCM, Tây Ninh, Long An…

Ông Đam cho biết tuần rồi các đơn vị quản lý nguồn nước ở Tây Ninh, Long An và TP.HCM đã họp bàn giải pháp sử dụng nước tiết kiệm theo hướng ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước, giảm diện tích lúa, tăng diện tích hoa màu…

Ngoài ra, đơn vị quản lý phải giảm nguồn nước xả để giữ nước cho hồ Dầu Tiếng. Hồ Dầu Tiếng bắt đầu ngưng xả nước tưới vụ Đông Xuân để tích trữ nước cho mùa vụ sau, giảm 50% lượng nước xả về hệ thống kênh Đông ở Củ Chi và dành ưu tiên đẩy mặn cho sông Sài Gòn vào những tháng khô cuối năm để đảm bảo các nhà máy nước sạch ở thành phố không bị động thiếu hụt nguồn nước thô.

Ngành thủy lợi cũng đang chuyển nước bổ sung thêm cho hồ Dầu Tiếng từ nguồn nước hồ Phước Hòa (Bình Phước) về khoảng 50 mét khối/giây.

Thông tin từ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) mới đây cho thấy biến đổi khí hậu đã gây tác động đến nguồn nước thành phố khi “nguồn nước thô bị nhiễm mặn với nồng độ cao, các nhà máy cấp nước phải dừng lấy nước mặt vì không có khả năng xử lý nước nhiễm mặn. Đã có thời điểm nguồn nước thô bị nhiễm mặn cao khiến hoạt động cấp nước cho TP.HCM bị ngưng trệ trong vài giờ.”

Sông Đồng Nai và sông Sài Gòn là hai nguồn cung cấp nước mặt chính phục vụ cấp nước cho thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên các số liệu quan trắc những năm gần đây cho thấy một số chỉ tiêu nước thô lấy từ hai con sông này không còn đáp ứng được theo quy chuẩn cấp nước, có lúc độ mặn vượt quá 25 mg/lít, mức độ ô nhiễm ngày một tăng như ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh như E. Coli, Coliform.

Sawaco, đơn vị cung cấp nước chính cho gần 10 triệu người TP.HCM, đã tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang tác động không nhỏ đến hoạt động cấp nước bởi những biểu hiện bất thường như nắng hạn kéo dài vào mùa khô, mùa mưa thì ngập lụt thường xuyên, cuốn theo các nguồn ô nhiễm từ thượng nguồn về làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước thô ở hạ nguồn.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn