Bộ Giáo dục và Đào tạo mâu thuẫn trong lời nói và hành động

Thứ sáu, 01/03/2013, 15:32
Quy định cấm phát tán thông tin tiêu cực thi cử mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra không chỉ gây bức xúc, nghi ngại trong dư luận mà còn bị xem như hành động đi ngược lại luật pháp.

Mâu thuẫn trong lời nói và hành động?

Với thông tư mới ban hành về sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ GDĐT chính thức hóa việc đưa các thiết bị ghi âm, ghi hình “chỉ có chức năng ghi thông tin mà không chuyển được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác” vào danh sách những vật dụng được phép mang vào phòng thi.

Quy định này sẽ khiến nhiều người thấy rằng Bộ đang quyết chống tiêu cực nếu như không có điều kiện “đi kèm”: “Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận (ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT trung ương hoặc ban chỉ đạo cấp tỉnh/TP); thanh tra giáo dục các cấp trong vòng 7 ngày kể từ ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào”. (Điều 42a quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013).

Ông Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - cho rằng: “Việc Bộ GDĐT muốn có một kỳ thi nghiêm túc, nhưng Bộ GDĐT lại yêu cầu thắt chặt “đầu ra” thì lại là điều vô lý. Những thông tin chống tiêu cực nếu không cho công khai với báo chí thì ai sẽ là người giám sát việc thực thi và kết quả xử lý bao giờ mới được công bố?”.

Còn ông Đỗ Việt Khoa - nhà giáo nổi tiếng về chống tiêu cực thi cử - nhận định: “Bộ GDĐT mâu thuẫn trong lời nói và hành động. Quy định cấm đoán này của Bộ sẽ triệt tiêu những nỗ lực chống tiêu cực, khiến cho những hành động chống tiêu cực “bằng không”. Bản thân quy định này mâu thuẫn, triệt hạ những tuyên bố về việc quyết tâm chống tiêu cực trước đó của Bộ”.

Tiêu cực thi cử
Tiêu cực thi cử
Tiêu cực thi cử
Với quy định cấm phát tán thông tin vi phạm quy chế thi tốt nghiệp, nhiều ý kiến lo ngại những hình ảnh vi phạm quy chế thi nghiêm trọng như ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang)... sẽ khó được phát hiện và xử lý. Ảnh: T.L

Nếu không được tự do “phát tán thông tin”…

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, có thể nói là người đầu tiên “nổi tiếng” trong việc ghi lại clip tố cáo tiêu cực thi cử, khi nhớ lại sự việc năm 2006 của mình cho biết: “Sau khi quay được các clip tiêu cực tôi có gửi lên Sở GDĐT Hà Tây khi đó thì không nhận được câu trả lời. Tôi tiếp tục gửi lên Bộ thì được Chánh Thanh tra giáo dục khi đó khuyên là nên chuyển cho các cơ quan báo chí để gây sức ép cho địa phương giải quyết, chứ chỉ Bộ GDĐT thì không làm được. Và chỉ khi có sức ép mạnh mẽ của dư luận thì địa phương mới xử lý vụ việc”.

Vụ nới lỏng đáp án chấm thi tốt nghiệp của 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 cũng có xuất phát từ một giáo viên gửi thông tin cho báo chí. Vụ tiêu cực thi cử ở Nghệ An, rồi vụ tiêu cực thi cử ở Hội đồng thi THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012 là các clip được đưa lên mạng và gửi tới báo chí...

Những vụ việc “đình đám” này đã từng làm ngành giáo dục điêu đứng lo giải quyết hậu quả và có thể nói đã ít nhiều làm xấu hình ảnh của ngành.

Sau khi xảy ra vụ “Đồi Ngô”, mặc dù khẳng định vi phạm là nghiêm trọng, nhưng Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận  khi đó đã cho rằng: “Việc phát tán trên mạng nhiều video clip như vậy làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp khó khăn, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là các cháu học sinh còn nhỏ tuổi”, và  “chúng ta không nên hướng sự quan tâm thái quá đến các video clip như thế này”.

Phải chăng với quan điểm “bảo vệ” học sinh nhỏ tuổi mà Bộ đưa ra quy định này? Tại sao Bộ lại đưa ra quy định như vậy? Tại sao lại quy định phải gửi bằng chứng trong vòng 7 ngày, nếu ngoài 7 ngày mới nhận được bằng chứng thì Bộ và những nơi tiếp nhận xử lý như thế nào?...

Không ít ý kiến cho rằng Bộ đưa ra quy định này là vi phạm một số luật như Luật Báo chí, Luật Khiếu nại tố cáo...

Các câu hỏi này trong ngày 28/2 đã được phóng viên chuyển tới các lãnh đạo, các bộ phận chức năng của Bộ GDĐT nhưng hoặc được chỉ sang bộ phận khác, hoặc không có hồi âm.

Bộ GDĐT đã thấy sai. Trả lời về sự đúng hay sai của thông tư 04 của Bộ GDĐT tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Sau khi báo chí phản ánh, Bộ GDĐT cũng đã nhận thấy sai rồi và chắc chắnsẽ sửa.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Không nên làm rối loạn dư luận. Tôi đã đọc phản ứng của dư luận trên mạng về thông tư này. Tuy nhiên, việc Bộ GDĐT cấm phát tán tài liệu tiêu cực của các cá nhân trên mạng, theo tôi là cần thiết.

Bởi lẽ, nếu phát tán như vậy một mặt sẽ gây rối loạn dư luận, mặt khác có thể tạo điều kiện cho  nơi xảy ra tiêu cực áp dụng những thủ thuật đối phó, làm vô hiệu hóa hoặc giảm giá trị của  những chứng cứ được đưa ra.

Trong trường hợp hình ảnh tiêu cực được tán phát lên mạng một cách tự do, người có hành vi tiêu cực rất dễ bị xúc phạm danh dự nặng nề, từ đó có thể bị ảnh hưởng về tâm lý, thậm chí nảy sinh hành vi không kiểm soát được.  Đó là điều không ai trong chúng ta muốn.

TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh - thiếu niên - nhi đồng: Tôi thấy không chuẩn lắm. Nhận xét đầu tiên là tôi thấy không chuẩn lắm, không khéo lại vi phạm luật khác. Bởi lẽ, việc phát tán, trao đổi thông tin là quyền của công dân.

Tôi sẽ sớm trao đổi với Bộ Giáo dục Đào tạo về nội dung này, bởi tôi thấy nó gờn gợn. Do đó, tôi không bình luận gì thêm về thông tư này.

Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư Pháp: Chúng tôi đang nghiên cứu. Chúng tôi nhận được Thông tư 04 từ tay các nhà báo đưa cho để hỏi liệu văn bản này có hợp quy không. Hiện chúng tôi đang đọc và nghiên cứu xem thông tư này có sai hay không, nếu có sai thì sai như thế nào và sai cái gì.

Tuy nhiên, đến thời điểm này (ngày 28/2/2013) chúng tôi chưa có kết luận. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ có văn bản thông báo chính thức đến bộ, ngành liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng.

Luật sư Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty luật TNHH YouMe: Tạo ra các rào cản, hạn chế việc tố cáo. Với nội dung thông tư: “Không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất cứ hình thức nào”, theo tôi, là không đúng với tinh thần của Luật Tố cáo.

Việc quy định như trên, vô hình trung đã tạo ra các rào cản, hạn chế việc tố cáo các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực thi cử, hạn chế các quyền của người tố cáo, tạo ra "cơ hội" cho việc che giấu các sai phạm cũng như sự công khai các sai phạm này trước dư luận.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn