Bên trong nhà thờ Đức Bà |
Vật liệu mang từ Pháp
Ngày 7-10-1877, lễ đặt viên đá đầu tiên nhà thờ Đức Bà Sài Gòn do giám mục Isidore Colombert chủ trì dưới sự chứng kiến của phó soái Nam kỳ và các nhân vật tai mắt của Sài Gòn, diễn ra rất long trọng.
Vật liệu xây dựng đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt, loại gạch nung có màu đỏ được đặt làm tại Marseille để xây bọc bên ngoài không cần tô nhưng vẫn không bám rêu mốc, đến nay vẫn còn tươi màu.
Chúng tôi đã từng lên tận bên trên laphông nhà thờ để xem xét và đọc thấy những dòng chữ Guichard Carvin, Marseille St André France trên một số miếng ngói. Những dòng chữ này xác nhận nguồn gốc các miếng ngói của nhà thờ được sản xuất tại Pháp.
Sau ba năm xây dựng, ngày 11-4-1880 dưới sự chứng kiến của Thống đốc Nam kỳ dân sự Le Myre de Vilers, giám mục Colombert đã khánh thành nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với tên nhà thờ Nhà nước do toàn bộ chi phí xây dựng và trang trí nội thất đều do chính quyền Pháp tài trợ.
Chi phí xây dựng là 2,5 triệu quan Pháp, tương đương 500.000 đồng Đông Dương thời bấy giờ.
Bên trong nhà thờ trên tầng lửng ngay cửa nhà thờ bước vào có một cây đại phong cầm rất lớn nhưng đã hư hỏng.
Thay vào đó, năm 2005 nhân kỷ niệm 125 năm khánh thành nhà thờ Đức Bà, có người đã dâng cho nhà thờ một cây đàn ống khác (website hdgmvietnam.org).
Nền nhà thờ là một nghĩa địa
Nhà thờ có sức chứa 1.200 người, có 20 bàn thờ lớn nhỏ và đặc biệt nền nhà thờ là một nghĩa địa lớn với ngôi mộ của giám mục Colombert nằm ở vòm phía cuối nhà thờ.
Những bia mộ bên trong nhà thờ Đức Bà |
Cùng với hai ngôi mộ khác, mộ của giám mục Colombert nằm dưới nền nhà thờ, có lót một bia lớn bằng phẳng với nền nhà thờ ghi tên họ người nằm dưới mộ.
Ở phương Tây, nền của nhà thờ thường là những hầm mộ chôn cất những người “có công” với nhà thờ.
Ở nước ta, do địa thế và thời tiết nên không thể có những hầm mộ như thế mà dùng cách chôn! Theo hiểu biết của chúng tôi, hầu hết nhà thờ đều là những nghĩa địa.
Nơi đó chôn cất những linh mục phụ trách và những người có công với nhà thờ. Riêng hàng giám mục thì được chôn cất ở những nhà thờ lớn trong giáo phận họ từng phụ trách.
Giới Công giáo ở Sài Gòn cũng có một nghĩa địa riêng tại giáo xứ Chí Hòa, trên đường Bành Văn Trân.
Nơi đây chôn cất những tu sĩ, linh mục đã hưu trí. Riêng giám mục Trần Thanh Khâm, giám mục phụ tá đầu tiên của Giáo phận Sài Gòn, mất năm 1976, là giám mục duy nhất được chôn trong nghĩa địa này do thời ấy chính quyền chưa cho phép chôn trong nhà thờ theo nghi lễ tôn giáo.
Không rõ đến nay ngôi mộ của ông vẫn còn hay đã bốc đi.
Hai tháp chuông tách rời
Thuở ấy, sau khi xây dựng xong, nhà thờ Nhà nước chưa có tháp chuông như hiện nay. Mãi đến năm 1895, kiến trúc sư Gardès mới vẽ và xây dựng thêm hai tháp chuông.
Nhìn từ ngoài vào dễ tưởng rằng hai tháp chuông gắn liền với nhà thờ nhưng thực tế hai tháp chuông này lại là công trình hoàn toàn tách rời với khu nhà.
Chuông nhà thờ Đức Bà |
Bộ chuông gồm 6 cái được đặt làm từ năm 1879 tại Pháp. Tháp bên phải có hai chuông mang nốt la và do. Và bốn chuông ở tháp bên trái có các nốt sol, si, mi, re.
Tổng sức nặng của bộ chuông là 30 tấn và ba chuông nặng nhất là sol 8.475kg, si nặng 3.150kg và re nặng 2.194kg.
Bộ chuông nhà thờ Nhà nước được khởi động bằng điện ngay từ đầu, riêng ba chuông lớn trước khi bật rờle điện phải khởi động bằng sức người (đạp).
Nếu cả bộ chuông cùng được rung thì phạm vi tiếng vang là 10km. Sau hơn một thế kỷ sử dụng, mép chuông, nơi trái chuông đánh vào, lõm độ 1/5cm, theo ước đoán của chúng tôi khi rờ vào.
Tất cả đèn trong nhà thờ đều là đèn điện được thiết kế ngay từ khi xây dựng, không dùng đèn cầy. Trên nóc nhà thờ có cây thánh giá ngang 2m, cao 3,5m, nặng 600kg.
Sau khi xây dựng xong, nhà thờ Nhà nước đứng một mình, xung quanh chưa có công trình xây dựng nào, trừ câu lạc bộ thể thao dành cho sĩ quan Pháp nằm chếch ở phía sau (nay là UBND quận 1).
Phía trước nhà thờ cũng không dựng tượng hoặc xây dựng vườn hoa. Vậy khu vực trước nhà thờ Đức Bà khi ấy là gì? Bức tượng trước nhà thờ Đức Bà được xây dựng khi nào?
Theo TTO