Giảm phí visa, khách có trở lại?

Thứ bảy, 24/10/2015, 07:46
Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục nhưng để kéo du khách vào sân nhà, ngành du lịch còn nhiều việc phải làm

Từ ngày 23-11, theo quy định mới trong Thông tư 157 của Bộ Tài chính, mức lệ phí thị thực (visa) có giá trị một lần giảm từ 45 USD xuống còn 25 USD, loại có giá trị 3 tháng giảm từ 95 USD xuống còn 50 USD… Theo nhiều công ty du lịch, lệ phí visa mới chỉ là “điều kiện cần” để du khách quan tâm đến Việt Nam trong hành trình du lịch.

Mới chỉ mở cửa nhà…

Ông Phan Xuân Anh, cố vấn Công ty Du lịch Tân Hồng (chuyên đón khách đường biển) lý giải: phí visa có giá trị 1 lần mà Bộ Tài chính vừa giảm từ 45 USD xuống còn 25 USD thực chất là về bằng mức của những năm trước. Bởi đầu năm nay, theo quy định mới của Luật Xuất nhập cảnh về thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách tàu biển, khách tham quan ngắn hạn mức phí visa đã tăng tới 9 lần từ 5 USD lên 45 USD/khách và thêm một số yêu cầu về thủ tục.

Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt hơn 5,68 triệu lượt trong 9 tháng đầu năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ Ảnh: TẤN THẠNH
Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt hơn 5,68 triệu lượt trong 9 tháng đầu năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ Ảnh: TẤN THẠNH

“Phí visa đột ngột tăng từ đầu năm đã tác động đến quyết định chọn điểm du lịch của khách quốc tế. Nếu so về lợi thế cạnh tranh thì Việt Nam cũng chỉ tương đồng các nước trong khu vực nên khách nước ngoài sẽ cân nhắc khi phí visa đắt đỏ hơn. Kết quả lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các công ty du lịch” - ông Xuân Anh nói.

Theo Tổng cục Du lịch, trong tháng 9 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 5,8% so với tháng trước khi chỉ đạt hơn 626.000 lượt. Tính chung 9 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 5,68 triệu lượt, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm suốt một năm và chỉ hồi phục vài tháng trở lại đây nhưng theo các doanh nghiệp lữ hành, tình hình vẫn chưa khả quan lắm. Hiện ngành du lịch trong nước đang bước vào mùa đón khách quốc tế (kéo dài từ cuối tháng 10-11 đến tháng 4-5 năm sau) nhưng dự báo không quá lạc quan.

Đơn cử, lượng khách tàu biển của Tân Hồng năm nay dù có thêm 2 hãng tàu lớn sẽ cập cảng Việt Nam nhưng lượng khách trên một số tàu biển khác lại giảm… Chưa kể, đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa một số công ty lữ hành chuyên đón khách tàu biển nên phân khúc này năm nay sẽ kém lạc quan.

Tại tỉnh Bình Thuận, theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, khách Tây Âu có tăng nhờ tác động từ chính sách miễn visa cho 5 thị trường Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha nhưng chưa thể bù đắp được lượng khách Nga sụt giảm. “Hiện ngành du lịch Bình Thuận đang tích cực tìm kiếm thị trường mới như Ấn Độ để bớt lệ thuộc vào một số thị trường trọng điểm. Tuy nhiên, để du khách ở các thị trường mới biết đến Việt Nam thì 1-2 năm quảng bá là chưa đủ mà cần thời gian lâu hơn” - ông Khoa nói.

Cần chính sách dài hơi, ổn định

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết ngành du lịch rất hoan nghênh quy định giảm lệ phí visa vì sẽ tạo động lực để du khách quyết định đến Việt Nam. Còn quy định miễn visa cho 5 nước Tây Âu dù rất tích cực nhưng cũng chưa đủ hấp dẫn vì thời gian miễn chỉ 15 ngày, trong khi khách đến từ các điểm xa thường mua tour 30 ngày hoặc nối tour sang những nước lân cận. Do đó, ngành du lịch đã kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian miễn visa cho du khách các thị trường này.

“Đành rằng từng doanh nghiệp phải có kế hoạch tiếp cận thị trường để quảng bá nhằm thu hút khách cho mình nhưng những chính sách chung tích cực, thông thoáng của Chính phủ sẽ tác động tốt cho ngành du lịch” - bà Khánh nhận xét.

Theo các hãng lữ hành, ngành du lịch Việt Nam không chỉ cạnh tranh với các nước trong khu vực mà cả những điểm đến nổi tiếng trên thế giới. Do đó, chính sách về thủ tục xin visa, quảng bá, kích cầu cần ổn định và dài hơi mới tạo được động lực cho ngành. Ngay như chính sách miễn giảm visa muốn hiệu quả, ngành du lịch phải quảng bá cả năm trời ở các thị trường xa mới hy vọng “khách vào nhà”. Bởi miễn giảm visa không phải là “phép mầu”, có tác động ngay lập tức.

“Nhìn sang nước bạn Campuchia, phí visa của họ rất ổn định (sau gần chục năm mới tăng từ 20 USD lên 30 USD/khách). Ngược lại, bên cạnh phí visa, du khách muốn vào Việt Nam còn phải mất thêm khoản phí dịch vụ để làm thủ tục xin duyệt thị thực nên đã đẩy giá tour lên cao” - giám đốc một công ty lữ hành phàn nàn.

Quà lưu niệm đặc trưng

Sở Du lịch TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP vừa trao giải cho 8 mẫu sản phẩm lưu niệm đặc trưng của TP, trong đó một số sản phẩm đã được doanh nghiệp đặt hàng sản xuất để bán cho du khách.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP, lượng du khách trong và ngoài nước đến TP ngày càng nhiều nhưng những điểm mua sắm quà lưu niệm chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương. Do đó, một cuộc thi thiết kế những sản phẩm lưu niệm đặc trưng đã được tổ chức nhằm tạo sản phẩm phù hợp với nhu cầu mua sắm của du khách. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đoạt giải được làm từ nhiều chất liệu như gốm, cói, giấy, vải… góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch TP đến với khách nước ngoài.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích