Nghị lực phi thường của nữ giáo sư

Thứ bảy, 24/10/2015, 14:01
Nỗ lực hết mình cho những đam mê, tân GS Lê Thị Thanh Nhàn đã nhận về những trái ngọt mà bà xứng đáng được hưởng  

GS Trần Văn Nhung, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, không giấu được sự cảm phục khi nhắc đến Lê Thị Thanh Nhàn, người vừa được công nhận chức danh giáo sư 2015. “Toán học thường là lĩnh vực của đàn ông vì nó khô khan, khốc liệt. Phụ nữ nghiên cứu toán, đặc biệt trong điều kiện như GS Nhàn, phải là người có nghị lực phi thường và tư duy “ghê gớm”. GS Nhàn là người phụ nữ rất đặc biệt” - GS Nhung nhận xét.

Vượt qua đau khổ

Cùng nghiên cứu về toán học, GS Trần Văn Nhung cho rằng: “GS Hoàng Xuân Sính được phong giáo sư năm 1980, mãi đến 35 năm sau, Việt Nam mới có một nữ giáo sư toán thứ hai, đủ biết đoạn đường ấy dài như thế nào”.

GS Lê Thị Thanh Nhàn Ảnh:THÁI NGUYÊN
Đoạn đường ấy, quả thực rất dài, đặc biệt với GS Lê Thị Thanh Nhàn, bởi bà đã phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác. Sinh ra trong gia đình nghèo có 5 người con, quê gốc Thừa Thiên - Huế nhưng nhà toán học Lê Thị Thanh Nhàn lại lớn lên ở miền núi Việt Bắc. Một đồng nghiệp của bà kể lại năm 1985, khi học lớp 9, bố của bà ở Huế bị ốm nặng. Mẹ bà phải bán nhà và ứng trước nhiều tháng gạo bao cấp của cả nhà để có tiền cùng các con về Huế chăm lo cho chồng. Lúc đó, Nhàn ở lại Thái Nguyên trong căn nhà đã bán, bắt cua, cất vó, kiếm củi, trồng rau, mót lúa... để tự mưu sinh và học tập.
Vất vả nhưng ngọn lửa đam mê toán học vẫn cháy bỏng trong Nhàn. Thi đỗ vào Khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc, sống trong những năm tháng khó khăn nhưng cô sinh viên Nhàn lại ấm áp trong tình yêu thương, sẻ chia của thầy cô và bạn bè. Khi biết cha mất nhưng không có điều kiện về chịu tang, kỳ nghỉ hè năm học thứ nhất, bạn bè cùng lớp đã mua tặng Nhàn vé xe lửa để về quê thăm mộ cha.

Tốt nghiệp đại học và được giữ lại Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc, giảng viên Lê Thị Thanh Nhàn mơ ước được làm nghiên cứu sinh để thỏa lòng say mê học toán của mình. Mơ ước ấy đã được người chồng, cũng là giáo viên dạy tiếng Anh cho bà, nhiệt tình ủng hộ. Chính ông đã thuyết phục GS-TSKH Nguyễn Tự Cường, Viện Toán học, nhận vợ mình làm học trò và hướng dẫn làm luận án tiến sĩ.

Trước đề nghị này, GS Cường lưỡng lự, bởi sợ một nữ sinh viên miền núi khó có thể hoàn thành một công việc quá lớn lao. Tuy nhiên, bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với 6/7 phiếu xuất sắc, được thầy Cường đánh giá là học trò giỏi nhất. Bốn năm sau, năm 2005 với nhiều đóng góp có giá trị về lĩnh vực đại số giao hoán trong làng toán Việt Nam và quốc tế bằng nhiều bài báo khoa học có giá trị, Lê Thị Thanh Nhàn trở thành PGS trẻ nhất nước.

Cống hiến cho quê hương

Trân trọng tài năng của GS Lê Thị Thanh Nhàn, nhiều viện toán học, vật lý của Pháp, Ý, Thụy Sĩ… đã mời bà sang nghiên cứu. Tuy nhiên, bà từ chối bởi muốn gắn bó với nơi mình đã lớn lên và trưởng thành.

Để cập nhật và tích lũy kiến thức, từ nhiều năm nay, năm nào GS Nhàn cũng dành thời gian để đi nghiên cứu và báo cáo kết quả, tham dự các hội nghị ở nước ngoài. Giáo sư đã có hàng chục bài báo và nhiều công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực đại số giao hoán, trong đó có 16 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Bà cũng được mời làm phản biện cho các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.

Không chỉ nghiên cứu khoa học, GS Nhàn còn đảm đương tốt nhiệm vụ của một nhà giáo, mỗi năm đứng lớp khoảng 300 giờ giảng. “Đại thi hào người Ấn Độ Tagore từng nói đầu tư vào người đàn ông, ta được một người chồng tốt; đầu tư vào một người phụ nữ, ta được một gia đình tốt; đầu tư vào một nhà giáo, ta được một thế hệ tốt. GS Nhàn vừa là một phụ nữ, một nhà giáo, lại rất xinh đẹp, vì thế có ảnh hưởng rất lớn đối với gia đình và xã hội” - GS Trần Văn Nhung nhìn nhận.

Điểm tựa vững chắc

GS Nhàn tâm sự: “Nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có gia đình, là một thử thách gian lao. Bởi ngoài công việc xã hội, chúng tôi còn phải đảm đương thiên chức của người phụ nữ. Công việc gia đình, cơ quan, xã hội đã chiếm hầu hết thời gian của chị em. Nếu không có lòng say mê khoa học, không có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của người thân, đặc biệt là chồng con, thì người phụ nữ khó lòng có thể yên tâm nghiên cứu khoa học. Để có được sự đóng góp dù là nhỏ cho khoa học thì phụ nữ chúng tôi phải đổi bằng sự hy sinh của chính mình và của người thân”.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn