Quyền Linh: người đàn ông của nghị lực

Chủ nhật, 12/01/2014, 08:38
Sài Gòn ngày cuối năm gió hiu hiu lạnh, Quyền Linh dẫu bận tối mắt tối mũi vẫn dành cho tôi một cái hẹn rất thư thả về thời gian. Bởi: “Hẹn em nhiều lần quá, anh ngại ghê”…

Quyền Linh chạy xe cà tàng, áo sơ mi giản dị, anh bảo anh thích thế, vì dù sống ở phố đã bao nhiêu năm nay anh vẫn nhớ da diết những khuôn mặt nồng hậu chốn quê xưa, nhớ những người nông dân chân lấm tay bùn, và đau đáu không biết làm sao để họ được đổi đời mà vẫn được bám vào đất mẹ. Chiều cuối năm với Quyền Linh là những nỗi niềm nhuốm màu hoài niệm như thế…

Tuổi thơ khốn khó

Quyền Linh kể, hồi xưa nhà anh ở giữa đồng, bốn bề là biển lúa. Nhà Quyền Linh nói là cái nhà, chứ thật ra gọi là cái chòi cũng đúng, vì che nắng được chứ chẳng thể che mưa. Quyền Linh lớn lên đã thấy một mình mẹ gồng gánh nuôi 3 anh em trai. Chưa bao giờ anh nghe về người cha của mình cả. Một thời gian sau, mẹ anh tái giá cùng một người đàn ông cũng đồng cảnh neo đơn như mẹ.

Mẹ Quyền Linh sinh thêm 3 đứa con nữa, thành ra nhà có đến 8 miệng ăn và anh có đến 5 người em. Quyền Linh hướng mắt về xa xăm, như khoảng trống kia kéo ký ức ùa về, cứ tĩnh lặng như thế và anh đều đều kể:

“Thời đó khó quá, Linh xin má nghỉ học cho rồi. Chứ nhà ăn còn chưa đủ no, lấy gì cho mình học đây. Linh học đến lớp 9, nhà có thằng em học lớp 6, mình định nghỉ, ở nhà phụ má nhường phần đi học cho thằng em. Nhưng mà, Linh được đi học tiếp bằng một lý do mà nghĩ lại thấy xót lòng ghê gớm”.

Cuối cùng, Quyền Linh vẫn được tiếp tục đến trường, vì mẹ anh bảo rằng: “Thôi, con học đến lớp 9 rồi, đường đến ngày thành tài cũng ngắn hơn em con vài năm”. Vậy là người em trai kế của Quyền Linh phải nghỉ học, anh mang cặp sách mà nghe nặng từng bước chân.

Quyền Linh cứ thế cõng ước mơ của cả gia đình đến lớp, nhưng thật sự chính Linh lúc ấy cũng không thể biết là sau này mình sẽ làm gì, sẽ trở thành ai. Học gần xong phổ thông, mà Linh cũng không thể tìm được cho mình một lời giải đáp thỏa đáng. Bỗng đâu có một đoàn tuyển sinh của Trường Sân khấu điện ảnh ở thành phố xuống. Quyền Linh tình thiệt tâm sự, lúc đó chính anh cũng chưa biết, sân khấu điện ảnh là cái gì, thấy bạn bè đăng ký ầm ầm, anh cũng mon men xin dự thi.

Quyền Linh cười thật hiền: “Thi xong Linh quên tuốt luốt luôn. Nào ngờ 3 tháng sau có giấy báo trúng tuyển về trường, người ta nói Linh đậu rồi. Trời ơi, mừng gì mà mừng ghê gớm luôn. Vì lúc đó ngỡ đâu làm diễn viên sân khấu, điện ảnh là đổi đời rồi nha. Đêm nào Linh cũng mơ mình làm diễn viên nổi tiếng. Má thì lúc nào cũng chọc ghẹo sau này mua tivi, xe hơi chở má đi. Cả nhà ai cũng nôn nao mừng cho Linh hết”.

Rồi ngày đi cũng đến, ngặt nỗi nhà nghèo quá, nên có cái mùng vá chắc cũng vài chục chỗ má cũng gói ghém cho Quyền Linh. Nhìn cái mùng Linh tủi quá suốt mấy năm đại học chưa bao giờ dám lấy ra dùng. Mẹ Quyền Linh còn đem bán cả cái radio, tài sản quý giá nhất của gia đình để lấy tiền mua cho anh đôi dép Lào, với cái nồi mới. Gói ghém tất cả những tình thương, kỳ vọng mà ba mẹ đã dành cho Linh, anh nghẹn ngào chực khóc trước ngày đi. Và tự hứa chưa có công danh, sẽ chưa trở về. Nhưng đời, vốn dĩ không là mơ bao giờ…

Đường công danh lận đận

Quyền Linh lên thành phố, hết ngỡ ngàng vì sự xa hoa tráng lệ của “hòn ngọc viễn đông”, lại ngạc nhiên vì Trường Sân khấu – điện ảnh gì mà hoang tàn quá. Quyền Linh dí dỏm kể lại: “Trời ơi, hồi đó vì Linh ở dưới quê mà, nên lúc nào cũng tưởng Trường Sân khấu – điện ảnh phải hoành tráng lắm, lộng lẫy lắm. Vì diễn viên, ca sĩ này nọ ai ai cũng xa hoa… Vậy mà, lúc Linh vô, trường còn đang xây, cũ kỹ lắm, nhìn rất buồn. Khu ký túc Linh ở còn ghê hơn”.

Ngày đó, không được gia đình chu cấp nhiều, Quyền Linh thiếu ăn nên ốm nhom, ốm nhách, bạn bè cứ gọi chết tên là “Linh ống hút”. Linh làm đủ thứ nghề, từ giữ xe, chạy bàn đến mức đầu tư cả một cái bơm xe đạp để bơm hơi dạo. Nhưng cạnh tranh không lại những tiệm sửa xe hoành tráng, Linh lại phải bán ống bơm đi.

Anh chuyển sang nghề … lượm ve chai, lông vịt. Những chai lọ, bọc mủ của bạn cùng ký túc vứt ra, Linh đều nhặt lại hết, rồi đem bán. Có bận, mỗi sáng sớm anh lại ra chợ Cầu Muối, chờ xe chở hàng rau củ trờ tới là đến phụ vác, phụ sắp hàng. Quyền Linh kể, anh không lấy công, chỉ xin ông chủ cho mấy thứ rau củ hư úng, bỏ đi. Được bao nhiêu Linh mang về, rửa gọt rồi lại trải bạt đem bán.

Quyền Linh ngùi ngùi nhớ lại: “Có khi bạn bè đi ngang, Linh chỉ dám kéo vành mũ xuống thật thấp. Thiệt ra mà nói, Linh không nhớ nổi mình đã tủi phận bật khóc bao nhiêu lần trước cổng chợ mù mưa”. Cái nghèo cứ lẽo đẽo theo bám rịt lấy Quyền Linh, giằng hoài không dứt.

Rồi cũng hết 5 năm sinh viên gian khó, tưởng đâu “khổ tận cam lai”, nào ngờ là “họa vô đơn chí”. “Ngày tốt nghiệp, cũng là ngày Linh lãnh luôn cái bằng thất nghiệp” – anh cười thật hiền, nói chẳng muốn nhớ tới những ngày tháng cùng cực ấy nữa. Gọi là cùng cực, vì còn khổ hơn cả thời sinh viên. Bởi, sinh viên còn được ở ký túc, còn hết học thì tất nhiên … bị đuổi, nhưng Quyền Linh … không đi. Vì anh đâu có tiền để thuê phòng trọ ngoài.

Lại cười hóm hỉnh, Quyền Linh kể: “Ở chui, nên mỗi lần bảo vệ lên kiểm tra phòng, Linh cứ phải trốn loanh quanh, có khi chui vào phòng vệ sinh, hay trùm mền giả đò ngủ… Nghĩ lại sao mà thấy cực quá”. Có khi bị phát hiện, Quyền Linh không biết đi đâu về đâu đành lủi thủi nằm co ro trên ghế đá. Trong giấc ngủ nghẹn ngào, anh lại thốt lên: “Trời ơi, sao khổ dữ vầy nè”.

Linh tâm sự: “Những lúc đó, Linh nhớ má lắm, rồi lại nghĩ đến 5 đứa em một phần vì mình mà dở dang chuyện học. Bao nhiêu tình thân đó, nhắc mình phải gượng dậy”. Nhưng rồi không thể nào chịu nổi cái đói, sự buồn bã cứ day dứt trong lòng cậu thanh niên mới trưởng thành mà … thất nghiệp. Linh quyết định bỏ để về quê, định bụng làm nông dân cho rồi. Linh về nhà, mẹ anh buồn lắm, nhưng không nói gì, vì bà biết, Quyền Linh chắc cũng đã hết cách rồi.

Được mấy ngày, Linh lại bỏ nhà đi, bởi… nhà hết gạo. Quyền Linh kể mà chất giọng buồn xo: ‘Linh về một ngày thì bữa ăn của các em lại bớt đi một xíu. Có hôm thấy má đi mượn gạo, vậy là khuya đó, Linh bỏ đi luôn”.

Trở lại thành phố, Quyền Linh vẫn sống lay lắt như thế. Vài tháng sau có cuộc thi tuyển vào các đoàn nghệ thuật, Quyền Linh đậu vào đoàn hát Kim Cương. Những tưởng ngon lành hơn rồi, nào ngờ cũng chỉ được đóng vài ba vai lắt nhắt, xếp ghế, chạy đèn, ai gọi “Quân hầu”, thì Linh “Dạ!”, rồi thôi. Tiền thù lao đủ mua hai gói xôi với ly nước mía.

Quyền Linh chia sẻ: “Chắc là tổ còn đãi, người còn thương, nên đang khi Linh gói ghém tính chuyến này về quê ở luôn thì cô Kim Cương gọi bảo thế vai Chu Xung cho anh Lâm Hùng trong vở Lôi Vũ.

Dạo đó, anh Hùng bận đi nước ngoài. Linh không còn nhớ nỗi lúc đó mình đã phản ứng như thế nào nữa, chỉ biết là bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu kiến thức cũng như những gì tôi đã lĩnh ngộ đều dồn hết vào mỗi vai Chu Xung”. Thế là Linh đã được đóng những vai “được được” hơn một chút. Dẫu chưa nổi tiếng là bao, nhưng cuộc sống của anh cũng đỡ bớt đôi phần. Nhưng mà nghề bạc, lòng người cũng bạc…

Bén duyên cùng điện ảnh

Quyền Linh cứ diễn và cống hiến cho sân khấu như thế cho đến một ngày anh nhận ra mình không là cái gì cả. Linh kể lại, bận ấy, mẹ anh cùng người bà con lặn lội lên thành phố để thăm Linh. Đêm đó, anh có suất diễn ở Gò Vấp. Khỏi phải nói, cũng biết mẹ Quyền Linh hồi hộp như thế nào để được nhìn con trên sân khấu.

Trong lòng Quyền Linh cứ chắc mẩm phen này mẹ anh được coi anh diễn, được lấp lánh tự hào vì cuối cùng thằng con cũng thành tài. Thế nên: “Tập xong, Linh liền chạy đến xin trưởng đoàn cho cái vé để tối nay má được vào cửa. Như người đang nhảy chân sáo bị dẫm phải cái gai dài nhọn, mình tủi đến thắt lòng khi trưởng đoàn từ chối và nói gì đại loại như: “Cỡ như em chưa được quyền có vé mời đâu”.

Đau lắm chứ, tôi nhận ra rằng, có thể họ nói đúng, mình chưa thành công, thì chưa được quyền đòi hỏi”. Quyền Linh ngậm ngùi trở về, bảo với mẹ anh là: “Má ơi, tối cúp điện rồi, không diễn được”. Đêm đó, Linh cố gắng hoàn thành vai diễn mà lòng thì xót đến thắt ruột khi nghĩ về người mẹ cứ tiếc hùi hụi vì tối nay cúp điện không thể coi con trai lên sân khấu. Diễn xong, Linh xin bỏ đoàn, rồi bỏ luôn sân khấu…

Quyền Linh chuyển sang đóng phim, lại chết vai quần chúng. Quyền Linh tình thiệt: “Linh đóng quần chúng nhiều đến mức có hôm đạo diễn đuổi mình khỏi phim trường vì cái tội: “Sao mặt thằng này lên phim hoài vậy, cảnh nào cũng có là sao?”. Nhưng Quyền Linh không bỏ cuộc, anh vẫn tích cực đóng vai quần chúng để cầu mong một ngày nào đó cơ hội sẽ mỉm cười với mình.

Linh tâm sự: “Thế rồi, tôi cũng làm được. Tôi nhận ra rằng, cứ sống tích cực, nhiệt tình thì vận may sẽ đến. Tôi được chọn vào vai chính trong phim nhựa Người Hà Nội cũng vì anh Hoàng Tích Chỉ thấy tôi… “nhiệt tình, việc gì cũng làm, không ngại khổ, không ngại khó”. Ảnh đâu có biết, người như tôi còn việc gì là khổ, là khó nữa đâu.

Và chính nhờ cái lẽ không ngại khổ, không ngại khó mà Quyền Linh cứ liên tiếp thành công. Không những trong sự nghiệp mà trên cả đường đời Linh đã tìm được người có thể cùng anh san sẻ ngọt bùi. Hai đứa con gái thông minh, xinh xắn lại là động lực để Linh cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa. Nhưng dẫu sống trong xa hoa, tiền bạc đủ đầy thì Linh vẫn đau đáu trông về vùng quê nghèo khó mà anh đã sinh ra. Quyền Linh luôn suy nghĩ rằng tại sao người nông dân không thể nào giàu có hơn dù đất chẳng bao giờ phụ người. Dễ hiểu thôi, vì người rất dễ phụ người.

Cuối năm, lịch chạy show dày đặc, Linh vẫn dành thời gian để cùng tham gia những chuyến từ thiện đến các vùng quê nghèo khó. Ở con người giản dị đó, cái khó cái khổ đã trui rèn nên bản lĩnh của người nghệ sĩ, vững vàng trước những chiêu trò, và sống giản dị đầy tình người như một người hoạt động nghệ thuật chân chính.

Theo Dòng Đời

Các tin cũ hơn