Thiệu Dật Phu: Từ chiếu phim lưu động đến ông trùm phim chưởng Hong Kong

Thứ sáu, 10/01/2014, 13:52
Hơn một thế kỷ, Thiệu Dật Phu đã sống cuộc đời vẻ vang, để lại cho thế hệ muôn đời sau những cống hiến vĩ đại bằng tất cả tâm huyết của ông.
Sáng ngày 7/1, giới nghệ sĩ và người làm phim ở Hong Kong không khỏi chết lặng trước sự ra đi đột ngột của ông Thiệu Dật Phu. Hàng loạt tờ báo đăng tải bài viết về ông, các website tra cứu thông tin liên quan đến ông đồng loạt chuyển sang phông nền màu tang tưởng niệm.
Hẳn phải là con người có tài, có tâm lắm, mới được cả xã hội kính nể và yêu thương đến như thế! Bên cạnh chức danh ông chủ TVB như nhiều người vẫn biết, Thiệu Dật Phu còn là người có công sản xuất ra bộ phim có tiếng nói đầu tiên của điện ảnh Trung Hoa, cũng là ông trùm tạo nên thời đại hoàng kim cho dòng phim võ hiệp nức tiếng của Hong Kong những thập kỷ trước.
Sự ra đi của Thiệu Dật Phu để lại bao tiếc nuối và xót xa trong lòng công chúng
Từ rạp chiếu bóng lưu động đến bộ phim có tiếng nói đầu tiên
Thiệu Dật Phu sinh năm 1907, là con trai thứ sáu trong một hào môn gia tộc có tám người con tại Thượng Hải. Năm 19 tuổi, thay vì kế tục gia sản kinh doanh hóa chất nhuộm của cha mẹ, Thiệu Dật Phu lựa chọn đi theo con đường điện ảnh mà ông tràn đầy hứng thú. Cùng với người anh trai thứ ba, ông mang theo chiếc máy chiếu phim không tiếng cũ rích, đi tới mọi ngóc ngách thôn quê của vùng Nam Dương để chiếu phim lưu động phục vụ bà con, dưới danh nghĩa công ty phim Thiên Nhất.
Thiệu Dật Phu thời trẻ
Anh em nhà họ Thiệu có công lao to lớn đối với sự ra đời của điện ảnh Trung Quốc
Sau hai năm thành lập, Thiên Nhất làm ăn ngày càng phát triển, anh em Thiệu Dật Phu quyết định hùn vốn mở Công ty anh em Thiệu Thị, đặt trụ sở tại Singapore.. Khoảng thời gian năm 1929 – 1933, khủng hoảng kinh tế của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực trạng kinh doanh của thế giới.
Hàng loạt hãng phim và rạp chiếu bóng buộc phải đóng cửa, song anh em nhà họ Thiệu vẫn kiên quyết đứng vững trong nghề. Vốn là người có tầm nhìn nhạy bén với thời cuộc, Thiệu Dật Phu nhận ra, cho dù bản thân đã sở hữu “cơ ngơi” điện ảnh ở Nam Dương, thì anh em ông vẫn dễ dàng bị đào thải trước sự lên ngôi của dòng phim có tiếng của Mỹ.
Không phân vân quá nhiều, Thiệu Dật Phu đầu tư mua thiết bị, thực hiện bộ phim có tiếng nói đầu tiên cho người Trung Quốc. ”Hiện giờ, ai cũng khó khăn, không dám quay phim có tiếng. Chúng ta sản xuất loại phim đó vào lúc này chẳng phải là đi trước người ta một bước?”, ông Thiệu thuyết phục những người đồng nghiệp.
Để giải quyết vấn đề về nhân lực và tài chính, Thiệu Dật Phu đích thân lo liệu mọi khâu từ kịch bản, đạo diễn cho đến sản xuất. Không phụ lòng tâm huyết của ông, Bạch kim long khi ra mắt vào năm 1932 đã tạo được sự thích thú kỳ lạ cho người xem, trở thành động lực để anh em nhà họ Thiệu tiếp tục phát triển sự nghiệp.
Cha đẻ của Hollywood phương Đông
Thiệu Dật Phu được biết đến như cha đẻ của phim võ hiệp Hong Kong
Thập niên 50 của thế kỷ trước, Thiệu Dật Phu di dân đến Hong Kong, vừa đúng lúc nền kinh tế của thành phố này gặp vận phất lên nhanh chóng. Vẫn đau đáu suy nghĩ cho sự nghiệp điện ảnh dang dở từ lúc trước, ông chủ Thiệu mạnh tay chi tiền mua khoảng đất địa thế đẹp, thành lập Công ty TNHH anh em Thiệu thị Hong Kong.
Quản lý hơn 1300 nhân viên và nghệ sĩ, sản xuất hơn 1000 đầu phim đủ thể loại, sở hữu hơn 100 rạp chiếu bóng, hãng phim Thiệu Thị chẳng mấy chốc tìm được chỗ đứng vững vàng trong ngành điện ảnh và được mệnh danh là Hollywood của phương Đông.
Thiệu Dật Phu (thứ ba từ trái sang) chụp hình cùng siêu sao Lý Tiểu Long
Nắm bắt được thị hiếu của khán giả đương thời, Thiệu Dật Phu lấy phim võ hiệp làm trọng điểm sản xuất, mở ra thời kỳ hoàng kim cho thể loại này trên ảnh đàn Hong Kong. Hàng loạt tác phẩm kiếm hiệp gắn liền với những tên tuổi Trương Triệt, Ngô Vũ Sâm, Lưu Gia Huy, Khương Đại Vệ… đã làm mưa làm gió ở các rạp chiếu từ Bắc đến Nam, in sâu vào trí nhớ người yêu điện ảnh châu Á một mảng ký ức khó phai mờ.
Kỳ tích của truyền hình Á châu
Năm 1967, Thiệu Dật Phu cùng hai người bạn góp vốn thành lập đài TVB và đến năm 1980, ông trở thành cổ đông lớn nhất của hãng truyền hình này. Thời gian đầu mới ra mắt, TVB có phần lép vế trước đối thủ dạn dày kinh nghiệm ATV, nhưng với những đường lối kinh doanh sáng suốt của Thiệu Dật Phu, nhà đài nhanh chóng trở thành hãng phim bề thế không chỉ ở thị trường Hong Kong.
Năm 1972, Thiệu Dật Phu quyết định khai giảng khóa đào tạo diễn xuất dưới trướng TVB, nơi đào tạo ra vô số nhân tài cho truyền hình và điện ảnh Hoa ngữ sau này như Lương Triều Vỹ, Lưu Đứa Hoa, Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát… Nhóm Ngũ hổ tướng lẫy lừng trên màn ảnh về sau cũng do một tay ông huấn luyện nên.
Trong suốt hơn 40 năm qua, Thiệu Dật Phu mỗi ngày đều đồng hành cùng sự phát triển của TVB. Cho dù về sau, sức khỏe của ông không còn tốt như trước, ông vẫn trực tiếp điều hành công việc kinh doanh và đều đặn xuất hiện khai tiệc cho buổi lễ sinh nhật hằng năm của đài.
Cuộc tương phùng của tri kỷ
Ngay từ lần đầu gặp gỡ vào năm 1952, Thiệu Dật Phu và Phương Dật Hoa đã cảm thấy vô cùng tâm đầu ý hợp, nhưng vì ông Thiệu khi đó đã có gia đình, nên đôi bên chỉ có thể kết bạn tâm giao. Mấy chục năm sau đó, bà Phương Dật Hoa luôn ở bên phụ giúp công việc làm ăn, trở thành cánh tay phải đắc lực của ông Thiệu. Cho tới năm 1997, 10 năm sau khi người vợ đầu của Thiệu Dật Phu qua đời, ông bà mới được danh chính ngôn thuận trở thành vợ chồng. Khi đó, Thiệu Dật Phu bước sang tuổi 90, còn Phương Dật Hoa cũng đã 63 tuổi.
Bà Phương Dật Hoa luôn đồng hành cùng ông Thiệu Dật Phu cho tới những ngày cuối cùng của cuộc đời
Trong khi cuộc sống vợ chồng viên mãn, trọn vẹn, thì Thiệu Dật Phu lại không được hưởng phúc về đường con cái. Sau ngày vợ cả của ông mất, các con lần lượt rời xa ông. Sau này, cũng không có người con nào sẵn sàng thừa kế sản nghiệp khi ông tuổi già sức yếu, nên cả hãng phim Thiệu Thị và đài TVB đều đành phải bán lại cho người ngoài.
Tinh thần Thiệu Dật Phu
Là ông chủ lớn sở hữu khối tài sản kếch xù, nhưng Thiệu Dật Phu bao năm nay luôn giữ cho mình phong cách sống khiêm tốn và thân thiện. Những gì ông để lại cho cuộc đời này không phải chỉ có những thành tựu điện ảnh, mà quan trọng hơn, là một tinh thần sống.
Thiệu Dật Phu sở hữu nhiều rạp chiếu phim nhất trong cộng đồng người Hoa, cùng cơ sở sản xuất phim quy
mô hàng đầu châu Á. Ông cũng là người giữ chức CEO lâu năm nhất trong lịch sử thương trường
và có nhiều đóng góp tích cực với sự nghiệp hoạt động công ích
Mấy chục năm qua, mỗi ngày ông Thiệu đều đặn xem một bộ phim, tạo cho bản thân thói quen phân tích điểm hay, điểm yếu của từng tác phẩm. Ông cũng tinh thông mọi kỹ năng làm phim, từ viết kịch bản, làm đạo diễn cho tới cả hóa trang và dựng phim. Ông tự nhận mình là người cầu toàn, bất luận công việc gì cũng đòi hỏi sự chu toàn tới từng chi tiết. Đó có lẽ chính là mấu chốt làm nên sự nghiệp thành công và vẻ vang mà người đời ai cũng ngưỡng mộ.
Theo Depplus

Các tin cũ hơn