7 năm trước, Nguyễn Thanh Thủy học ở một trong những trường tốt nhất Singapore theo học bổng của Bộ Ngoại giao nước này. Cô làm việc tại đây 3 năm trước khi về Việt Nam làm cho một công ty nước ngoài ở TP.HCM.
Cô đi lại giữa TP.HCM và Singapore khá thường xuyên và hay ở lại quốc đảo này 3-10 ngày dự các cuộc họp hoặc tập huấn.
Ít hôm trước, khi tới Singapore họp, Thủy bị hải quan sân bay nước này giữ lại. Cô cho biết, mình cùng một số cô gái Việt Nam khác bị đối xử thô lỗ và quá đáng.
"Khoảng 2h30 sáng hôm đó, tôi vẫn ngồi trong phòng chờ ICA. Nó là căn phòng nhỏ sơn màu vàng với khoảng 10 chiếc ghế cứng và một máy tính để bàn", Thủy kể.
Cô cho biết, căn phòng khá quen thuộc với cô. Mỗi lần bay sang Singapore, 90% lý do khiến cô phải vào căn phòng này là bởi tên họ trong hộ chiếu và hồ sơ "đáng ngờ": Nữ du khách trẻ và hấp dẫn đến từ một quốc gia đang phát triển.
"Khoảng 20 người đến đây từ lúc nửa đêm, khi máy bay hạ cánh. Sau vài giờ, số người trong phòng ít dần. Cuối cùng, chỉ 5 người sót lại", cô chia sẻ.
3h sáng, mọi người đều kiệt sức. Trong lúc chờ đợi, Thủy lấy iPad ra chơi game để giết thời gian. Đột nhiên, một nhân viên xuất hiện và bắt đầu cao giọng với cô.
"Cô không không được dùng thứ đó ở đây", người đàn ông tên Tan hét lên vì cho rằng Thủy dùng iPad để chụp ảnh.
Sau một hồi tranh cãi, ông ta nói: "Vậy cô muốn tôi phỏng vấn hay gửi cô về?".
"Tất nhiên tôi muốn ông phỏng vấn", cô trả lời. Nghe vậy nhưng ông ta vẫn cố nói: "Cô muốn thì tôi trả về ngay".
“Không, tôi muốn ông phỏng vấn. Tôi đã chờ ở đây rất lâu và ông không hề gọi. Tôi có thể làm gì đây?”, Thanh Thủy nhấn mạnh.
Thủy cho biết, lúc đó, cô cảm thấy rất bực. Tuy nhiên, số phận của cô đang nằm trong tay của người đàn ông này. Vì vậy, cô đi theo Tan vào phòng phỏng vấn.
"Sau 2 phút phỏng vấn, ông ta không hỏi tôi nhiều lắm và đi ra ngoài. Lúc đó, cơn ác mộng của tôi bắt đầu", cô chia sẻ.
Sân bay Changi của Singapore. Ảnh: Straitstimes |
Nhân viên sân bay nhốt Thủy và 4 cô gái khác trong phòng và không thông báo bất cứ điều gì. Cô cung cấp cho nhà chức trách tên ông chủ của cô nhưng điều đó cũng vô ích.
"Nếu họ kiểm tra mọi thứ, họ sẽ thấy hồ sơ của tôi trong sạch. Tuy nhiên, 1 tiếng nữa trôi qua và tôi biết số phận của mình đã được quyết định", cô nói.
Chia sẻ với bạn bè, Thủy cho hay, khoảng 4h30 sáng, nhiệt độ trong phòng khá thấp. Tất cả các cô gái cùng rúc vào một góc trên sàn nhà và cố gắng ngủ.
"Tôi thấy chúng tôi chẳng khác gì những con gián", cô viết.
Một cô gái cố gắng xin đi vệ sinh nhưng không ai trả lời. 10 phút sau, một phụ nữ lớn tuổi xuất hiện và mắng: “Lúc người khác đi sao cô không đi?”.
4h45, nhân viên sân bay đưa các cô gái đến một nơi khác - Cơ quan an ninh ICAO. Tại đây, họ thu toàn bộ hành lý và cất vào tủ. Một phụ nữ kiểm tra người rồi tống các cô vào căn phòng nhỏ có 4 chiếc giường tầng.
"Không gian rất bí và chỉ có chiếc quạt nhỏ. Chiếc giường như sắp sập khi tôi trèo lên trong khi tôi chỉ nặng 40 kg. Sau đó, cô ta nói: 'Ngủ đi'", Thủy kể.
Với kinh nghiệm, cô biết chuyến bay đầu tiên của Jetstar từ Singapore đến Việt Nam cất cánh lúc 7h10. Hải quan Singapore có thể đưa các cô lên chuyến bay đó, trả về Việt Nam. Vì thế, các cô không còn nhiều thời gian để ngủ.
Khoảng 5h30, nhân viên sân bay lại đánh thức họ và đòi trả tiền thuê phòng cũng như dịch vụ “hộ tống”.
“Hai tiếng trên giường, tại một vị trí hoàn hảo của văn phòng di trú sân bay Changi, với phương tiện tuyệt vời và cảnh quan tuyệt đẹp, mỗi người chúng tôi phải trả khoảng 75 USD. Dịch vụ hộ tống là 36 hay 72 USD gì đó", Thủy tiết lộ.
Vì cô là người duy nhất biết tiếng Anh trong số những người Việt Nam bị trả về nên một phụ nữ bước tới và yêu cầu cô đóng phí. Khi cô hỏi nếu những người khác không đủ tiền, người phụ nữ này lấy vài bản photo tờ khai và đưa cho họ ký.
"Tờ khai ghi rõ nếu chúng tôi không đủ tiền mặt thanh toán các dịch vụ, hãng hàng không sẽ phải chịu trách nhiệm. Và tại thời điểm đó, sau 6 tiếng, họ không hề đưa thức ăn hay nước uống cho chúng tôi. Các cô gái trông rất phờ phạc", Thủy chia sẻ.
Sau khi hoàn tất thủ tục, mọi người trở về phòng. Thủy cho hay, những nhân viên sân bay chỉ nói: "Vietnam! Go!" - như một cái tên mặc định cho các cô.
5 cô gái bị tống ra máy bay để trả về Việt Nam. Nhà chức trách ghi lại tên và số hộ chiếu của họ vào hồ sơ.
"Tôi cảm thấy nhục nhã khi họ đối xử với chúng tôi chẳng khác một con vật, không có bản sắc, hoàn toàn vô danh, bị dẫn độ và áp giải", người từng giành được học bổng của Bộ Ngoại giao Singapore nói.
Cô cho hay, qua chuyện này, cô cảm thấy buồn nhưng cũng mừng cho các cô gái bị bắt cùng mình. Họ không hiểu tiếng Anh, không biết những hành động của nhân viên sân bay là hành vi phân biệt đối xử.
"Những nhà chức trách đó tự cho họ đặc quyền được lăng mạ, chế nhạo và đe dọa những cô gái tội nghiệp. Các cô ấy không biết những lời nói đó là gì, họ chỉ có thể bối rối và sợ hãi. Đó là 12 giờ kinh hoàng của tôi", Thủy kể.
Thanh Thủy cho biết, việc nói ra câu chuyện này không nhằm chống lại Singapore cũng như ICA. Đối với cô, đó là một trải nghiệm, một bài học.
Tình trạng Singapore không cho nhiều phụ nữ Việt Nam nhập cảnh đã xảy ra từ lâu. 6 tháng đầu năm 2015, hơn 1.500 hành khách Việt của Vietjet Air bị từ chối nhập cảnh vào Singapore mà không được giải thích rõ ràng dù xuất trình được hộ chiếu và giấy tờ tùy thân hợp lệ do các cơ quan có thẩm quyền cấp. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Singapore về vấn đề này. Tuy nhiên, phía Singapore chưa có thông báo chính thức nào. Ngày 24/8, PVđã gửi công văn tới Tổng cục Du lịch Singapore để tìm câu trả lời cho các thắc mắc của nhiều độc giả về việc bị từ chối nhập cảnh không rõ lý do và bị đối xử tệ tại sân bay. Ngày 28/8, đại diện truyền thông cho Văn phòng Tổng cục Du lịch Singapore tại Việt Nam cho hay, những câu hỏi trên đã được chuyển tiếp tới Lãnh sự quán Singapore tại TP HCM. Trước đó, PVđã nhiều lần liên lạc với Đại sứ quán Singapore và Lãnh sự quán Singapore nhưng không nhận được câu trả lời. |