Đề xuất lập khu dịch vụ nhạy cảm tại một số tỉnh

Thứ bảy, 24/10/2015, 19:28
Trước đề xuất của lãnh đạo cơ quan phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, đại diện các tỉnh thành như Nam Định, Hà Nội đều cho rằng cần thận trọng, nghiên cứu kỹ.

Sáng 23/10, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM nêu ý kiến cần quy hoạch khu vực dịch vụ nhạy cảm ở một số tỉnh thành. Nơi thí điểm là địa phương trọng điểm về tình hình mại dâm, như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...

de-xuat-quy-hoach-khu-dich-vu-nhay-cam-tai-mot-so-tinh

Ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM. 

Theo ông Quý, gom các ngành nghề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội thành một khu riêng để dễ quản lý,đảm bảo quyền lợi cho người lao động về tiền lương, bảo hiểm, sức khỏe, y tế và nhiều vấn đề khác. Qua mô hình này, các tổ chức xã hội có thể cảm hóa người bán dâm, kéo họ về với cuộc sống bình thường thông qua trợ giúp tư vấn pháp lý, hỗ trợ việc làm.

Ông Quý phân tích, việcquy hoạch này không đồng nghĩa với việc chấp nhận hoạt động mại dâm một cách hợp pháp. Pháp luậtViệt Nam không công nhận mại dâm là một nghề và đây là hoạt động vi phạm pháp luật.Muốn mô hình đạt hiệu quả thì phải có sự chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới. Việc quy hoạch sẽ vấp phải nhiều khó khăn nên cần có lộ trình cụ thể. Đến nay, TP HCM chưa có văn bản hay chương trình cụ thể. Nhưng với vai trò là cơ quan tham mưu cho thành phố, ông mạnh dạn đề xuất ý kiến và cho rằng Chính phủ, Quốc hội cần xem xét.

"Cần thay đổi quan điểm, nhận thức về công tác phòng chống mại dâm. Phảivừa làm vừa thử nghiệm thì mới biết được mô hình nó ưu - nhược đến đâu. Cứ giữ mãi quan điểm cũ phải thế này thế kia, nhưng bao nhiêu năm rồi mà công tác vẫn cứ rầy rà như thế", ông nói.

Lắng nghe ý kiến của lãnh đạo cơ quan phòng chống tệ nạn TP.HCM,đại diện Hà Nội và Nam Định cho rằng việc này cần cân nhắc kỹ.Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội đánh giá đây là một giải pháp sáng tạo. Tuy nhiên có nên xây dựng thành đề án và đưa vào thí điểm hay không thì cần thận trọng, nghiên cứu kỹ để tránh gây xáo trộn cho người dân.

"Vấn đề này có thực hiện được hay không thì phải phụ thuộc vào luật và các nghị định về phòng chống mại dâm theo hướng nào. Dù có quy hoạch hay không thì các dịch vụ nhạy cảm, hoạt động mại dâm vẫn cần kiểm soát chặt chẽ, chứ không phải chờ gom lại mới quản lý được", ông Thức nói.

de-xuat-quy-hoach-khu-dich-vu-nhay-cam-tai-mot-so-tinh-1

Nhiều cô gái ăn mặc "mát mẻ" phục vụ trong quán karaoke. Ảnh: Quốc Thắng.

Ông Đỗ Đức Nguyên, Chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Nam Định phân tích,điều chuyển cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ biến tướng thành hoạt động mại dâm vào một khu vực có thể dễ quản lý hơn. Nhưng việc này sẽ gây xáo trộn cho người dân đang sinh sống trên địa bàn lẫn người chuyển đến khu vực dịch vụ nhạy cảm. Đối với Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung thì đây là vấn đề cần có thời gian trao đổi, nghiên cứu kỹ hơn.

Chung quan điểm với lãnh đạo Hà Nội và Nam Định, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng "đề xuất trên cần tính toán kỹ hơn". Các địa phương đang loay hoay tìm nhiều giải pháp cho công tác phòng chống mại dâm, nhưng thửhình dung nếu dịch vụ gội đầu, massage, quán cà phê dồn vào một chỗ thì có tiện cho người dân hay không?

Thứ trưởng đặt câu hỏi "Có chắc chắn khoanh vùng lại một chỗ thì các nơi khác sẽ không có?" và cho rằng chủ yếu vẫn là chính quyền cần tăng cường kiểm tra, sai phạm thì xử lý, ngăn chặn; làm tốt thì nên khuyến khích. "Nếu đề xuất trên khảthi, chúng tôi sẽ nghiên cứu, nhưng đến giờ chưa thể nói rằng đó là cách khả quan", ông Đàm nói.

Hiện nay, cả nước có hơn 160.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, tăng 88.000 so với giai đoạn 2006-2010. Trong đó, gần 70.000 cơ sở có nhân viên nữ dưới 35 tuổi, hơn 6.000 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm,hơn 11.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý.

Hiện xuất hiện nhiều đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới, như: mại dâm đồng tính, chuyển giới bán dâm, người nước ngoài bán dâm, môi giới mại dâm qua mạng Internet, Facebook, du lịch tình dục... Đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó 75% không có nghề nghiệp ổn định, 20% là doanh nghiệp, 3% là cán bộ, viên chức.

"Trong 5 năm qua, hoạt động mại dâm giảm nhưng biến động phức tạp theo từng địa bàn. Con số hơn 11.000 người bán dâm được quản lý mới là bề nổi của tảng băng chìm. Thực tế có thể cao hơn bởi đây là hoạt động khó kiểm soát, tinh vi và trá hình", bà Lê Thị Hà, Cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn