Trong cuộc chơi thương mại điện tử, các ông lớn đang đốt tiền ngày càng nhiều nhằm chiếm lĩnh thị phần
"Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa…” Lời nhắn trước lúc ra đi của beyeu.com chỉ đúng một phần: Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền
“Có những bài toán không phải cứ dùng tiền, dùng lực là có thể giải được ngay, mà cần phải có thời gian nhất định. Tôi vẫn tin thương mại điện tử Việt Nam sẽ cất cánh”
Mới đây, đến lượt beyeu.com (một dự án thuộc Projects Lana, được diễn đàn Webtretho hậu thuẫn) dừng cuộc chơi trên thị trường thương mại điện tử. Mọi người không xôn xao trước sự ra đi của một dự án thương mại điện tử - vốn không lạ trong nhiều năm trở lại đây – mà xôn xao về lời nhắn đau thương của “kẻ ra đi” dành cho “người ở lại”.
"Ecommerce requires lots of money. Many companies will decide to stop burning. Good luck to the rest who are still trying". Tạm dịch: Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng.
Các “ông lớn” đang đốt bao nhiêu tiền?
Tính riêng các sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam, các sàn giao dịch có vốn đầu tư nước ngoài dù chỉ chiếm số lượng nhỏ, nhưng lại đang thống lĩnh thị trường về mặt doanh thu.
Theo số liệu của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin của Bộ Công thương, năm 2014, doanh thu của nhóm này chiếm 59% tổng doanh thu, tăng 15% từ mức 44% của năm 2013. Trong đó, riêng “ông lớn” Rocket Internet (Đức) với 2 nhãn hàng Lazada và Zalora đang chiếm lĩnh 43,2% doanh thu toàn thị trường.
Tuy nhiên, xét về lợi nhuận, năm 2014 là năm “ông lớn” Rocket Internet tiếp tục ghi nhận lỗ trên khắp các mặt trận trên thị trường toàn cầu.
EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) năm 2014 của dịch vụ gọi món trực tuyến Foodpanda cho thấy đơn vị này đã lỗ 34 triệu Euro (tương đương 36,6 triệu USD). Tuy nhiên, khoản lỗ này chỉ là “số lẻ” nếu so với Lazada và Zalora.
Hai đơn vị này đã tiếp tục ghi thêm khoản lỗ 235,3 triệu USD cho công ty mẹ, tăng mạnh so với mức lỗ 151,9 triệu USD hồi năm 2013.
Theo báo cáo tài chính của Rocket Internet, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả 4 mảng thương mại điện tử (E-commerce) của “ông lớn” này đang tiếp tục “đốt tiền” mạnh hơn cả cùng kỳ năm ngoái.
4 mảng E-Commerce của Rocket Internet gồm: Nội thất gia đình (Home24, Westwing), Thời trang (Zalora, Dafiti, Namshi), Hàng hóa (Lazada, Linio, Jumia) và Thực phẩm (Foodpanda).
Rocket Internet đang hy sinh lợi nhuận để chiếm lĩnh thị phần. |
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi đón nhận sự gia nhập thị trường của Vingroup với Adayroi thì hồi tháng 5/2015, Cucre.vn bị CTCP Vật giá “khai tử”. Trước đó, Nhommua đã về tay Cungmua với sự hậu thuẫn của IDG Ventures.
“Hàng năm, vẫn có rất nhiều website thương mại điện tử được mở ra, đồng thời cũng không ít website âm thầm đóng cửa. Những ai đang làm về thương mại điện tử đều hiểu rõ những khó khăn của ngành này. Đa số các dự án thương mại điện tử đang hoạt động đều không có lãi”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối thương mại điện tử Zamba – VCCorp, cho biết.
"Đốt" bao lâu nữa mới thành công?
Ông Tuấn cho biết, một dự án thương mại điện tử tiêu tốn khá nhiều chi phí gồm chi phí vận hành, nhân sự và marketing… Nhưng tốn kém nhất là chi phí marketing để educate (giáo dục) người dùng.
“Các website thương mại điện tử đang rất “chiều” người dùng, sẵn sàng đáp ứng các điều kiện để khách hàng đến với mình, sẵn sàng bán lỗ để dịch chuyển hành vi khách hàng từ offline lên online.
Các website thương mại điện tử cần phải tìm ra các cách làm thông minh, hiệu quả và tối ưu để tiết kiệm chi phí tối đa. Khi quy mô đủ lớn, quy trình kiểm soát tốt thì lúc đó mới tính đến chuyện hoà vốn và có lãi”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, tùy từng quy mô, mô hình mà cần có lượng tài chính tương ứng, nhưng chắc chắn là phải đủ để chịu lỗ trong ít nhất 2 năm.
“Tại một đất nước phát triển như Mỹ mà Amazon cũng đã liên tục chịu lỗ đến 9 năm đầu. Do vậy, nếu không đủ lượng tài chính nhất định thì khó có thể duy trì cả bộ máy hoạt động trơn tru được”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, không phải cứ “đốt tiền” là thành công.
“Có những bài toán không phải cứ dùng tiền, dùng lực là có thể giải được ngay, mà cần phải có thời gian nhất định. Khi hạ tầng hỗ trợ cho hoạt động thương mại điện tử tốt lên thì lúc đó các đơn vị làm thương mại điện tử mới có thể tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu suất hoạt động. Tôi vẫn tin thương mại điện tử Việt Nam sẽ cất cánh, bởi đó là xu thế tất yếu”, ông Tuấn nói.
Nhưng, từ bài học trong sự ra đi của nhiều hệ thống thương mại điện tử có thể thấy,người làm thương mại điện tử cần phải thật kiên trì, khôn ngoan, thấu hiểu hành vi khách hàng và phải biết tiến biết lùi đúng lúc. Nếu cứ chăm chăm đốt tiền để mong đạt đến đích nhanh thì sớm muộn nguồn lực cũng cạn kiệt dẫn đến phải đóng cửa.
Mặc dù là “cuộc chơi đốt tiền”, các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam vẫn có thể đầu tư vào thương mại điện tử nếu biết chọn thị trường ngách.
“Nhỏ mà chơi ở sân lớn thì dễ bị đè chết. Càng nhỏ thì càng nên chọn cho mình một thị trường ngách phù hợp”, ông Tuấn nói.
"Một số dự án hiện nay đang đi vào thị trường ngách có thể kể đến như GUphukien chỉ chuyên bán đồ phụ kiện điện thoại, hay Juno chuyên bán giày nữ... Chúng ta cần chọn lối đi vào thị tường ngách để đảm bảo làm sao trong thị trường đó, mình phải là top of mind (sản phẩm hàng đầu trong tâm trí) của khách hàng”.
Theo CafeBiz