|
Rạp Norodom từng nằm ở vị trí 'khu đất vàng' số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM |
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp từ Úc, chuyên viên khoa học về ô nhiễm môi trường của Bộ Môi trường và Bảo tồn New South Wales (Department of Environment and Conservation, NSW Australia) thì dưới thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là “Maison du combattant” (Nhà cựu chiến binh) được xây vào năm 1932, sau khi được sự chấp thuận của Hội đồng Quản hạt, Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer ký giấy cho đất để Hội cựu chiến binh xây.
Tòa nhà được xây theo kiểu Art Deco (hình dáng hình học và góc cạnh), có các phòng hội họp, nhà hàng, bar và một giảng đường lớn, được khánh thành đúng ngày Quốc khánh Pháp 14.7.1932. Cơ sở vật chất của tòa Nhà cựu chiến binh được dùng cho tất cả nạn nhân chiến tranh, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và thành phần xã hội.
Nơi đây từng có một rạp hát trong quá khứ, có tên Norodom |
Khu đất nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố với hai mặt tiền là đường Lê Duẩn và Nguyễn Du, có diện tích 3.000m2. Dự án xây dựng nhà hát ngàn tỉ tại Thủ Thiêm (quận 2) đã được các đại biểu HĐND TP.HCM thông qua ngày 8.10 với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2022. |
Trong thời gian Thế chiến thứ hai, những buổi họp mặt của các cựu quân nhân Pháp diễn ra ở đây như ngày đình chiến 11.11 hay ngày thành lập binh đoàn Lê Dương (Informations générales, Ministère de l'intérieur, 9.9.1941).
Ngoài ra, phòng và giảng đường được nhiều đoàn thể hay cá nhân trong xã hội dùng vào những mục đích khác. Vì giảng đường rất lớn nên nơi đây thường tổ chức các buổi ca, hòa nhạc, kịch, chiếu phim và cải lương. Hội “Ciné-club d’ Indochine” (Câu lạc bộ phim Đông Dương) cũng tổ chức chiếu phim và đại hội hằng năm ở tòa Nhà cựu chiến binh này.
Sau năm 1954, tòa nhà được hội cựu chiến binh bán và trở thành một rạp hát gọi là rạp Norodom hay rạp Thống Nhất và còn một tên gọi khác là Hí viện Thống Nhất (đại lộ Norodom được đổi là đại lộ Thống Nhất). Tại đây có trình diễn các buổi chiếu phim, ca nhạc và cải lương.
Trong thập niên 1950, Đài phát thanh Pháp Á hằng tuần vào mỗi sáng chủ nhật có tổ chức thi ca nhạc tại rạp Thống Nhất. Một số các ca sĩ nổi tiếng miền Nam đã từng biểu diễn ở rạp Thống Nhất như Bạch Yến, Thúy Nga, Ngọc Hà, Khánh Ly, Thanh Hùng, Mai Hương, Tuyết Vân…
Năm 1953, cô bé Bạch Yến (ca sĩ Bạch Yến) ghi tên dự thi một cuộc thi hát và đoạt huy chương vàng nhi đồng. Năm 1956, Khánh Ly lúc đó 11 tuổi lần đầu xuất hiện trình diễn ca nhạc trong chương trình Tiếng hát nhi đồng cũng tại rạp Thống Nhất cũng do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Trong số những giám khảo cuộc thi có nhạc sĩ Lê Thương. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng đã tổ chức nhiều buổi đại nhạc hội ở rạp Thống Nhất.
Cũng tại đây đoàn kịch Năm Châu từng trình diễn trong thập niên 1960. Nhà Xổ số kiến thiết quốc gia mỗi tuần thường dùng rạp Thống Nhất để xổ số và bài hát “Xổ số kiến thiết quốc gia” của Trần Văn Trạch được hát mà cho đến nay nhiều người Sài Gòn xưa vẫn còn nhớ tới. Các đoàn thể như sinh viên, học sinh cũng dùng rạp Thống Nhất để tổ chức đại nhạc hội.
Sau năm 1975, tòa nhà rạp Thống Nhất được dùng làm trụ sở của Công ty xổ số kiến thiết TP.HCM cho đến năm 2015 thì được bán đấu giá. Công ty đầu tư phát triển địa ốc Tân Hoàng Minh đã mua được lô đất này.
Theo Thanh Niên