|
PV được dẫn vào khu nhà phố được xây dựng trái phép, với giá chào bán 1,7 tỉ đồng/căn |
PV trong vai công nhân, đến khu vực ĐH Nông Lâm tìm mua đất giá rẻ để xây nhà. Tại quán cà phê ngay cổng Trường ĐH Nông Lâm, PV được giới thiệu cho một người tên Quyết (35 tuổi) để bàn chuyện mua bán đất. Quyết chạy xe máy, dẫn chúng tôi vào ngôi nhà trong khu đất quy hoạch ĐH Nông Lâm, giới thiệu căn nhà này là của mình và ra giá 200 triệu đồng.
“Nhà này của tôi, giờ tôi muốn bán lấy tiền làm ăn, anh chị mua thì bỏ thêm vài chục triệu chung chi là có thể sửa lại như mới để ở”, Quyết nói và khẳng định mua bán đất, nhà ở khu vực này toàn làm giấy viết tay để cam kết chứ không có công chứng.
“Chỉ mình anh dám mua bán đất và xây dựng”
Rời nhà Quyết, chúng tôi vòng vào khu nhà thi đấu thể thao của ĐH Nông Lâm hỏi mua đất. Tại đây chúng tôi gặp Phương (biệt danh Phương “tóc dài”) - người chuyên bán đất trong khu ĐH Nông Lâm. Phương giới thiệu mình là người sống tại khu vực này từ lâu và là người duy nhất bán đất, xây dựng được nhà trong khu đất quy hoạch này. Dẫn chúng tôi ra miếng đất dưới vườn tràm, Phương nói: “Anh đang cần tiền, miếng này 200m2 anh dứt giá cho mấy đứa 550 triệu đồng. Miếng này anh định xây 4 căn nhà trọ, nhưng giờ thiếu tiền làm quán cà phê nên anh bán luôn”, Phương nói rồi đưa cho chúng tôi một tờ giấy photocopy không rõ chữ và khẳng định “đây là giấy tờ thửa đất định bán”.
“Ở đây giấy chung không à, chứ chưa tách sổ được. Em mua thì anh em viết giấy tay thôi, và cắt cho em vô tư xây nhà. Ở khu này chỉ có mình anh dám mua bán đất và xây dựng chứ không ai dám làm cả. Em yên tâm, có anh ở đây thì chuyện xây nhà là chuyện nhỏ. Xây xong anh xin cho em đồng hồ điện, nước và số nhà tạm luôn”, Phương thuyết phục chúng tôi.
Hưởng (trái) thuyết phục PV mua nhà xây trái phép tại khu quy hoạch ĐH Quốc gia |
Tại khu này, chúng tôi cũng được người đàn ông có biệt danh Tư “lùn” kêu bán ngôi nhà cấp 4 với giá 750 triệu đồng. Ông Tư khẳng định chắc nịch “nhà cửa, đất đai trong khu vực này đều được mua bán giấy viết tay để làm tin, mua về nếu muốn xây mới, sửa chữa thì “chung chi” cho cán bộ sẽ làm được (?)”.
PV tiếp tục liên lạc với một người tên Hưởng để hỏi mua đất. Hưởng đón chúng tôi tại cổng Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM và dẫn thẳng vào căn nhà cấp 4 phía sau “ao cá sinh viên” (nằm trong khu quy hoạch ĐH Quốc gia TP.HCM). Hưởng cho biết, căn nhà này của em trai mình, vì đang kẹt tiền nên kêu bán 550 triệu đồng. “Nhà ở đây giờ giá vậy là rẻ lắm rồi em; đất có giấy giờ tiền tỉ bọn em không mua nổi đâu. Mua nhà này xong anh bao luôn cho việc sửa chữa và KT3 luôn”, Hưởng thuyết phục và cho biết mua nhà tại đây thủ tục đơn giản; hai bên thống nhất chồng tiền, viết giấy tay có trưởng khu phố ký xác nhận là dọn đồ vô ở (?).
“Nhà cửa khu này chưa làm giấy tờ được nên việc mua bán chỉ giấy viết tay; có bác trưởng khu phố xác nhận cho em yên tâm. Ở đây cả nghìn hộ ở và mua bán nhà cửa đất đai như vậy cả (?)”, Hưởng nói.
Công khai mua bán nhà xây trái phép
Không chỉ mua bán đất nằm trong quy hoạch không giấy tờ, Phương “tóc dài”, Hưởng đều nói “bao” luôn việc xây dựng trái phép mà không bị cơ quan chức năng địa phương xử lý.
Phương “tóc dài” dẫn PV vào khu đất “đang xây dựng trái phép” |
UBND P.Linh Trung kiến nghị công an điều tra
Sau khi PV phản ánh bài Đường dây “xẻ thịt” đất đại học, sáng 25.11, UBND P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) đã có cuộc họp khẩn cấp, để làm rõ trách nhiệm từng cá nhân cán bộ quản lý địa bàn. Ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND P.Linh Trung, cho biết tại cuộc họp bước đầu cảnh sát khu vực, cán bộ quản lý xây dựng, khu phố và tổ dân phố nhận khuyết điểm trong công tác quản lý. UBND P.Linh Trung đang tập trung thống kê các công trình vi phạm, cũng như có văn bản đề nghị công an điều tra có hay không cán bộ quản lý địa bàn cấu kết để người dân vi phạm xây dựng.
|