Thực hư chiêu “lấy độc trị độc” để cai nghiện thuốc lá

Thứ ba, 27/11/2012, 13:57
Thuốc lá điện tử có thể giúp người nghiện thuốc cai thuốc lá một cách nhanh và hữu hiệu nhất. Đó là những lời quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người, nhưng thực hư của việc dùng kế lấy độc trị độc này vẫn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường.
Xâm nhập chợ thuốc cai nghiện vỉa hè
 
Liên hệ nhiều lần chúng tôi mới hẹn được với “cò” Khang, là một tay buôn có hạng tại một số điểm bán lẻ sản trên địa bàn TP.HCM. Trong khuôn viên của một quán cà phê trên Quốc lộ 13, Khang không ngần ngại giới thiệu về loại sản phẩm có thể dùng cai nghiện thuốc lá.

Người này cho biết: "Hiện nay có hai dòng thuốc lá điện tử giúp người cai nghiện đó là miếng dán (bên trong có chất nicotine) và một bộ dụng cụ được kích điện bao gồm pin sạc, ống điếu và tinh dầu tổng hợp".
 

 
Sau đó, Khang còn tận tình hướng dẫn cách sử dụng loại sản phẩm này: "Loại này sử dụng bằng cách bơm tinh dầu vào đầu ống điếu, sau đó kích hoạt điện năng từ cục sạc rồi rít một hơi sẽ thấy một đốm đỏ tương tự đốm lửa như điếu thuốc lá thông thường sẽ tạo cảm giác ảo để đánh lừa người hút". Nghe vậy, chúng tôi quay lại hỏi: "Vậy bao lâu mới có thể cai nghiện thuốc lá hoàn toàn?".

Lúc này Khang chỉ nói qua loa, mập mờ: "Thì anh cứ dùng sẽ biết, chắc khoảng năm đến sáu tháng gì đó. Nhưng phải kiên trì sử dụng nó đến khi nào không còn thèm thuốc lá nữa thì thôi". "Có khi nào khi sử dụng lại nghiện cả hai loại thuốc lá không?", chúng tôi thắc mắc. Khang mạnh miệng: "Làm gì có chuyện đó, chúng tôi bán hàng có uy tín, anh không tin tôi cho vài số điện thoại khách hàng từng sử dụng thì sẽ biết.

 
Hơn nữa tinh dầu để cai thuốc của chúng tôi được chiết xuất từ một loại biệt dược nên khó bị nghiện". "Biệt dược đó là gì vậy?", chúng tôi hỏi tiếp. Lúc này nam thanh niên có vẻ lúng túng rồi trả lời: "Tôi cũng không biết nó là gì nữa, chỉ biết đó là biệt dược được nhập khẩu từ nước ngoài?!”.
 
Nói đoạn, Khang lấy từ trong hộp một lọ tinh dầu màu vàng ươm, một bộ sạc pin, một ống điếu, những phong kẹo, miếng dán và cho biết giá của các sản phẩm.

Theo đó, sản phẩm thấp nhất là miếng dán giá 350 ngàn đồng/miếng, kẹo nhai 900 ngàn đồng/phong, dụng cụ điện tử bao gồm điếu thuốc, sạc pin, tinh dầu dao động từ 1,2 triệu cho đến 5 triệu đồng tùy vào tác dụng cai thuốc nhanh hay chậm của từng sản phẩm. Đối với loại dùng điện năng, khi nào sử dụng hết tinh dầu thì sẽ phải mua lọ tinh dầu mới với giá 150 ngàn/chai chỉ dùng được trong bốn ngày.

 
Sau màn quảng cáo, Khang bắt đầu thực hiện các động tác minh họa cho việc hút thuốc. Khang rít một hơi thật mạnh, nhả ra từ trong miệng những làn khói đen xám xịt, khét lẹt. Lần đầu thấy thuốc lạ, tôi liền hào hứng thử, nhưng chỉ rít một hơn đã cảm thấy khó chịu, đầu óc mệt mỏi và cảm thấy buồn nôn.
 
Khang tiếp tục lấy ra một chai tinh dầu khác rồi thao thao bất tuyệt: "Có lẽ vừa rồi anh không quen với tinh dầu có mùi hương Marlboro nên mới khó chịu. Đây là hương vị của thuốc ba số 555, tụi em còn có nhiều loại tinh dầu với hương vị giống đủ các thương hiệu thuốc lá khác nhau để các anh thử"...
 
Cai nghiện thành... nghiện nặng hơn
 
Với bộ vi xử lý bằng điện năng, kết hợp với một loại tinh dầu đặc biệt giúp tạo cảm giác ảo đánh lừa người hút, thuốc lá điện tử đang được chào bán nhan nhản trên thị trường. Trong vai người nghiện thuốc lá, chúng tôi tiếp tục hẹn gặp người bán thuốc điện tử tại một quán cà phê trên đường Hoàng Diệu 2 (quận Thủ Đức, TP.HCM) và được nghe những lời mời chào bùi tai cho sản phẩm trên.
 
Nam thanh niên tên Minh lấy trong chiếc cặp xách tay vô số chiếc hộp và miếng dán. Thoạt nhìn, thuốc lá điện tử có hình dáng và kích thước giống với điếu thuốc lá thông thường nhưng cấu tạo của nó lại hoàn toàn khác biệt.

Tốt nhất là nên dùng loại có giá trị cao thì cai nghiện nhanh hơn, chỗ tôi thường bán cho các đại gia nên họ không ngần ngại bỏ vài triệu ra để mong từ biệt với thuốc lá, tiền nào của nấy lo chi, Minh hào hứng kể. Để thu hút người mua, Minh không quên quảng cáo thêm: "Tất cả những sản phẩm của tụi em đều được nhập khẩu từ các nước Tây Âu nên anh cứ yên tâm về chất lượng của nó".

 
 
Cần cẩn trọng khi sử dụng bộ sản phẩm thuốc lá điện tử để cai nghiện
 
Tuy nhiên, khi cầm lên xem kỹ thấy xung quanh vỏ hộp xuất hiện nhan nhản chữ Trung Quốc. Ngạc nhiên vì quảng cáo một đằng, xuất xứ của thuốc một nẻo, chúng tôi hỏi: "Sao anh nói loại thuốc trên đều nhập khẩu từ Tây Âu mà lại xuất hiện chữ Trung Quốc?".

Minh vội cắt nghĩa: "Hiện nay, một số công ty lớn ở các nước Mỹ, Anh,  Australia, New Zealand họ liên kết với Trung Quốc để mở rộng thị trường ở khu vực châu Á, vì vậy bao bì và linh kiện hỗ trợ cho việc hút thuốc có chữ Trung Quốc là hết sức bình thường, còn tinh dầu thì chỉ có ở các nước trên mới có!?”.

 
Cũng theo người thanh niên này, trong thuốc lá điện tử, tinh dầu chứa nicotine có vai trò quan trọng trong việc giúp người nghiện thuốc lá cai nghiện, còn những dụng cụ khác chỉ để hỗ trợ việc hút thuốc?!.
 
Rất nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử thắc mắc: "Nicotine là chất gây nghiện trong thuốc lá thường, vậy mà trong thuốc lá điện tử, tinh dầu biệt dược lại chứa nicotine vậy làm sao có thể cai nghiện?". 
 
Anh Nguyễn Hoàng, (quận Thủ Đức, TP.HCM) cũng dở khóc dở cười vì trót sử dụng thuốc lá điện tử: "Bình thường thì không sao, kể từ khi dùng thuốc lá điện tử, mỗi tối đi ngủ tôi cảm thấy rất khó thở. Hiện tại muốn bỏ nó cũng khó vì theo người bán thì phải sử dụng nó từ sáu tháng trở lên mới có tác dụng, có khi bỏ được hai đến ba ngày nhưng lại thấy thèm hơn nên tôi đành hút tiếp".
 
Theo khảo sát của những nhà khoa học nước Anh cho thấy, một số sản phẩm thuốc lá điện tử xuất xứ từ Trung Quốc có nồng độ chất nicotine rất cao, nó là thủ phạm gây nghiện trong thuốc lá có liên quan trực tiếp đến bệnh ung thư. Ngoài ra còn có chất nitrosamine - một chất được giải phóng ra từ nicotine khi đốt cháy đã được chứng minh là gây ra ung thư ở chuột.
 
Một số thương hiệu thuốc lá điện tử khác đã được phát hiện có chứa chất diethylene glycol, một chất độc gây tử vong ở liều lượng cao.

Deborah Arnott, phát ngôn viên của nhóm nghiên cứu người Anh, cho biết: "Một số thương hiệu thuốc lá điện tử sản xuất tại Trung Quốc không đúng quy định về hàm lượng nicotine, cũng như các tiêu chuẩn an toàn". Sau khi những phát hiện về sự nguy hiểm của một số loại thuốc lá điện tử được công bố, Australia, New Zealand, Brazil, Canada, Mỹ đã cấm lưu hành những loại này.         
                      
 Hệ lụy khôn lường
 
Theo điều 9, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định, nghiêm cấm các hành vi liên quan đến thuốc lá như sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.

Như vậy, thuốc lá điện tử nằm trong danh mục bị cấm vì nguồn gốc không rõ ràng, hơn thế, tác dụng của nó chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào kiểm định, nhưng lại được bán trôi nổi trên thị trường sẽ gây nên nhiều hệ lụy khôn lường.

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn