Khi bảo vệ luận văn, các thầy cô trong hội đồng cũng mắng mỏ, nhận xét đủ điều, tuy nhiên, đừng quá lo lắng. Cuối cùng tất cả đều được điểm tốt như kiểu thi xong xuôi tất cả lại về. Thứ duy nhất tôi không thích là phải nộp quá nhiều phí cho buổi bảo vệ đấy.
Tôi có hai bằng Thạc sĩ, một của Việt Nam, một của Pháp. Bạn bè gọi tôi là "lưỡng quốc thạc sĩ", cũng có phần mỉa mai vì họ biết cái sự học thạc sĩ ở Việt Nam của tôi.
Tốt nghiệp đại học bằng giỏi nên nghiễm nhiên tôi được chuyển tiếp làm Thạc sĩ với ưu đãi, miễn giảm 50% phí đào tạo. Nhẩm đi nhẩm lại, thấy có bằng thạc sĩ dễ quá: tiền mất một nửa, không phải thi đầu vào, tội gì không học. Chúng tôi vẫn thường bảo nhau đó là bằng Thạc sĩ "cho không, biếu không", thôi thì, học cho vui.
Chợ luận văn nhan nhản, học viên tha hồ dùng thủ thuật cắt, dán, cóp rồi xào xáo thành luận văn của mình.
Lúc đó, tôi chưa nghĩ tới, nỗ lực vượt qua hai năm học này quả không đơn giản. Vì cái sự học thạc sĩ trở nên đặc biệt nhàm chán, bởi chúng tôi vừa tốt nghiệp Đại học xong. Vẫn là những gương mặt thầy cô giáo cũ và những bài học cũ. Thậm chí, những ví dụ các thầy cô đưa trong bài học cũng chẳng khác gì những ví dụ các thầy cô đã nói với chúng tôi 4 năm về trước, khi chúng tôi mới là sinh viên năm thứ nhất. Vì vậy, tôi quyết định thuê người đi học.
Giá của việc học hộ này là 25.000 đồng/buổi. Công việc bao gồm: điểm danh, in và nộp bài luận giữa kỳ và đối phó với những bài kiểm tra đột xuất. Việc này cũng chẳng có gì là quá sức vì tôi đã cẩn thận dặn các bạn cùng học giúp đỡ "hình nhân thế mạng" của tôi. Thường đó là những bài kiểm tra ngắn và các thầy cô cũng chẳng để ý chuyện học viên chép và trao đổi bài với nhau.
Cũng có những môn tôi buộc phải đi học. Đó là những môn mà thầy cô đứng lớp, vì một lý do nào đó thời sinh viên mà nhớ mặt tôi. Chúng tôi thường học khoảng từ 18h đến 20h30. Và khi đi học như vậy, tôi sẽ kéo dài giờ nghỉ giữa ca tới 1 tiếng đồng hồ, đi ăn và tám chuyện với bạn bè, rồi lại về ngồi thêm một chút chờ giờ tan học.
Những buổi đi học như vậy chúng tôi thường gọi là đi tụ tập ăn uống, các thầy cô thấy lớp vắng thì cũng ậm ừ cho qua, không cần dạy vội.
Mỗi buổi học Thạc sỹ chỉ có hơn 20 người nên các thầy cô cũng chỉ đến nói cho qua. Do các đối tượng học rất đa dạng, cộng với việc các thầy cô thừa hiểu rằng những người đi học Thạc sỹ thường là những người đi làm rồi nên châm chước cho họ.
Và thực tế là các thầy chỉ đến dạy cho xong miễn có bằng là được và tất cả mọi người đều vui vẻ. Bản thân các thầy cô dạy nối ca từ buổi chiều nên họ rất mệt và thường đến muộn. Rồi các thầy sẽ lấy lý do tắc đường, hay mệt mỏi để học muộn và giờ nghỉ thì cả thầy và trò đều vui.
Làm luận văn Thạc sĩ trong 10 ngày
Làm tiểu luận và bài thi giữa kỳ với tôi, chẳng có chút gì khó khăn và tốn thời gian. Nếu hồi đại học chưa có kinh nghiệm, chia một người làm rồi nhiều người copy và biến hóa đi chút thì nay học Thạc sĩ có nhiều kinh nghiệm, tôi tự copy trên mạng hoặc mua ở trên các trang tư liệu.
Tôi thường mua luận văn của một sinh viên đại học nào đấy gần sát với chuyên ngành của mình và bắt đầu công cuộc cắt, dán, sao, chép đủ kiểu và biến nó thành bài tiểu luận của Thạc sỹ dài tâm 9 - 10 trang. Những luận văn này có thể mua qua mạng, mua qua SMS, nhắn tin làm thành viên và mất 30.000 đồng được down tài liệu về.
Thế đấy, chỉ mất mấy chục nghìn là có bài để nộp cho các thầy cô. Và những bài tiểu luận, bài thi dạng này cũng thường được 7 - 8 điểm. Mà hẳn các thầy cô cũng chẳng đọc bài nên tôi (và hẳn cũng không ít bạn khác) mới có thể trót lọt và thuận lợi đến như thế.
Làm luận văn thì phức tạp và mất công hơn nhưng tôi cũng chỉ làm trong 10 ngày là xong. Thường thì luận văn Thạc sĩ nào cũng phải có hai phần: phần lý thuyết và phần nghiên cứu thực tiễn. Phần lý thuyết, y như cách làm tiểu luận hoặc bài giữa kỳ, tôi cóp nhặt từ sách, luận văn của người khác, tài liệu trên mạng.
Phần nào từ sách, tài liệu bản cứng, tôi gạch chân những ý quan trọng, đưa ra hàng photocopy gõ lại. Phần nào đã có bản mềm, tự tôi cóp và xào xáo. 10 luận văn về cùng một chủ đề thì 10 cái gần như giống hệt nhau ở phần lý thuyết, những ý khác mình mình lựa chọn bổ sung thêm. Tuy nhiên, sao chép kiểu vậy đã hoàn thành được 40% luận văn rồi.
Phần nghiên cứu thực tiễn sẽ khó hơn một chút, vì tư liệu cho phần này đặc thù hơn. Nhưng với thời đại Internet thế này, hoàn thành nó cũng đơn giản.
Vẫn là tìm tư liệu trên mạng, trong sách, nhưng sắp xếp nó hợp lý và kỳ công hơn, chịu khó bổ sung những nhận xét thật to tát và hoành tráng. Đặc biệt cần dẫn nhiều sách nước ngoài (vì các thầy cô đa phần là không kiểm chứng được các nguồn này).
Đặc biệt, luôn luôn có nghiên cứu xã hội học để làm rõ cho luận văn của mình nhưng hoàn toàn có thể thuê một ban ở khoa xã hội học làm từ A tới Z: đặt câu hỏi, chọn mẫu, khảo sát, phân tích kết quả với giá khoảng 3- 5 triệu đồng, tùy số lượng mẫu và đề tài.
Bảo vệ dễ nhưng... tốn
Khi bảo vệ luận văn, các thầy cô trong hội đồng cũng mắng mỏ, nhận xét đủ điều, tuy nhiên, đừng quá lo lắng. Cuối cùng tất cả đều được điểm tốt như kiểu thi xong xuôi tất cả lại về. Thứ duy nhất tôi không thích là phải "nộp" quá nhiều phí cho buổi bảo vệ đấy.
Chi phí thuê phòng, phông bạt, nước non, tiệc nhẹ nhưng cũng chẳng để làm gì, vì chẳng ai ăn, chẳng ai uống vẫn phải nộp 1, 7 - 2 triệu mỗi người. Cùng với đó là các khoản để cho buổi bảo vệ được nhẹ nhàng thì cũng phải đi thầy, đi cô và cuối cùng mỗi người khoảng 5 - 10 triệu.
Cộng với những khoản khác nữa nên cũng phải mất tầm hơn 50 triệu/ một buổi bảo vệ. Đó là một số tiền không nhỏ với sinh viên mới ra trường và đó là điều tôi thấy rất lãng phí nhất.
Nhưng nói cho cùng, Việt Nam vẫn trọng bằng cấp lắm, nên tôi nghĩ, mất chừng đó tiền để có tấm bằng thạc sĩ cũng thỏa đáng. Học dễ như thế, đi học chẳng thiệt gì.