Chống tham nhũng = Cạnh tranh + Minh bạch + Trách nhiệm giải trình

Chủ nhật, 09/12/2012, 19:01
Ngày 9/12, Đại Hội đồng Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế phòng chống tham nhũng. Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được sửa đổi, bổ sung 20 điều, có nhiều quy định mới nhằm tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

>> Lòng tham + quyền lực = tham nhũng
>> Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Một số giải pháp chống tham nhũng còn hình thức
>> Tham nhũng có xu hướng liên hệ với tội phạm có tổ chức
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với cử tri nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp về chống tham nhũng (Nguồn ảnh: nld)

Những động thái của toàn hệ thống chính trị cho thấy, dường như tham nhũng và lãng phí đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Đẩy lùi tham nhũng lãng phí đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách không thể chần chừ.

Nhưng từ lời nói đến hành động luôn là một quá trình và chống tham nhũng thực sự cần đến một phương pháp đúng. Và những cuộc đối thoại mở, nhằm học hỏi kinh nghiệm bạn bè quốc tế, là một trong những phương thức cầu thị hiệu quả.

Trong cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ quốc tế mới đây, nhiều mô hình phòng chống tham nhũng trên thế giới đã được giới thiệu với chính giới Việt Nam.

Ông Jozef Petras, Giám đốc truyền thông, Sở ngoại vụ thành phố Martin, Slovakia mang tới mô hình “Thành phố minh bạch” với tiêu chí là minh bạch hóa toàn bộ hoạt động của bộ máy hành chính công tới tất cả công dân thành phố.

Chỉ sau 1 năm áp dụng các biện pháp cụ thể và kiên quyết, gần 800.000 Euro chi phí mua sắm công đã được tiết kiệm, đây là một con số không nhỏ với một thành phố chỉ có hơn 57.000 dân. Mô hình “Thành phố minh bạch Martin” trong năm 2011, đã giành cả 2 giải thưởng uy tín là giải Dịch vụ công của Liên Hiệp quốc và giải thưởng Dịch vụ công châu Âu EPSA.

Ông Jozef Petras, Giám đốc truyền thông, Sở ngoại vụ thành phố Martin, Slovakia chia sẻ: ”Chúng tôi đã tham dự rất nhiều cuộc hội thảo như thế này, và giới chức nhiều nơi đã xem mô hình này như là một bài học kinh nghiệm và dựa vào đó để triển khai.

Không chỉ ở Slovakia, thậm chí mô hình thành phố minh bạch Martin còn được nhân rộng ở các nước trong khối liên minh châu Âu. Chúng tôi đã giới thiệu mô hình này đến Trung Đông, và cả một số nước châu Phi cũng đang học theo.

Chống tham nhũng = Cạnh trạnh + Minh bạch + Trách nhiệm giải trình

Đây là công thức mà ông Ronald MacLean Abaroa đã sử dụng để đẩy lùi nạn tham nhũng trong bộ máy hành chính công trong thời gian ông là Thị trưởng của thành phố La Paz, Bolivia từ năm 1985.

Dù còn cần thời gian nghiên cứu về tính phù hợp, nhưng rõ ràng là Việt Nam có thể học hỏi từ các mô hình, những đúc kết bổ ích kể trên. Những nghiên cứu những kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới có rất nhiều và có thể cung cấp cho chúng ta một cách hoàn toàn miễn phí.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng đã có cam kết với Liên hợp quốc về xây dựng chiến lược quốc gia đến năm 2020. Có thể nói trên cơ sở luật, các chủ trương của Chính phủ, của Đảng và các công ước, chiến lược... thì chúng ta thấy quyết tâm rất cao trong việc xây dựng thể chế. 

Ông Jairo Acuna Alfaro, Cố vấn Chính sách về Chống tham nhũng – Chương trình phát triển Liên Hợp quốc UNDP cũng bày tỏ: “Cách thức Việt Nam xây dựng và vận hành cơ chế chống tham nhũng thậm chí tỏ ra quyết liệt hơn nhiều quốc gia khác, đó là yếu tố cần được đề cao. Câu hỏi đặt ra, sau 6 năm tìm hiểu Việt Nam của tôi, đó là những cơ quan công quyền có sẵn sàng giảm bớt tính cửa quyền của mình hay không mà thôi”.

Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được sửa đổi, bổ sung 20 điều, có nhiều quy định mới nhằm tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn được xem là giải pháp mạnh mẽ của Việt Nam, nhằm thực hiện đầy đủ hơn quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và cơ quan dân cử địa phương.

Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển sẽ còn phải mất thêm thời gian để giải quyết vấn đề tham nhũng. Các tổ chức quốc tế có thể giới thiệu nhiều giải pháp, sáng kiến hay mô hình phòng chống tham nhũng có hiệu quả trên thế giới song áp dụng như thế nào và áp dụng đến đâu vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chính trị của Việt Nam.
 

Theo VTV

Các tin cũ hơn