Ngày trở về tủi nhục và nỗi đau không liền sẹo

Chủ nhật, 09/12/2012, 14:57
Trong số gần 100 sơn nữ mất tích bí ẩn tại Bản Phố - Bắc Hà (Lào Cai), số người trở về được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thoát khỏi những “thiên đường vỡ mộng”, họ trở về trong nước mắt tủi nhục với những vết thương lòng không biết ngày liền sẹo.

>>  'Săn tìm' sơn nữ tắm tiên giữa đại ngàn
>> Đêm cạy cửa “ngủ thử” với sơn nữ giữa rừng hoang
>> Bó củi sính lễ cưới chồng của sơn nữ
>> Sơn nữ lớp 7 nghỉ học vì lo ế chồng

Những người con gái, phụ nữ xinh đẹp - bông hoa của núi rừng rời làng quê nghèo ra đi một cách bí ẩn. Rồi bỗng một ngày, có người may mắn trở về trong nỗi tủi nhục, lo âu. Những “bông hoa rừng ấy” đang độ xuân thì bị hành hạ, chà đạp, vùi dập đến tàn tạ.

Bản Phố là địa bàn vùng cao, có nhiều khu vực giáp ranh với biên giới, giao thông đi lại khó khăn. Với trên 90% dân số là đồng bào Mông sinh sống, trình độ dân trí thấp… nên bọn tội phạm đã lợi dụng, móc nối với các đối tượng tại địa phương lôi kéo phụ nữ đưa sang Trung Quốc bán.

Nhiều phụ nữ vô tình đã trở thành món hàng mua bán cho kẻ xấu để về nơi lời hứa hẹn giàu sang, sung sướng.


Sau khi được giải cứu khỏi “động quỷ”, n

Sau khi được giải cứu khỏi “động quỷ”, nhớ lại những ngày tháng đọa đày bên Trung Quốc, em Sùng Thị C. vẫn chưa hết kinh hoàng.

Ông Lý Sao Plấu, Trưởng Công an xã Bản Phố lo lắng: “Chúng tôi cũng trăn trở nhiều. Ngoài việc thường xuyên tuần tra kiếm soát địa bàn, lực lượng công an xã còn phối hợp với dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể đến các điểm bản tuyên truyền về những mối nguy hiểm khi phụ nữ bỏ nhà ra đi.

Nhưng các anh thấy đấy, họ vẫn cứ “ra đi” dù đã có chồng, con hoặc đang tuổi xuân đầy hứa hẹn. Chẳng thấy ai cố gắng liên lạc với gia đình hoặc trốn về cả. Chỉ có những người thân ở lại là cứ tất bật tìm kiếm thông tin, rồi lại căng người lên gánh nỗi đau và gánh nặng gia đình”.

Dẫn chúng tôi theo con đường vào thôn Phéc Bủng 1, Phéc Bủng 2 nơi có nhiều phụ nữ bỏ đi càng thêm vắng vẻ, hiu quạnh.

Theo ông Trưởng công an xã, những bản nghèo này là nơi được coi là điểm chú ý của tình trạng những phụ nữ đã có chồng, có con bỏ nhà ra đi. Rất nhiều những gia đình tang thương, bi thảm sau cảnh chồng mất vợ, con mất mẹ.

Trong các trường hợp ấy, đau khổ nhất phải kể đến Lý Sỉu Lè. Lè kể giọng chua chát: “Vợ mình cũng bỏ đi trong lúc mình đi làm nương. Tưởng vợ về nhà ông bà ngoại chơi, thế nhưng chờ mãi, mấy hôm sau mình đành gửi con, sang nhà ông bà ngoại hỏi cũng chẳng thấy vợ đâu. Mình đành ra UBND xã nhờ các anh công an tìm giúp.

Đã gần một năm qua, một mình mình nuôi 2 đứa con. Đứa lớn mới 4 tuổi còn đứa bé mới 2 tuổi, đang thiếu hơi mẹ, thiếu sữa khóc ngằn ngặt suốt ngày”.


Những đứa bé bất hạnh khi không còn bàn tay chăm sóc của người mẹ.

Những đứa bé bất hạnh khi không còn bàn tay chăm sóc của người mẹ.
 
Trong số gần 100 sơn nữ mất tích bí ẩn thì số người xuất hiện trở lại ở Bản Phố đến thời điểm này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ trở về đem theo biết bao câu chuyện tủi nhục, lo âu, đây cũng là lời cảnh tình cho những người hám của, mơ về cuộc sống mới nhàn hạ, sung túc mà tự đưa mình vào chốn khổ cực.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Ma Seo K, thôn Bủng 1, xã Bản Phố. K kể, những ngày vất vả cùng chính quyền xã lần theo những con suối, ngọn núi sát biên giới để tìm vợ con khiến anh không sao quên được. Ngồi bên vợ mình là chị Li Thị M. (28 tuổi) mà anh vẫn còn run sợ khi nghĩ đến cảnh vợ mình bị đọa đày nơi đất khách.

Chị M., người vừa trốn thoát từ Trung Quốc về ngậm ngùi kể lại: Một ngày cuối tháng 5/2009, chị địu con trai thứ hai là Ma Seo Phừ, 2 tuổi, đi chợ phiên Bắc Hà thì gặp ông Giàng Seo Lao đến bắt chuyện.

Ông ta kể nhiều về một nơi có cuộc sống sung sướng lắm chứ không như ở Bản Phố. Ông rủ chị đi đến nơi sung sướng ấy thăm quan. Nghĩ tới cảnh chồng suốt ngày say rượu, chị đồng ý đi theo sự gạ gẫm của người đàn ông lạ đó.

Từ khu vực biên giới thuộc xã Bản Phiệt (Bảo Thắng - Lào Cai), phải đi bộ hơn hai ngày mới tới nơi khiến chị giật mình. Hóa ra nơi ông ấy bảo là sung sướng lại là một vùng nông thôn nghèo, nghèo hơn Bản Phố nhiều.

Gia đình người đàn ông chị ở cùng cũng rất nghèo. Hàng ngày chị phải làm việc trên nương từ sáng sớm đến tối mịt, lại phải chăm sóc gia đình họ.

Nhưng khổ nhất là bất đồng ngôn ngữ và những trận đòn roi. Với chị đó là những ngày sống trong địa ngục, khổ hơn cái chết. Đêm khuya, khi ôm đứa con nhỏ vào lòng chị lại nhớ nhà, nhớ bản, nhớ hai đứa con nhỏ và người chồng đáng thương.


Những đứa bé bất hạnh khi không còn bàn tay chăm sóc của người mẹ.

Trong số gần 100 sơn nữ mất tích bí ẩn thì số người xuất hiện trở lại ở Bản Phố đến thời điểm này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Một buổi sáng, tranh thủ lúc người đàn ông đi chợ, M. địu con nhằm hướng Việt Nam mà chạy, không dám đi đường cái mà tìm đường mòn để tránh bị đuổi theo.

Gần một tuần vượt đường rừng, hai mẹ con chị chỉ biết xin người đi đường được gì thì ăn nấy, gặp suối, mương thì múc nước uống.

Ngay sau khi đến sát biên giới Trung Quốc - Việt Nam, chị M. nhờ người gọi điện về cho người thân ở nhà. Chiều tối hôm ấy, mẹ con M. được chồng và đại diện công an xã Bản Phố đến xác nhận và đưa về.

Đứng trước sự việc hàng loạt cô gái tuổi trăng tròn bỗng dưng mất tích nhiều gia đình ở Bản Phố càng trở nên lo lắng hơn cho con gái họ. Từ việc cho con tự do đi lại vui chơi với bạn bè thì nay khi con gái mới lớn là cha mẹ luôn phải theo sát con gái.

Thông tin từ một cán bộ xã cho chúng tôi biết ở xã Bản Phố chỉ có hơn 600 nóc nhà nhưng có tới gần 100 phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Như vậy, ở Bản Phố trung bình cứ 7 gia đình thì lại có một phụ nữ bỏ đi.

Liên tiếp những cô gái trẻ mất tích bí ẩn khiến người dân Bản Phố thêm hoang mang. “Cơn lốc mất tích” đang tàn phá dữ dội ở miền quê nghèo vùng biên, nhiều gia đình có con gái lớn phải cắt cử nhau trông nom vì sợ mất con.

Trong căn nhà nhỏ liêu xiêu  nằm chênh vênh giữa sườn núi là gia đình anh Giàng Seo Liu, thôn Hán Dê. Liu không quên được cái ngày chủ nhật ấy, vợ anh dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị một số mặt hàng nông sản bày bán tại phiên chợ Bắc Hà.

Do bận dựng nhà hộ một người cùng bản nên phiên chợ đó anh không đi cùng vợ. Vợ anh mất tích từ đó. Giờ đây, trong căn nhà cô đơn lạnh lẽo, anh chỉ biết canh giữ đưa con gái mới lớn vì sợ nó cũng bị người ta lừa bán sang biên giới.


Những chàng trai Bản Phố chịu cảnh “gà trống” nuôi con đau đáu ngóng vợ.

Những chàng trai Bản Phố chịu cảnh “gà trống” nuôi con đau đáu ngóng vợ.
 
Trò chuyện với chúng tôi bên căn nhà nên đất trên dốc núi, anh Sùng Seo Phái, thôn Phéc Bủng 2 tâm sự: “Thấy phụ nữ trong bản cứ bỏ nhà đi Phái sợ lắm. Nhà mình nghèo, có hôm phải ăn sắn thay cơm, mình cứ sợ kẻ xấu đến dụ dỗ vợ mình theo họ. Giờ Phái không dám cho vợ đi chợ phiên một mình, cũng không dám cho vợ đi đâu xa vì sợ mất vợ”.

Anh Phái cũng có em gái ruột tên là Sùng Thị C. (sinh năm 1995) bị mất tích năm 2011. Giờ đây, gia đình anh luôn sống trong nỗi lo về sự rình rập bắt vợ, bắt em của những kẻ xấu.

Bà Chấu Thị Lang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Phố cho biết: “Cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã nghèo, từ khi xảy ra tình trạng mất tích của không ít phụ nữ, nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo đói hơn. Vì nhà quá nghèo nhiều cháu phải bỏ học.

Còn nguyên nhân việc phụ nữ mất tích ở Bản Phố, ngoài bị lừa bán sang Trung Quốc thì cũng có thể một số người thấy khổ quá nên bỏ đi. Số khác do đã lỡ thì, không lấy được chồng, ngại dư luận nên cũng không muốn ở lại làng”.

Dù chính quyền có nhiều nỗ lực, nhưng số vụ phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương đang có dấu hiệu tăng qua từng năm. Hầu hết sự vắng mặt của phụ nữ đều xuất hiện vào ngày chủ nhật, thời điểm diễn ra chợ phiên Bắc Hà.

Giờ đây, nhiều gia đình có con gái tuổi từ 12 đến 18 không dám cho con đi chợ phiên vì sợ bị người xấu trà trộn vào làm quen, lừa gạt, dụ dỗ bán qua biên giới.


Theo Dantri

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích