Ngay sau khi những hình ảnh phản cảm xuất hiện trên mạng xã hội và được lan truyền nhanh chóng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lê Mai Hạnh - Trưởng phòng Truyền thông và nâng cao nhận thức Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV.
- Ngày 13/12, cộng đồng mạng đang tỏ ra bức xúc trước hình ảnh được cho là của một nam thanh niên quê tại Bắc Giang, ghi lại hình ảnh gấu đã bị giết, rất phản cảm. Trung tâm nhìn nhận về sự việc này như thế nào?
- Khi nhận được thông tin về vụ việc, chúng tôi thấy rất phẫn nộ trước hành động giết gấu dã man và ngang nhiên đăng ảnh khoe chiến tích trên MXH. Có rất nhiều bạn bè đã cảnh báo rằng đây là hành động vi phạm pháp luật, tuy nhiên, thanh niên này vẫn dửng dưng, coi thường pháp luật và trả lời rằng “ai bắt?”. Trong khi rất nhiều cá nhân, và đặc biệt là giới trẻ đang nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã, thì vẫn có một số người vẫn ngang nhiên “thách thức” pháp luật, vi phạm những quy định về bảo vệ động vật hoang dã.
-Theo lời thanh niên này khoe khoang, cá thể gấu này được săn bắn trong rừng, điều này có thể xảy ra không? Nếu đúng thì hành vi này sẽ bị xử lý thế nào?
- Gấu thuộc nhóm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở mức cao nhất của pháp luật Việt Nam – Nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 – sau đây gọi chung là “Bộ luật hình sự”) hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép cá thể gấu hoặc buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của cá thể gấu đó sẽ bị xử lý hình sự với mức cao nhất đến 7 năm tù. Do đó, hành vi săn bắn gấu từ tự nhiên có thể xử lý theo quy định tại Điều 190 của Bộ luật hình sự nêu ở trên.
-Không những khoe khoang chiến tích, người này còn tranh thủ mua bán các bộ phận của con gấu. Đây có được xem là tình tiết tăng tội cho người thanh niên này?
- Việc mua bán các bộ phận của gấu không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cho đối tượng vi phạm mà được xem là một hành vi cấu thành tội phạm. Điều này có nghĩa là nếu có bằng chứng cụ thể, người này có thể vừa bị xử lý hình sự đối với hành vi giết gấu và vừa bị xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán bộ phận, sản phẩm của gấu. Hai hành vi này sau đó sẽ được tổng hợp hình phạt thành một mức phạt chung nghiêm khắc nhất.
- Đặt giả thiết, con gấu này được nuôi nhốt trong gia đình, không phải săn bắn ngoài tự nhiên thì hành vi giết gấu có vi phạm pháp luật?
- Mọi hành vi giết gấu trái phép đều là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự theo Điều 190 Bộ luật hình sự không phân biệt gấu đó được nuôi nhốt trong gia đình hay được săn bắt từ tự nhiên.
- Việc nuôi nhốt gấu lấy mật hoặc vì mục đích kinh doanh, nếu bị phát hiện có bị xử lý hay không?
- Theo quy định tại Nghị định 32/2006/ND-CP, gấu là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Hành vi nuôi nhốt gấu lấy mật vì mục đích kinh doanh là vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 157/2013/ND-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2013 (thay thế Nghị định 99/2009/ND-CP).
- Mặc dù đã có nhiều bạn bè nhắc nhở trên mạng xã hội rằng hành vi này trái pháp luật, có thể bị bắt nhưng thanh niên này vẫn không thể hiện sự quan tâm. Để thay đổi nhận thức, giáo dục những người vô cảm như vậy, Trung tâm có ý kiến gì không?
- Đối với những trường hợp như thế này, cần có sự vào cuộc của báo chí, dư luận lên án hành động này. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để xử lí nghiêm hành vi vi phạm pháp luật này. Mong rằng đây sẽ là bài học, sự răn đe nghiêm khắc cho các bạn trẻ về hành động của mình.
- Người thanh niên này có thể phải đối mặt với những hình phạt nào?
- Như đã phân tích ở trên, với các hành vi vi phạm khác nhau (săn bắt gấu, giết gấu và buôn bán sản phẩm, bộ phận của gấu), nếu có bằng chứng cụ thể, người thanh niên này sẽ phải đối mặt với một bản án nghiêm khắc do Tòa án đưa ra theo quy định của Bộ luật hình sự trong đó tổng hợp hình phạt của các hành vi vi phạm.
- Trung tâm có thể cho biết về thực trạng loài gấu hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới?
- Từ năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu. Cục Kiểm lâm đã lập hồ sơ quản lý và gắn chip toàn bộ cá thể gấu nuôi nhốt trong các trang trại, hộ gia đình nhằm đảm bảo không có cá thể gấu mới nào bị buôn bán, hay tuồn vào các trang trại. Theo đó, những cá thể gấu nào chưa đăng ký với cơ quan chức năng thì sẽ bị tịch thu, các chủ trang trại nuôi nhốt sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc trích hút mật gấu với các cá thể gấu đã được gắn chíp cũng đều được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Việt Nam hiện nay còn khoảng 2,000 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các hộ gia đình và các trang trại.
Hiện tại chúng tôi không có thông tin chính xác về số lượng gấu trên thế giới, tuy nhiên, việc tiêu thụ mật gấu vẫn đang tồn tại, đặc biệt với một số quốc gia ở châu Á.
Theo Tri thức