Đắt đỏ là thế nhưng người tiêu dùng vẫn rơi vào "bẫy" hàng “nhái”, bởi thời điểm này một lượng lớn dâu tây từ Trung Quốc được ồ ạt nhập vào Việt Nam, bày bán tràn lan trên các đường phố, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng nội, hàng ngoại để lựa chọn.
Đáng ngại nhất, dâu tây Trung Quốc phơi nắng cả ngày vẫn tươi. Nghi vấn dâu tây Trung Quốc có tẩm hóa chất bảo quản khiến người tiêu dùng hoang mang. Nếu điều đó là đúng, người tiêu dùng không chỉ bị lừa, mà nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ rất lớn.
Dâu tây Trung Quốc mang mác nội!?
Thời gian gần đây, trên đường phố Hà Nội, dâu tây được bán tràn lan trên nhiều tuyến đường lớn như Lê Văn Lương, Đại lộ Thăng Long... bởi những người bán hàng rong. Điều đặc biệt, dâu tây là loại hoa quả rất dễ bị hư hỏng, thông thường quá trình vận chuyển và bày bán phải được bảo quản trong phòng lạnh.
Tuy nhiên, hiện tại, trên các sạp hàng, dâu tây được bày phơi nắng giữa trời cả ngày. Người bán hàng chỉ việc cầm chai nước (không rõ có pha chế gì không) thỉnh thoảng lại tưới lên. Đơn giản là vậy nhưng dâu tây vẫn giữ được độ tươi. Nhiều thông tin cho rằng, với “bí quyết” này, dâu tây có thể giữ được độ tươi 4 - 5 ngày.
Có mặt tại đường Lê Văn Lương kéo dài vào khoảng 9h sáng ngày 5-6/12, lúc này những người bán hàng rong đang tiến hành bày dâu tây ra sạp. Theo quan sát của PV, dâu tây ở đây được đóng trong các thùng xốp, phía dưới có lót một lớp giấy hút ẩm. Phía ngoài thùng xốp đa số không có chữ viết hay bất cứ một dấu hiệu nhận biết nào về nguồn gốc.
Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi tinh ý nhận ra một mảnh giấy nilon đã bị chủ hàng bóc ra nhưng sơ ý vẫn dính chặt dưới đáy hộp là chữ Trung Quốc. Dòng chữ này có nội dung ghi loại hoa quả là cam, không phải dâu tây. Điều này càng tăng lên mối nghi vấn dâu tây hiện đang bày bán tràn lan trên nhiều tuyến đường phố Hà Nội là loại hoa quả không rõ nguồn gốc. Có thể dâu tây được bày bán ở đây là hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch.
Khi chúng tôi hỏi mua, một chủ hàng tên Huy người Hưng Yên liền quảng cáo: “Đây là dâu tây đầu mùa của Đà Lạt”. Khi chúng tôi hỏi giá, Huy không ngần ngại nói giá 32.000đồng/1 lạng. Biết chúng tôi đang phân vân vì mức giá quá cao, anh này giải thích: “Vì là đầu mùa, dâu ít nên giá mới cao”. Các quầy hàng khác cũng có độ chênh lệch chút ít, giao động từ 25.000đ - 30.000đ/ 1 lạng.
Theo quan sát của chúng tôi, dâu nhìn bề ngoài thì tươi, lá còn xanh, nhưng không hiểu sao nhiều quả bị mốc trắng. Hơn nữa, cuống lá đã đen sì và teo tóp. Thông thường, dâu tây không thể để được lâu và đã lên mốc thì chắc chắn nó phải mềm nhũn. Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới thuyết phục được những người bán hàng rong cho số điện thoại chủ mối ở chợ Long Biên. Họ sợ chúng tôi cướp mối, lộ mánh khoé làm ăn.
Con buôn và những trò đánh tráo
Sau khi có tên, số điện thoại, địa chỉ của một “đầu nậu” chuyên cung cấp dâu tây tên H., được giới thiệu là nổi danh buôn dâu tây ở chợ hoa quả Long Biên, Hà Nội, chúng tôi quyết định liên lạc với chị H. để tìm hiểu sự thực. Do nghi vấn dâu tây bày bán trên có xuất xứ từ Trung Quốc, nên chúng tôi đặt vấn đề muốn mua lượng lớn dâu tây Trung Quốc để chuyển vào một tỉnh miền Trung bán.
Không cần hỏi nhiều, mới nghe có khách muốn lấy dâu tây chị H. liền quảng cáo luôn: "Chỗ chị có cả dâu Đà Lạt và dâu Trung Quốc. Em thích loại nào thì cứ đặt lịch cụ thể, chuyển tiền qua tài khoản và ghi lại biển số xe đi qua địa chỉ nhà em. Chỉ hai, ba ngày là có hàng chuẩn". Cũng theo lời chị H., dâu tây Đà Lạt và dâu tây Trung Quốc đều có giá tương đương nhau.
Dâu Đà Lạt tầm từ 80.000 – 100.000 đồng/ 1kg, tùy vào loại quả to, nhỏ. Dâu Trung Quốc “giá mềm hơn”, từ 60.000 – 65.000 đồng/ 1kg. Dâu Trung Quốc rẻ hơn, đỡ nát hơn. Bình thường, dâu Đà Lạt nếu không bảo quản lạnh chỉ để được từ nay đến mai là sẽ hỏng. Nhưng với dâu nhập từ Trung Quốc có thể để từ 4 - 5 ngày, thậm chí là 1 tuần", chị H. khẳng định.
Chị H còn cho biết: "Dâu tây đang vào mùa, tiêu thụ rất mạnh. Nhà chị còn giao cho cả mấy siêu thị. Dâu có thể phơi ngoài trời nắng thoải mái và người bán hàng thường phun nước cho vỏ đẹp hơn". Cuối cuộc đàm thoại chị H. khuyên chúng tôi nên mua dâu tây Trung Quốc để được lâu và cần lúc nào cũng có. Qua trao đổi với chị H. chúng tôi hiểu rằng, hiện nay trên thị trường có dâu tây Trung Quốc. Tuy nhiên, việc người bán hàng luôn quảng cáo là dâu tây Đà Lạt để bán cho người tiêu dùng cho thấy việc lợi dụng thương hiệu dâu tây Đà Lạt để trục lợi.
Cũng để làm rõ hơn nguồn gốc có hay không dâu tây Đà Lạt trên thị trường Hà Nội , PV báo ĐS&PL liên lạc trao đổi với ông Võ Đình Dị, Phó Chủ tịch hội Nông dân phường 8, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng. Qua trao đổi PV được biết, hiện nay người nông dân Đà Lạt trồng dâu tây giống mới, năng suất cao nên mỗi sào có thể thu được hàng tạ dâu. Cứ cách một ngày, người nông dân lại thu hoạch một đợt quả chín. Số dâu tây này được các thương lái đóng vào các thùng xốp nhỏ, bảo quản trong xe lạnh và xuất đi khắp nơi với giá thu mua từ 20.000 – 27.000 đồng/ 1kg. Nếu bảo quản lạnh tốt thì dâu có thể để được từ 1 tuần đến 10 ngày.
Chúng tôi thông báo, giá dâu Đà Lạt tại thị trường Hà Nội khoảng trên dưới 300.000 đồng/1 kg, ông Dị thốt lên một cách bất ngờ. Cũng theo ông Dị, chất lượng sản phẩm của dâu tây Đà Lạt được đánh giá rất cao và đang dần trở thành một thương hiệu nông sản nổi bật của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, việc dâu tây Trung Quốc nhập vào ồ ạt, được bày bán tràn lan trên thị trường và mạo danh dâu tây Đà Lạt. Nếu điều đó xảy ra, thiệt hại lớn nhất thuộc về người nông dân đang từng ngày gây dựng thương hiệu sản phẩm dâu tây Đà Lạt.
Đăng ký thương hiệu nông sản để tránh bị lợi dụng
Theo luật sư Nguyễn Duy Hùng, việc dâu tây Trung Quốc được tiểu thương mời chào là dâu tây Đà Lạt nhằm lừa người tiêu dùng cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý hiện nay. Vấn đề này chỉ ra tình trạng chung của hàng nông sản nước ta chưa được quan tâm và bảo vệ xứng đáng ngay tại thị trường nội địa. Theo tôi, tỉnh Lâm Đồng nên đăng ký và bảo vệ thương hiệu dâu tây Đà Lạt để tránh tình trạng bị lợi dụng và qua đó cũng tạo điều kiện cho công tác quản lý nhằm minh bạch thị trường.
Theo Người đưa tin