Hai người đàn ông Iran dùng hộ chiếu của một người đàn ông Áo 30 tuổi và một người đàn ông Italy 37 tuổi để lên chuyến bay MH370 từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Sự việc này hé lộ phần nào thị trường giấy tờ giả ở Đông Nam Á.
Các tổ chức tội phạm ở Thái Lan sử dụng hộ chiếu đánh cắp để tạo ra những hộ chiếu giả để khách hành có thể lợi dụng tình trạng kiểm soát an ninh lỏng lẻo để bay tới những nơi mà họ không thể tới nếu dùng hộ chiếu thật.
Giới chức Malaysia công bố ảnh của hai người sử dụng hộ chiếu giả trên chuyến bay MH370. Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) kết luận họ không liên quan tới các tổ chức khủng bố.
Nội dung trên hai vé máy bay cho thấy, sau khi đáp xuống Bắc Kinh, cả hai sẽ lên máy bay khác để một người tới Frankfurt, Đức, còn người kia tới Copenhagen, Đan Mạch.
Ông Datuk Seri Ahmad Zahid Hamidi, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia, nói rằng dữ liệu của Bộ Nội vụ Malaysia liên kết với dữ liệu của Interpol, song chi tiết của hai hộ chiếu giả không hiện lên danh sách cảnh báo.
“Đó là nguyên nhân khiến nhân viên an ninh không thể phát hiện hộ chiếu giả”, ông giải thích.
Xu Liping, một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với The Mirror rằng rất có thể đưa người vào châu Âu là một ngành kinh doanh béo bở ở Đông Nam Á.
"Họ lấy cắp các hộ chiếu ở Thái Lan – nơi nhiều du khách quốc tế tới – rồi khởi hành từ Malaysia – nơi hoạt động kiểm soát an ninh diễn ra khá lỏng lẻo", Xu lập luận.
Ảnh minh họa: The Moscow Times |
Hong Daode, một giáo sư bộ môn luật hình sự của Đại học Khoa học chính trị và Luật Trung Quốc, đồng ý với Xu.
“Hoạt động kiểm tra hành khách tại các sân bay và tàu điện ngầm ở Malaysia khá sơ sài. Giới chức an ninh Malaysia không hề kiểm tra kho dữ liệu hộ chiếu của Interpol. Trên thực tế, kẻ gian lấy cắp hai hộ chiếu tại Thái Lan từ năm 2012 và 2013. Dữ liệu của Interpol đã ghi nhận hai sự việc ấy. Nhưng giới chức an ninh Malaysia không hề kiểm tra dữ liệu hộ chiếu của Interpol để tìm kiếm những hộ chiếu đáng nghi”, Hong nói.
Những hộ chiếu giả trên chuyến bay MH370 khiến dư luận chú ý tới thị trường giấy tờ giả ở Đông Nam Á – nơi những tên trộm và kẻ làm giả hộ chiếu luôn sẵn sàng phục vụ những người có nhu cầu.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho hay hơn 60.000 hộ chiếu đã “mất tích” tại nước này từ tháng 1/2012 tới tháng 6/2013.
Hôm 9/3, Interpol thông báo các hành khách đã lên máy bay hơn một tỷ lượt trong năm 2013 nhưng nhân viên an ninh sân bay không hề đưa thông tin trên hộ chiếu của họ vào kho dữ liệu của Interpol. Chỉ một số quốc gia sử dụng kho dữ liệu của Interpol một cách thường xuyên và hiệu quả.
Dữ liệu của Interpol chứa thông tin của hơn 40 triệu hộ chiếu mất cắp. Nó là mục tiêu của khoảng 800 triệu lượt tìm kiếm mỗi năm. Khoảng một nửa số lượt tìm kiếm xuất phát từ Mỹ, Anh và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Dai Peng, giám đốc khoa Điều tra Tội phạm, Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, nói rằng hai hành khách mang hộ chiếu giả chỉ muốn nhập cư trái phép, chứ không hề có ý định thực hiện hành động khủng bố.
“Nhưng người ta vẫn không thể hiểu cách thức mà hai người Iran đến Malaysia. Sự việc ấy cho thấy những lỗ hổng trong hoạt động an ninh của Malaysia”, ông Dai nói.
Nhiều nước Đông Nam Á tăng cường hoạt động kiểm soát an ninh từ khi phi cơ của hãng Malaysia Airlines mất tích.
Theo Zing