Vừa cập bờ sau chuyến biển 20 ngày trên biển Hoàng Sa, ngư dân Trương Văn Kinh- chủ tàu Đna - 90402 (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - nói: Những ngày gần đây, tàu ngư chính, hải giám của Trung Quốc xuất hiện rất nhiều ở vị trí cách đảo Tri Tôn (Việt Nam) khoảng 25 hải lý về phía Nam.
Trên đường đánh bắt chạy về đất liền khi đi qua vị trí này, tàu của tui bị tàu Trung Quốc dùng loa và cờ ra hiệu phải tránh xa khu vực này. Ngư dân Kinh nói thêm: “Không chỉ tàu tui mà rất nhiều tàu đánh bắt của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng… đều không đi qua được vùng này vào bờ mà buộc phải chạy vòng về”.
Ngư dân Lê Khởi - chủ tàu Qng 96679 (trú xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) cũng cho biết: Tháng 3 năm ngoái, tàu tui bị tàu hải giám số hiệu 1239 của Trung Quốc dùng vòi rồng xua đuổi ở trên vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó tàu tui đánh bắt cách đảo Tri Tôn khoảng 60 hải lý về phía Đông Nam. Trong chuyến biển này (4/5/2014), tàu hải giám của Trung Quốc đã xuất hiện xua đuổi tàu tui khi chỉ cách đảo Lý Sơn khoảng 145 hải lý. Khoảng một tiếng sau, tàu kiểm ngư Việt Nam xuất hiện, tàu Trung Quốc hú to còi rồi quay đầu bỏ đi.
Trong khi đó, ngư dân Trần Ny (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), chủ tàu Đna – 90366, quả quyết, vùng biển Hoàng Sa cha ông chúng tôi làm ăn, sinh sống và làm chủ từ bao đời nay. Không thể một ai có thể chiếm đoạt được hết. Tui đang cho anh em chuẩn bị nhiên liệu để ra khơi ngay. Đi lúc này hiệu quả kinh tế có thể không cao nhưng vẫn phải đi để cho các anh cảnh sát biển, hải quân, hay lực lượng kiểm ngư thấy thêm được một lá cờ đỏ sao vàng trên biển, để thêm vững tin bảo vệ thật chắc biển đảo của Tổ quốc.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh thông báo: Hội Nghề cá Đà Nẵng sẽ kết nối ngư dân Đà Nẵng cùng nhau tăng cường đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Vừa tự bảo vệ ngư trường chính nuôi sống gia đình vừa góp sức cùng lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Dàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa là bước đi có chủ ý. Đây là hành động ngang ngược của Trung Quốc bởi vùng biển này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa mà Việt Nam đã khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi. Với hành động này thêm một lần cho thấy tư tưởng bá quyền nước lớn của Trung Quốc, muốn xâm chiếm đất rõ ràng của Trung Quốc. Chúng ta đã và đang dùng tất cả biện pháp ngoại giao hòa bình để bắt buộc Trung Quốc rút ngay dàn khoan trên. Trong trường hợp họ vẫn ngang ngược, chúng ta có thể dùng các biện pháp mạnh mẽ khác. Ông Đặng Công Ngữ - nguyên Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) Tiềm tàng kịch bản nguy hiểm Động thái triển khai giàn khoan HD 981 của Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam tiềm tàng kịch bản vô cùng nguy hiểm. Đã xảy ra những cuộc đối đầu giữa các tàu khảo sát trước đây, song đây là một diễn biến mới. Đã có nhiều suy đoán về cách mà Trung Quốc sẽ sử dụng giàn khoan mới này và bây giờ thì dường như chúng ta đã có câu trả lời. Ông Ian Storey - chuyên gia về Biển Đông (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore) |
Theo Dân Việt