Lý sự cùn kiểu TQ: Người TQ đã đặt tên đảo nên đảo phải là của TQ!

Thứ năm, 29/05/2014, 11:11
Không thể đem một luận thuyết lạc hậu, không được quốc tế công nhận để chứng minh chủ quyền. Trung Quốc đang cố làm những điều sai trái. Sai trái chồng sai trái khi họ cố tình chứng minh chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thuộc về họ.

Loạt bài 5 kỳ viết về vấn đề này sẽ làm sáng tỏ lý lẽ của Việt Nam và sự đuối lý của Trung Quốc.

Kỳ 1: Lý sự cùn của Trung Quốc

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/5/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương chủ trì buổi họp báo đã phát biểu: "Sau khi xem xét những nội dung có liên quan trong buổi họp báo do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức hôm thứ Sáu tuần trước (ngày 23/5), tôi thấy thật hoang đường và tức cười. Phần lớn những bằng chứng lịch sử chỉ rõ, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam - PV) từ xưa đến nay là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, người Trung Quốc đã phát hiện và đặt tên đồng thời thực hiện hoạt động kinh doanh, tiến hành quản lý cũng như thực hiện chủ quyền sớm nhất ở đây. Người Trung Quốc là người chủ của quần đảo Hoàng Sa".

Tiến sĩ Trần Công Trục

Ông Tần còn nói: Ngay từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, tức thời nhà Hán, người Trung Quốc đã tiến hành hoạt động hàng hải ở Biển Đông và phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, người Trung Quốc lần lượt đến quần đảo Hoàng Sa khai thác, kinh doanh. Tài liệu lịch sử chứng minh từ thời nhà Đường, Tống, người Trung Quốc đã tiến hành hoạt động đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa. Hải quân thời Bắc Tống đã tiến hành quản lý có hiệu quả ở quần đảo Hoàng Sa. Nhà thiên văn học nổi tiếng thời nhà Nguyên Quách Thủ Kính đã lập điểm thiên văn ở quần đảo Hoàng Sa. Điều đó chứng minh quần đảo Hoàng Sa khi đó đã là nằm trong lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong một bài viết của ông Dương Trạch Vỹ, Giáo sư, Tiến sĩ Luật  học, công tác tại Viện Nghiên cứu Luật quốc tế, Đại học Vũ Hán, cũng hết sức vô lý khi đưa ra quan điểm tương tự như trên.

Để làm rõ sự sai trái của nhà chức trách cũng như học giả phía Trung Quốc, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Trung Quốc sai hoàn toàn

Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh: Phía Trung Quốc sai hoàn toàn. Tại sao lại nói như vậy? “Việc Trung Quốc nói họ có những chứng cứ lịch sử với Tây Sa, Nam Sa thậm chí cả Trung Sa và Đông Sa có từ thời kỳ cổ đại, ngay từ thời kỳ trước Công nguyên, đối với tôi và nhiều học giả khác cũng như dư luận đã từng nghe nhiều lần về điều này. Chúng tôi cũng từng có những phân tích, đánh giá rất kỹ về vấn đề này.

Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh lại ý kiến của tôi, Trung Quốc đã dựa vào một nguyên tắc gọi là chủ quyền lịch sử, danh nghĩa lịch sử với các đảo mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa. Họ đã khai thác hết tất cả các yếu tố lịch sử được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử của Trung Quốc để họ nói rằng, người Trung Quốc đã xuống Biển Đông và khu vực các đảo này, chính họ là người phát hiện ra, đã khai phá, đã làm ăn và sau đó là quản lý, đồng thời rêu rao cái gọi là thực hiện chủ quyền của Trung Quốc với các đảo này. Để có thể phân tích rõ luận thuyết đó của Trung Quốc trong việc chứng minh quyền thụ đắc lãnh thổ trong luật pháp quốc tế, có giá trị hay không, có giá trị đến mức nào, chúng ta cần xem xét dựa trên những nguyên tắc, luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các khu vực lãnh thổ có tranh chấp.

Trong Biển Đông có các quần đảo, trong đó có hai quần đảo của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi xin khẳng định rõ ràng, các quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc đã nhảy vào tranh chấp, chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực".

“Luận điểm mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho quan điểm của mình sau khi dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam dựa vào cái gọi là thuyết chủ quyền lịch sử”, Tiến sĩ Trục cho biết.

Để khẳng định và bảo vệ cho yêu sách của mình, các bên đã dựa vào những nguyên tắc pháp lý như sau: Chiếm hữu thật sự; chủ quyền lịch sử; khoảng cách địa lý.

“Trung Quốc đang dùng luận thuyết chủ quyền lịch sử để chứng minh chủ quyền. Đây là một luận thuyết vô cùng lạc hậu, không được luật pháp quốc tế dùng để xử lý các tranh chấp về thụ đắc lãnh thổ đối với các quần đảo”, Tiến sĩ Trục chỉ rõ.

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, tại thời điểm hiện nay, để đánh giá một cách khách quan, khoa học đối với các quan điểm pháp lý do các bên tranh chấp chủ quyền nêu ra, chúng ta cần đề cập đến một số nội dung chủ yếu của nguyên tắc xác định quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia trong pháp luật quốc tế.

Ông Trục nêu rõ: Trong lịch sử phát triển lâu dài của pháp luật quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác lập chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ. Từ thế kỷ XVI, sự phát triển và lớn mạnh khiến các nước như Hà Lan, Anh, Pháp... trở thành những cường quốc cạnh tranh với các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mà theo Sắc lệnh của Giáo hoàng Alexandre VI ký ngày 4-5-1493 đã phân chia khu vực ảnh hưởng cho 2 nước này ở các phạm vi lãnh thổ mới phát hiện ngoài châu Âu.

Trước thực trạng đó, các cường quốc hàng hải đã tìm ra nguyên tắc pháp lý áp dụng cho việc thụ đắc lãnh thổ đối với những vùng lãnh thổ mà họ mới phát hiện. Đó là nguyên tắc “quyền ưu tiên chiếm hữu”, hay còn được gọi là nguyên tắc “quyền phát hiện”. Nguyên tắc này dành quyền ưu tiên chiếm hữu một vùng lãnh thổ cho một quốc gia nào đã phát hiện vùng lãnh thổ đó đầu tiên.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên tắc quyền phát hiện chưa bao giờ tự nó đem lại chủ quyền quốc gia cho quốc gia đã phát hiện ra vùng lãnh thổ mới đó. Bởi vì, người ta không thể xác định được thế nào là phát hiện, giá trị pháp lý của việc phát hiện, ai là người phát hiện trước, lấy gì để ghi dấu hành vi phát hiện đó…Vì thế, việc phát hiện đã nhanh chóng được bổ sung bằng việc chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu tích trên vùng lãnh thổ mới phát hiện ra đó.

Mặc dù vậy, nguyên tắc chiếm hữu danh nghĩa không những không thể giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các vùng  “đất hứa”, đặc biệt là những vùng lãnh thổ thuộc châu Phi và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng ngàn, hàng vạn hải lý…, mà còn ngày càng dẫn đến những đối đầu quyết liệt hơn giữa các cường quốc, vì người ta không thể lý giải được cụ thể cái “danh nghĩa”  đã được lập ra bao giờ và tồn tại như thế nào …

Vì vậy, sau Hội nghị về châu Phi năm 1885 của 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ, đặc biệt, sau khóa họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne (Thụy Sĩ) năm 1888, người ta đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thụ đắc mới. Đó là nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”.

Nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”

Điều 3, Điều 34 và Điều 35 của Định ước Berlin ký ngày 26/6/1885 đã xác định nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu thật sự như sau:

Thứ nhất: Phải có thông báo về việc chiếm hữu cho các quốc gia ký Định ước nói trên.

Thứ hai: Phải duy trì trên vùng lãnh thổ mà nước đã thực hiện hành vi chiếm hữu trên vùng lãnh thổ ấy một quyền lực đủ để khiến cho các quyền của nước chiếm hữu được tôn trọng…

Theo Tiến sĩ Trục, Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh: “…mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên danh nghĩa chủ quyền… thì phải là thật sự, tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”. Chính Tuyên bố này đã khiến cho nguyên tắc chiếm hữu thực sự của Định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế để xem xét, giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia trên thế giới.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc chiếm hữu thật sự trong luật pháp quốc tế được Tiến sĩ Trục chỉ ra gồm các yếu tố:

Một: Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do nhà nước tiến hành.

Hai: Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res Nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto).

Ba: Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp. Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.

Bốn: Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.

Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên, mặc dù Công ước Saint Germain ngày 10-9-1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin 1885 vì lý do thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và các Cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo. Chẳng hạn Tòa án trọng tài thường trực quốc tế La Haye tháng 4-1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, Phán quyết của Tòa án quốc tế của LHQ tháng 11-1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và  Ecrehous…..

Gần đây hơn, Tòa án công lý quốc tế đã quyết định cho Ma-lai-xi-a thắng trong vụ kiện với In-đô-nê-xi-a vào tháng 12-2002 về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan vì tòa nhận thấy rằng Ma-lai-xi-a đã thực hiện một cách thường xuyên một loạt các hoạt động của nhà nước.

Kỳ 2: “Chủ quyền lịch sử” không phải để chứng minh chủ quyền

Theo QĐND

Các tin cũ hơn