Những phụ nữ tham gia trại triệt sản hàng loạt do chính phủ tổ chức chụp hình tại bệnh viện quận Bilaspur, bang Chhattisgarh, hôm 14/11. Ảnh: Reuters. |
Cuộc kiểm tra ban đầu với lô thuốc kháng sinh Ciprocin, loại thuốc được phát cho những người tham gia trại kế hoạch hóa gia đình do chính phủ tổ chức tại thành phố Bilaspur, bang Chhattisgarh, hôm 8/11, có chứa phosphua kẽm, Reuters dẫn lời Siddhartha Pardeshi, giới chức thành phố, cho biết.
Hợp chất trên được dùng làm chất diệt các loài gặm nhấm như chuột, nhưng rất độc hại nếu con người nuốt phải với một lượng nhất định.
Sau khi uống thuốc và trở về nhà, nhiều nạn nhân phải đi cấp cứu trong tình trạng huyết áp thấp, khó thở, nhức đầu, có dấu hiệu sốc. Có ít nhất 13 phụ nữ được phát thuốc đã tử vong. Hiện hàng chục người khác vẫn nằm điều trị tại bệnh viện. Những người tham gia triệt sản nhận được khoản tiền hơn 23 USD.
Bang Chhattisgarh đã kiểm tra những viên thuốc trên sau khi được thông báo rằng phosphua kẽm được tìm thấy tại nhà máy dược Mahawar gần đó. Mahawar đang nằm trong tâm điểm của cuộc điều tra, giám đốc Sở Y tế bang Chhattisgarh, ông Amar Agarwal, cho hay. Chính quyền bang đã thu giữ 200.000 viên Ciprocin 500 và hơn 4 triệu viên thuốc khác do Mahawar sản xuất.
Mẫu thuốc hiện đã được gửi tới phòng thí nghiệm ở thành phố Delhi và Kolkata để kiểm tra xem chúng có nhiễm chất gây ngộ độc như bản báo cáo ban đầu đưa ra. Ông Pardeshi hy vọng cuộc kiểm tra sẽ cho kết quả tương tự.
"Đó là những gì chúng tôi mong chờ. Những triệu chứng của bệnh nhân cũng phù hợp với việc nhiễm độc phosphua kẽm", ông Pardeshi nói.
Theo Guardian, Mahawar bị cấm hoạt động trong vòng 90 ngày vào năm 2012 sau khi công ty được phát hiện sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Mahawar vẫn không bị tước giấy phép.
Cảnh sát hiện đã bắt giám đốc điều hành công ty trên cùng con trai ông ta. Bác sĩ RK Gupta, người thực hiện các ca phẫu thuật triệt sản, cũng bị bắt giữ hồi tuần trước và hiện bị giam. Ông Gupta phủ nhận mọi trách nhiệm đã gây ra cái chết cho các phụ nữ Ấn Độ, và đổ lỗi cho thuốc.
"Tôi phẫu thuật suốt một thời gian dài và chưa từng có vấn đề gì xảy ra", bác sĩ Gupta nói với các phóng viên ở Bilaspur lúc bị bắt.
Ấn Độ là quốc gia đứng đầu thế giới về số phụ nữ triệt sản. Tỷ lệ sinh ở Ấn Độ đã giảm xuống trong vài thập kỷ gần đây, nhưng tỷ lệ tăng dân số của quốc gia này vẫn đứng vào hàng nhanh nhất thế giới.
Theo VNE