Dễ dàng qua cửa soát vé
Sáng 15/1, với nhu cầu cần mua vé đi Gia Lai vào ngày 24 tháng Chạp, chúng tôi được một nhân viên trật tự của bến xe Giáp Bát chỉ dẫn tận tình. “Đi Gia Lai à? Nếu biết cách mua thì vẫn rẻ hơn vì mua vé tại bến phải mất thêm nhiều loại phí như phí an ninh, phí bến bãi…”. Nói rồi, anh phẩy tay chỉ cho tôi vào trong tòa nhà bán vé: “Cứ tự hỏi đi, khắc biết”.
Hành khách xếp hàng chờ mua vé xe chất lượng cao ở Hà Nội sáng 10/1 (ảnh nhà xe cung cấp)
Sau ô cửa phòng bán vé, chúng tôi được biết giá lượt vào Hà Nội - Gia Lai là 620.000đồng/vé.
“Đến giáp Tết cứ gọi cho tôi, ắt sẽ được điều cho nhà xe tốt, giường đẹp để đi. Chỉ cần gọi trước một ngày là được. Chị yên tâm, mua từ bến sẽ không có tình trạng “cháy” vé hoặc bị ép giá như bắt xe dọc đường. Nếu “có biến”, chỉ cần chị quay số gọi về bến xe, công an sẽ xử lý nhà xe ngay lập tức. Tuy nhiên, xe chiều ra, kể từ sau Tết Âm lịch, chắc chắn sẽ tăng vé xe 60%”, anh Thắng - người tự nhận mình là điều hành tuyến xe khách Gia Lai của bến xe Giáp Bát cho biết.
Theo tính toán của anh Thắng, với giá vé tăng khoảng 60%, chiều từ Gia Lai ra Hà Nội, chúng tôi phải trả tròn 1 triệu đồng/vé.
Ghi nhận của PV, ở tất cả các cửa từ phòng vé ra bến xe đều có nhân viên an ninh kiểm tra vé mới được ra bến. Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi điện thoại cho một nhà xe ra đón, việc qua cửa được dễ dàng.
Theo nhà xe Cao Nguyên, giá vé đi từ Hà Nội - Gia Lai, nếu đi trực tiếp từ nhà xe sẽ chỉ còn 600.000đồng/vé (trong khi niêm yết ở bến là 620.000 đồng/vé – PV).
“Cận Tết vẫn còn vé nên không phải đặt trước quá dài ngày. Chỉ cần gọi điện báo trước khi đi khoảng một hôm và để lại số điện thoại là được rồi”. “Nhưng ở tất cả các cửa ra bến đều có nhân viên an ninh. Chưa có vé, làm sao qua cửa kiểm tra”?, tôi hỏi. “Đến bến, người của nhà xe sẽ ra tận cổng đưa hành khách vào nên không phải lăn tăn chuyện trình vé ở cửa kiểm soát”. “Nhỡ đặt muộn, hết vé thì sao?”. “Thông thường, thời điểm này, vé xe từ Nam ra Bắc mới khó còn ra Tết thì từ Nam ra Bắc lại dễ nên không lo thiếu chỗ”, chủ xe này giải thích.
Rục rịch tăng giá dịp Tết?
Tại Bến xe Giáp Bát, lượt xe dự kiến đợt cao điểm sẽ là 1.150 xe/ngày nên đơn vị này cũng có kế hoạch tăng cường xe phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, hiện chưa thấy các doanh nghiệp vận tải ở đây có động thái gì. Trước đó, một số đơn vị có trình phương án tăng giá vé nhưng do giá xăng giảm nên Tết Dương lịch vừa qua, chưa có doanh nghiệp nào tăng giá vé tiếp theo.
Hiện, tại bến xe này có 9 doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé, mức tăng cao nhất là 18%. Doanh nghiệp tăng nhiều nhất là Công ty TNHH Tuấn Việt chạy tuyến Mỹ Đình - Đô Lương, tăng từ 170.000 đồng/vé lên 200.000 đồng/vé (tương đương 18%).
Công ty CP vận tải ôtô Ninh Bình chạy tuyến Kim Sơn, Khánh Thành, Nho Quan đều tăng giá từ 90.000 đồng lên 103.000 đồng/vé; hoặc từ 85.000 đồng lên 97.000 đồng/vé. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác chủ yếu tăng ở mức 12 - 13%.
Cũng theo ông Tuấn, còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nên chưa thể nói trước được điều gì về giá cước. Tuy nhiên, nếu muốn tăng, doanh nghiệp phải có đủ hồ sơ và được chấp thuận theo đúng quy định của Thông tư liên tịch 152/2014 về điều chỉnh giá cước vận tải của Bộ GTVT và Bộ Tài chính, không thể cứ muốn là được.
Ngoài ra, để đảm bảo cho hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán, theo ông Tuấn, đơn vị này sẽ tăng khoảng 70 - 100 xe/ngày. Thông thường, từ 20 đến 23 tháng Chạp, lượng khách sẽ tăng đột biến. Đặc biệt, ngày 22 tháng Chạp và ngày 28 tháng Chạp, lượng khách sẽ rất cao vì những người dân học tập, sinh sống tại Hà Nội về quê nhiều.
Ông Tuấn khuyến cáo, trên xe đều có niêm yết giá vé, nếu có tình trạng “chặt chém”, hành khách có thể gọi theo đường dây nóng của bến xe để xử lý. Tốt nhất, hành khách nên mua vé tại bến để được đảm bảo an toàn cao nhất.
“Biện pháp xử lý cao nhất của chúng tôi là đình chỉ lái xe chứ không được phép phạt hành chính. Chẳng hạn dịp Tết Dương lịch vừa qua, có khoảng 10 xe bị dừng chạy do khách hàng phản ánh sai phạm nghiêm trọng và bị Cảnh sát giao thông thu giữ giấy tờ, bằng lái”, ông Tuấn cho biết.
Nghịch lý “cháy” vé! Trong khi một số bến xe khẳng định không thiếu chỗ thì một số nhà xe ở Hà Nội vẫn có tình trạng hành khách xếp hàng từ nửa đêm để mua vé. Theo một số khách hàng, lịch bán vé của nhà xe Văn Minh (đi Nghệ An, Hà Tĩnh) là 10/1 nhưng 23h đêm 9/1, hàng trăm khách hàng đã vạ vật chờ ghi danh tại hai điểm bán vé của nhà xe ở Hà Nội để sang ngày hôm sau, những hành khách này mới đến lấy vé. Một số khách xếp hàng muộn, đã không mua được vé xe vào một số ngày cao điểm. |
Theo Gia đình & Xã hội