Hai tháng sống trong sợ hãi của nữ sinh bị đánh hội đồng

Thứ sáu, 13/03/2015, 08:00
Suốt hai tháng qua, cô bé phải canh sát giờ mới dám đến lớp, giờ ra chơi lại lủi thủi xuống phòng đoàn đội ngồi để tránh mặt đám bạn đánh hội đồng.

Ngày 12/3, nữ sinh lớp 7/5 trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) được cha - ông Nguyễn Phước Thành (39 tuổi) - chở xe máy từ nhà lên khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Xét nghiệm bước đầu, các bác sĩ chưa ghi nhận có gì bất thường nên kê toa thuốc nhức đầu và hẹn tái khám vào ngày 26/3.

Nữ sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng cho biết đã cảm thấy thoải mái khi câu chuyện được nói ra. Ảnh: An Nhơn

Nữ sinh lớp 7 cho biết đã cảm thấy tâm lý thoải mái khi việc bị các bạn đánh được nói ra. Ảnh: An Nhơn

Dáng vẻ cao ráo, trắng trẻo, hoạt bát, nữ sinh cho biết sau khi câu chuyện vỡ lở, tâm lý em hiện đã thoải mái hơn trước nhiều, không còn sống trong lo sợ vì biết mọi người xung quanh bảo vệ mình. 

Theo em, sau khi clip được tung lên mạng, một số học sinh, trong đó có bạn nam cầm chồng ghế đánh vào đầu, đã đến xin lỗi em. "Bạn lớp trưởng có lẽ không biết hối lỗi nên vẫn chưa xin lỗi em. Nếu bạn ấy nhận lỗi, em tha thứ nhưng sẽ không nói chuyện và chơi chung nữa. Giờ em muốn chuyển trường khác vì bước vào trường đó bị ám ảnh, tối về không ngủ được", nữ sinh chia sẻ.

Em cho biết học chung với lớp trưởng hai năm liền. Nhiều lần lớp trưởng bắt nạt, dọa dẫm các bạn trong lớp phải nghe lời, nếu ai không phục sẽ bị đánh. "Bạn ấy thường xuyên bắt em mua bánh, rồi dọn dẹp rác do bạn ấy xả. Có hôm em không làm thì bạn ấy nói mày không coi tao ra gì, rồi dọa đánh", nữ sinh lý nhí.

3 ngày trước khi bị đánh hội đồng, em đã bị ăn đòn vì không tuân lệnh lớp trưởng đánh một bạn khác. "Bạn ấy cùng một bạn khác liền nhào vô đánh nhưng bằng tay nên không đau và không để lại thương tích", nạn nhân nhớ lại.

Đầu buổi học chiều 13/1, sau khi đưa bài hát sinh hoạt ngoài giờ, em bị lớp trưởng kêu vào ghế ngồi, sau đó bắt một bạn khác đi ra ngoài. "Em cứ tưởng bạn ấy vào nói chuyện với mình. Nhưng bất ngờ bạn ấy kêu nhiều bạn khác nhào vô đánh liên tiếp, mặc cho em khóc và van xin. Đến giờ em không hiểu lý do vì sao bị đánh", em nói.

Nữ sinh này kể, ngay sau vụ việc, thấy thầy giáo vào dạy, lớp trưởng liền bảo em chùi nước mắt kèm theo lời hăm dọa "nếu mày nói chuyện này thì còn bị đánh dài dài", trong khi hai bạn chơi thân khác thì mua băng keo cá nhân và đưa lược chải đầu cho tươm tất. Do quá đau nên em cúi mặt xuống bàn, sau tiết học thì xuống phòng đội bảo bị đau đầu và choáng nên nhờ thầy phụ trách đội chở về nhà.

"Những buổi học sau đó vì sợ bị đánh nên trước mỗi buổi học em chỉ đến trường trước 5 phút và ngồi ở phòng đội chờ tiếng trống mới dám vào lớp. Khi ra chơi em cũng vào phòng đội ngồi một mình. Nhiều thầy cô hỏi, em bảo là bị đau đầu nên ngồi nghỉ", em kể về hai tháng sống trong sợ hãi.

Nghe con gái kể lại việc giấu kín câu chuyện bị đánh suốt hai tháng, ngồi kế bên, ông Thành không cầm được nước mắt. "Vợ tôi xem chỉ một đoạn rồi khóc ngất. Tính tôi nóng nên bà ấy nói đừng xem. Chỉ nghe kể và thấy dư luận bức xúc quá, tôi cảm thấy con mình đã gánh chịu trận đòn dữ dằn lắm rồi. Sao chúng dã man với con tôi thế", đưa tay vò đầu con gái, ông rưng rưng.

Người đàn ông gương mặt khắc khổ cho biết, hôm đó thấy con về nhà mặt sưng húp, trầy xước nhiều nơi, hai vợ chồng hỏi thì cháu cho biết té cầu thang. Sau đó vợ chở con vào bệnh viện khám, siêu âm nhưng các bác sĩ bảo bị phần mềm. Những ngày sau đó, ông thấy lưng con gái bầm tím, ít giao tiếp hơn, cứ học xong về là ở trong phòng, liên tục bảo đau bụng, nhức đầu rồi xin thầy về sớm. "Giờ tôi mới biết nó đã chịu đựng việc bị đánh 2 tháng trời. Làm cha mẹ, tôi có phần lỗi khi thiếu quan tâm con cái", ông ngậm ngùi.

Ông Thành nguyện vọng con gái mình sớm được chuyển trường để sớm thoát khỏi ám ảnh. Ảnh: An Nhơn

Ông Thành nguyện vọng con gái mình sớm được chuyển trường để sớm thoát khỏi ám ảnh của việc bị đánh. Ảnh: An Nhơn

Ông Thành có 3 người con gái, nữ sinh bị đánh là con giữa, đứa lớn học lớp 10, nhỏ mới hơn 20 tháng tuổi. Ông cho biết gia đình nghèo khổ, hai vợ chồng ông phải chạy xe máy chở khăn bán dạo khắp các chợ ở huyện, mỗi ngày kiếm được 100.000 -200.000 đồng đều lo cho các con ăn học. Vợ đang chăm con nhỏ, gánh nặng gia đình dồn lên vai ông. Nhưng những ngày qua, ông lo chăm con nên không thể đi bán. Để có tiền đưa con lên TP.HCM khám, ông phải vay mượn người thân 6 triệu đồng.

"Tôi mong cơ quan chức năng bảo vệ con tôi không bị hăm dọa, trả thù sau sự việc này, đồng thời xem lại công tác quản lý, giáo dục học sinh của nhà trường", ông nói và cho biết nguyện vọng là con gái mình sẽ sớm được chuyển trường để có thể học tiếp.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn